GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

66.

Đại tá Thạnh dừng xe jeep tại một địa điểm trên quốc lộ 27 cách thành phố Ban Mê Thuột độ vài cây số. Thành phố này là vị trí xung yếu và có tính cách chiến lược của vùng cao nguyên mà sư đoàn 11 của ông có trách nhiệm phải chiếm cho kỳ được dù trả với bất cứ giá nào. Đó là lệnh của tướng Khải khi mời ông chỉ huy sư đoàn 11 tiến công Ban Mê Thuột. Với ba trung đoàn chủ lực của sư đoàn cộng thêm  lữ đoàn 172 biệt động đội, lữ đoàn 304 Nhảy Dù vừa được tăng phái, một trung đoàn thiết giáp, 1 trung đoàn pháo; ông có trong tay một lực lượng tinh nhuệ tương đương với hai sư đoàn bộ chiến. Các đơn vị này đã vào vị trí và chỉ còn chờ lệnh để công kích lực lượng của địch đang cố thủ trong thành phố bị cô lập với bên ngoài.

Sáu trục lộ giao thông chính yếu từ các nơi đổ về Ban Mê Thuột đều được các đơn vị của ông chiếm đóng. Trung đoàn 1 của trung tá An đóng tại Phước An, địa điểm nằm trên quốc lộ 26 cách thành phố không xa lắm. Lữ đoàn 304 nhảy dù đóng quân trên quốc lộ 14 mà đơn vị tiền phương đã vào sát ranh giới của thành phố. Lữ đoàn 172 biệt động đội chia nhau đóng quân dọc theo đường 27 mà đơn vị tiến sâu vào đất địch nhất là tiểu đoàn 1 đang đóng ở xã Hòa Thắng. Trung đoàn 3 dưới quyền điều động của trung tá Thiện đặt bộ chỉ huy tại ngã ba đường 14 với lộ 693 cách thành phố không đầy 20 cây số. Trung đoàn 2 đang giữ Bảo Lộc và Đà Lạt, sau khi được thay thế bởi một đơn vị bạn, đã nhảy bước dài bằng trực thăng lên chiếm Buôn Đôn cùng các cứ điểm nằm trên đường 681. Như vậy thì Ban Mê Thuột đã bị cô lập hoàn toàn vì sư đoàn 1 và sư đoàn 2 đã di quân theo đường 14C để tiến đánh Pleiku và Kontum. Ngoài ra 4 sư đoàn bộ chiến khác cũng bắt đầu mở cuộc công kích vào các tỉnh miền duyên hải. Sư đoàn 3 với sư đoàn 4 đánh Phan Rang.

Sư đoàn 5 và sư đoàn 6 đổ bộ lên hai tỉnh Khánh Hòa và Tuy Hòa để cắt miền trung ra làm hai phần. Cũng vì vậy mà các sư đoàn của quân khu 5 trấn đóng các tỉnh miền duyên hải không thể kéo lên tiếp viện cho sư đoàn 2 ở Pleiku và các đơn vị thuộc sư đoàn 307 tăng phái đóng tại Ban Mê Thuột. Nhận được tin đó ngày hôm qua, đại tá Thạnh rất an tâm điều động các đơn vị của mình tiến sát vào thành phố. Chỉ cần lệnh tấn công, năm đơn vị của ông với quân số 12 ngàn sẽ nhổ chốt để vào trung tâm thành phố Ban Mê Thuột. Tất cả hỏa lực hùng hậu này sẽ làm cho thành phố ” buồn muôn thủơ ” tan hoang vì sức chống trả của lực lượng phòng thủ. Ngoài các đơn vị thuộc lực lượng quân sự của tỉnh Đắc Lắc, Ban Mê Thuột còn được trấn giữ bởi hai trung đoàn 1 và trung đoàn 95. Trung đoàn 1 hay trung đoàn Ba Gia từng nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Đông Dương năm 1975; tuy nhiên hơn 50 năm nay chưa tham dự cuộc chiến nào nên từ sĩ quan chỉ huy và binh sĩ đều thiếu kinh nghiệm chiến trường. Trung đoàn 95 có căn cứ ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gai Lai vừa kéo xuống tăng viện để phòng thủ Ban Mê Thuột. Cân phân giữa hai lực lượng, đại tá Thạnh nhận thấy nếu mình có hơn quân số và vũ khí thì địch cũng có lợi điểm ở chỗ có sẵn các công sự phòng thủ kiên cố. Bây giờ là lúc mà tất cả hai phe đều trông cậy vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Trán của vị cựu tư lệnh phó quân khu 7 của quân đội nhân dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và bây giờ là tư lệnh sư đoàn 11 thuộc quân lực của nước Việt Nam tự do nhăn lại với nhiều vấn đề phải giải quyết. Ông mà ra lệnh tấn công là có rất nhiều người chết kể cả lính, vợ con lính và dân lành vô tội. Làm thế nào để binh sĩ của địch mất tinh thần chiến đấu dẫn tới chuyện bỏ ngũ? Câu hỏi lởn vởn trong trí của vị sĩ quan tham mưu có hơn 20 tuổi lính.

05:00 giờ. Ngày 7-8-2042. Ban Mê Thuột.

Uống cạn ly cà phê xong đại tá Thạnh bốc máy. Lệnh từ đích thân xuống cho ba trung đoàn xung kích của sư đoàn 11 với hai lữ đoàn 172 biệt động đội và 304 nhảy dù bắt đầu mở cuộc tiến công vào thành phố Ban Mê Thuột. Khởi đầu cuộc tiến công là hàng ngàn quả đạn 130 ly từ các khẩu đại pháo của thiết giáp và trung đoàn pháo binh được rót vào các căn cứ quân sự và nơi đóng quân của địch. Ba phần tư dân chúng đã tản cư ra khỏi thành phố mấy ngày trước rồi vì biết thế nào cũng có đánh nhau. Còn số ít dân chúng và binh lính gồng mình gánh chịu cơn mưa pháo kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ mới dứt.

Pháo vừa dứt, đội lên đầu cái nón sắt, trung tá Cảnh, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 172 biệt động đội ra lệnh tiến quân. Tuy mới được thành lập song từ sĩ quan chỉ huy cho tới binh sĩ của lữ đoàn đã được tuyển chọn từ các quân cựu quân nhân của hai quân khu 9 và 7, do đó họ có nhiều kinh nghiệm đánh nhau không kém các đơn vị khác. Được trang bị vũ khí nhẹ, đơn vị xung kích này chuyên đánh nhau trong thành phố và đánh cận chiến. Đang đóng ở Hòa Thắng, thiếu tá Yên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 bung bốn đại đội ra lấy quốc lộ 27 làm chuẩn tiến chậm vào thành phố. Vùng trách nhiệm của tiểu đoàn 1 là phường 3 và 4 của thành phố Ban Mê Thuột. Hai phường này nằm dọc theo quốc lộ 27, rất đông đúc dân cư và có nhiều khu buôn bán sầm uất. Súng bắt đầu nổ mới đầu còn thưa sau dồn dập hơn. Bốn đại đội, mỗi đại đội có quân số hơn 250, dàn hàng ngang đi sau thiết giáp mở đường chậm chạp tiến vào. Bánh xích của xe tăng nghiến mặt đường nghe kèn kẹt. Nòng đại bác 130 chĩa về trước sẵn sàng bắn hủy diệt mục tiêu.

Đặt tại một địa điểm trên quốc lộ 27, bộ tham mưu của đại tá Thạnh bận rộn hơn bao giờ hết. Tiếng súng nổ ầm ầm, tiếng la hét, chửi thề văng tục vang vang trong hệ thống liên lạc nội bộ của sư đoàn. Đứng nhìn vào bản đồ điện tử của thành phố Ban Mê Thuột có các dấu hiệu chỉ quân nhà màu xanh và quân địch màu đỏ, tai lắng nghe báo cáo của các đơn vị mặt trận; đại tá Thạnh ước lượng, xét đoán, nhận định tình hình và truyền lệnh của mình tới các trung đoàn trưởng và lữ đoàn trưởng. Tuy không ở tuyến đầu nhưng vị tư lệnh biết rõ mọi diễn biến của trận đánh còn hơn các trung đoàn trưởng hoặc lữ đoàn trưởng nữa. Có thể nói ông ta không thực sự cầm súng bắn nhau với địch song đánh bằng cái não của mình, bằng cách di quân, chuyển đơn vị, đổi vị trí, ra lệnh cho phi pháo can thiệp lúc cần. Lệnh cho thằng 2-1 tiến (tiểu đoàn 2-trung đoàn 1), thằng 3-3 dừng (tiểu đoàn 3-trung đoàn 3). Lệnh cho lữ đoàn trưởng 304 Dù chuyển tiểu đoàn 2 đánh vào phường 1, còn tiểu đoàn 1 cố gắng ” link ” hay bắt tay với đại đội 3 của tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 của trung tá An. Không những biết rành các trung đoàn trưởng, ông ta còn nhớ luôn tên của các tiểu đoàn trưởng nữa. Có một điều mà ít có người biết trừ các sĩ quan tham mưu thân cận và gần gũi với ông ta, trước khi trở thành tư lệnh phó quân khu 7, đại tá Thạnh từng là phó trưởng phòng hành quân của bộ tư lệnh sư đoàn 2 lúc còn mang cấp bậc trung tá. Ông ta biết nhiều về F2 đang đóng bộ tư lệnh tại thành phố Pleiku. Thành lập ngày 20 tháng 10 năm 1965 tại Quảng Nam, mang bí số F2 hiện thời có ba trung đoàn chủ lực là trung đoàn 1, 21, 31 mang bí số E1, E21 và E31 ( trung đoàn 1 nổi tiếng nhất, sau trận Ba Gia được gọi là trung đoàn Ba Gia ). F2 còn có thêm trung đoàn 368 pháo binh và các tiểu đoàn hoặc đại đội cơ hữu như tăng thiết giáp, công binh, trinh sát, đặc công, pháo…

Cuộc tiến công của sư đoàn 11 vào thành phố Ban Mê Thuột xảy ra hai giờ đồng hồ thì tạm chấm dứt theo lệnh của đại tá Thạnh. Bước ra sân, đốt điếu thuốc vị tư lệnh ngóng nhìn về phía cụm khói bốc lên đâu đó ở thành phố nổi tiếng vì cà phê. Làm thế nào để cho sức kháng cự của lực lượng phòng thủ phải yếu đi? Rít liên tiếp ba hơi thuốc lá hiệu Lucky mà tướng Khải có nhã ý tặng cho, Thạnh bắt đầu dạo bước.

– À…

Ý nghĩ bừng sáng trong óc, vị tư lệnh à tiếng nhỏ mừng rỡ quay vào lều, bước tới chỗ dành riêng cho tiểu đoàn tác chiến điện tử dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Chánh. Đây là đơn vị gồm toàn quân nhân của quân lực Việt Nam ở Phú Quốc chuyên đảm trách về truyền tin, liên lạc, an ninh và tình báo của sư đoàn.

– Mình có thể bắt sóng của địch không thiếu tá?

Đại tá Thạnh hỏi vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tác chiến điện tử một cách khá lịch sự hơn là ra lệnh. Chánh mau mắn trả lời.

– Dạ được chứ tư lệnh… Xin tư lệnh chờ 1 phút…

Lát sau đại tá Thạnh nghe tiếng ù ù rồi tiếng nói vang lên. Chỉ cần nghe thoáng qua ông biết đó là giọng nói của một sĩ quan nào đó phía bên kia đang nói chuyện với sĩ quan dưới quyền chỉ huy.

– Đây là đại tá Thạnh, cựu tư lệnh phó quân đoàn 7 và hiện thời là tư lệnh sư đoàn 11 của quân lực Việt Nam đang tấn công vào Ban Mê Thuột…

Đại tá Thạnh ngưng ở đó như muốn cho phe địch nghe và suy nghĩ về những gì mình nói. Mọi người đều nghe phía bên kia im lặng không nói gì hết.

– Tôi muốn nói với các sĩ quan chỉ huy trung đoàn 1, trung đoàn 95 và binh sĩ của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc hiện đang đồn trú trong thành phố Ban Mê Thuột. Tôi biết các anh là những người lính can đảm, kiêu hùng và trung thành với tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Tuy nhiên trung thành với tổ quốc không có nghĩa là trung thành với đảng và nhà nước. Hào quang Điện Biên Phủ và huyền thoại đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ đã chết. Đảng và nhà nước hôm nay chỉ toàn những kẻ tham lam, khiếp nhược, ác với dân mà hèn với Trung Cộng, kẻ thù muôn đời của dân tộc Việt. Đảng coi trọng quyền lợi của cá nhân bè phái hơn quyền lợi của dân tộc và đất nước. Những kẻ cầm quyền hiện nay ở Hà Nội đã dùng mọi mưu mô thủ đoạn để làm giàu trên xương máu của dân lành và của các chiến sĩ anh hùng như các anh. Tôi biết các anh không sợ chết; nhưng chết cho đảng và nhà nước là một cái chết không xứng đáng. Chết cho đảng không phải là chết cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mà là chết cho đám người ngu xuẩn, ươn hèn, khiếp nhược, vì tiền bạc và quyền lực cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang. Cá nhân tôi sau khi thức ngộ đã theo về với quân lực của nước Việt Nam tự do dân chủ. Hôm nay, nhân danh cựu tư lệnh phó quân khu 7, kiêm tư lệnh sư đoàn 11 của nước Việt Nam; tôi kêu gọi các anh em sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đang đồn trú trong thành phố Ban Mê Thuột hãy buông súng, bỏ hàng ngũ theo về với quân lực của nước Việt Nam tự do dân chủ. Chúng tôi hân hoan chào đón các anh em và chúng ta sẽ cùng nhau cầm súng giải phóng Hà Nội đem lại tự do và dân chủ cho mấy chục triệu đồng bào miền bắc đang sống cơ cực lầm than dưới sự cai trị sắt máu của đảng cộng sản. Có như vậy các anh mới xứng danh là người lính chiến đấu cho dân tộc và đất nước. Các anh hãy mạnh dạn rời bỏ hàng ngũ để cùng chúng tôi lập thành một quân lực thống nhất đầy đủ sức mạnh để đòi lại Hoàng-Trường Sa và những đất đai đã mất về tay Trung Cộng…

Thông điệp của vị tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột đã được lập đi lập lại nhiều lần trên tần số nội bộ của phe bên kia cũng như được các xe chạy khắp nơi phát thanh cho dân chúng biết. Điều này lại có tác dụng không ai ngờ được. Chỉ trong ba ngày sau khi thông điệp được phát thanh, hàng ngàn binh sĩ đồn trú đã từ lén lút sau trở thành công khai buông súng và rời bỏ hàng ngũ kéo theo sự xụp đổ của Ban Mê Thuột rồi lan tới Pleiku và Kontum. Toàn vùng cao nguyên trung phần, hành lang chiến lược che chở cho Sài Gòn đã được tái chiếm và kiểm soát chặt chẽ. Đang ở Pleiku, sư đoàn 1 sẽ ngồi quân xa lên Kontum rồi sau đó sẽ hợp với sư đoàn 2 theo quốc lộ 14 đi lên Thạnh Mỹ, giao điểm của hai quốc lộ 14 và 14B để uy hiếp thành phố Đà Nẳng. Sư đoàn 11 với hai lữ đoàn tăng phái sẽ ngồi quân xa từ Ban Mê Thuột lên Kontum rồi theo quốc lộ 24 tấn kích vào tỉnh Quảng Ngải trong lúc sư đoàn 5 với 6 đang ở Tuy Hòa sẽ tiến chiếm Quy Nhơn và các vị trí quan trọng như Phù Cát, Tam Quan, Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định rồi vượt đèo Bình Đê tấn công Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngải. Bốn tỉnh của vùng cao nguyên là Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai và Kontum sẽ do ba sư đoàn 12, 14 và 15 tân lập chia nhau trấn giữ.

*****

Sài Gòn.

12- 8- 2042.

10:00 giờ.

Tòa đô chánh.

Trăm ngàn người khắp nơi trong nước đã tụ về Sài Gòn ngày hôm nay để nghe thủ tướng Lê Quốc Việt đọc diễn văn trình bày về chính sách của chính phủ trong tương lai sau khi quân lực của nước Việt Nam ở Phú Quốc đã hoàn tất chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn Giai Đoạn 2. Dân chúng; có người ở tận đảo Phú Quốc xa xôi, có người ở Rạch Giá, Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc, Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Long đã đổ xô về Sài Gòn từ mấy ngày trước để tham dự buổi nói chuyện của vị đại diện chính phủ mới về đường lối đối nội và đối ngoại với những mục tiêu quan trọng như ” Ra Trung hay là chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn Giai Đoạn 3 ”; Biển Đông hay cách thức đối phó với Trung Cộng trong tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước sau cơn binh biến và sự ổn định chính trị cũng như tổ chức các cơ cấu công quyền hầu thích hợp với tình thế hiện tại. Tuy nhiên điều mà dân chúng bàn tán sôi nổi mà vị thủ tướng họ Lê của nước Việt Nam tự do sẽ đề cập tới chuyện đi hay ở của ông ta trong chức vụ đứng đầu của nước. 16 năm qua dưới sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt và khôn ngoan của ông ta; chánh phủ đã vượt qua mọi trở ngại và thử thách cam go để biến một nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa thành một nước Việt Nam hùng cường và có chỗ đứng vững vàng trên thế giới. Bây giờ dù đã trưởng thành song nước Việt Nam vẫn còn chưa thực hiện được giấc mộng của dân tộc là lật đổ cộng sản, thống nhất ba miền nam trung bắc thành một nước tự do dân chủ, đem lại no ấm cho dân chúng và cuối cùng đòi lại những đất đai, biển đảo đã mất bởi đế quốc Trung Cộng. Trong tình thế hổn độn và dầu sôi lửa bỏng này, vị thủ tướng tài ba và yêu nước thương dân lại nói tới chuyện rút lui ra khỏi chính trường về an hưởng tuổi già. Điều đó làm cho dân chúng ngạc nhiên rồi đâm ra thất vọng và buồn rầu. Nhiều người thân cận với ông ta còn tỏ ra giận dữ vì nghĩ rằng ông ta đã bỏ rơi họ, làm tan vỡ giấc mộng chống xâm lăng của họ.

Quan khách được mời tuần tự kẻ trước người sau ngồi vào ghế có tên của mình. Người ta thấy ở ba hàng ghế đầu có mặt đầy đủ các vị trong nội các, 99 đại biểu của quốc hội của nước Việt Nam, các tướng lãnh trong quân lực, nhiều đại sứ của các quốc gia thân hữu và cuối cùng là đại diện của những công ty xí nghiệp lớn nắm giữ các ngành quan trọng như kỹ nghệ, tài chính, ngân hàng và giao dịch của cả nước. Tất cả ánh mắt đều hướng về cánh cửa màu đỏ nơi mà thủ tướng Việt sẽ xuất hiện sau khi vị giám đốc phòng nghi lễ lớn tiếng hô báo hiệu.

Tới đứng tại bục gỗ có gắn máy vi âm, thủ tướng Việt khẽ giơ tay ra dấu chào mọi người. Giọng nói rắn rỏi và hơi trầm của ông ta vang lên.

– Kính thưa đồng bào… Kính thưa quí vị… Tôi có hai điều quan trọng, cần thiết và cấp bách để thưa cùng 99 vị đại biểu quốc hội, các vị bộ, thứ trưởng trong nội các, các vị tướng lãnh trong quân lực và các vị đại diện cho công ty xí nghiệp của nước ta và quan trong nhất cùng dân chúng của nước Việt Nam ở cả ba miền nam trung bắc. Ngay lúc tôi đứng đây thưa chuyện cùng quí vị thì thiếu tướng Trần Quang Khải đã điều động 8 sư đoàn bộ chiến với sự yểm trợ của không quân và hải quân tiến ra miền Trung để hoàn tất Giai Đoạn 3 của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn và vị tư lệnh chỉ chịu dừng quân ở vỉ tuyến 17, nơi có sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương. Sau khi chiến dịch này chấm dứt, khi tình thế đã chín mùi, quân lực của chúng ta sẽ khai mở chiến dịch Ngóng Về Hà Nội để thống nhất đất nước hầu đem lại tự do, dân chủ và ấm no cho toàn dân tộc…

Không hẹn mọi người đồng loạt vỗ tay hoan hô lời tuyên bố này. Tiếng vỗ tay kéo dài thật lâu. Trong lúc mọi người đang vỗ tay, có một quân nhân mang cấp bậc trung tá bước ra tới chỗ thủ tướng Việt đứng và trình cho ông ta tờ giấy. Đọc xong ông ta tươi cười hắng giọng.

– Kính thưa quý vị. Tôi vừa nhận được tin sư đoàn 11 của đại tá Thạnh đã chiếm được Ban Mê Thuột…

Lần nữa mọi người trong phòng lại vỗ tay rào rào còn thiên hạ đứng ngoài thì hò hét vang trời. Đợi cho tiếng hoan hô dứt, vị thủ tướng cao giong nói của mình.

– Ngoài ra tướng Khải còn báo là quân ta cũng đã chiếm được quân cảng Cam Ranh. Các tàu chiến của hải quân địch cũng bị ta chiếm đóng trong số đó có bốn chiếc tàu ngầm…

Tiếng vỗ tay lần này vang lớn và lâu hơn nữa. Thiên hạ tung nón mũ lên không, la hét hú hò vang trời. Chỉ cần vài phút tin này đã lan ra khắp nơi trong nước và nước ngoài có người Việt cư ngụ.

– Với sự cố vấn của vị bộ trưởng quốc phòng, tham mưu trưởng liên quân, tư lệnh bộ binh, không quân và hải quân; tôi đã ra lệnh cho quân lực ta tiếp tục tiến công vào vùng cao nguyên trung phần và các tỉnh miền duyên hải. Làm chủ được vùng cao nguyên chiến lược thì quân lực ta mới có thể chận bít đường tiếp liệu và xâm nhập của Quân Đội Nhân Dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và giữ vững thủ đô Sài Gòn. Phải chiếm giữ vùng duyên hải với các hải cảng Cam Ranh, Đà Nẳng thì hải quân ta mới có đủ sức đối chọi lại hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng trong vấn đề tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này từ xưa tới giờ đều thuộc Việt Nam và mãi mãi là của Việt Nam. Tôi khẳng định cùng quí vị đang có mặt ở đây và với toàn thể đồng bào ba miền nam trung bắc là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam và mãi mãi là của Việt Nam…

Tất cả mọi người trong phòng hội đều đồng loạt vỗ tay rồi đứng dậy hoan hô như chia xẻ quyết tâm của vị lãnh đạo tối cao của đất nước. Ngoài sân rộng lan ra cả đường phố dân chúng hò la, vỗ tay, tung mũ nón lên trời như vui mừng và nồng nhiệt hưởng ứng lời nói của thủ tướng Việt đồng thời la vang các khẩu hiệu ” Đả đảo Trung Cộng xâm lăng Việt Nam…” ” Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam ” …

– Kính thưa đồng bào… Kính thưa quí vị… Tôi cũng biết Trung Cộng là một cường quốc về kinh tế và quân sự trên thế giới. Tôi cũng biết Trung Cộng có hơn 1 tỉ dân. Tôi cũng biết quân lực của họ hùng mạnh nhất Á Châu. Tuy nhiên hùng mạnh không có nghĩa là họ muốn làm gì thì làm, muốn chiếm đất đai, biển đảo của ai cũng được. Là một cường quốc, họ phải hành xử làm sao cho xứng đáng cương vị của một cường quốc. Là một nước lớn, nước mạnh họ phải cư xử với láng giềng bằng hành vi và thái độ của bậc đàn anh. Có như thế thì các nước láng giềng nhỏ yếu mới kính phục và thân thiện với họ. Đằng này, ỷ mình mạnh, có máy bay tàu chiến, tàu ngầm nguyên tử hạt nhân; họ ngang ngược giành hết Biển Đông, trắng trợn vẽ đường 9 đoạn rồi hung hăng tuyên bố đó là quyền lợi cốt lõi của mình. Họ xem Biển Đông như cái ao của họ, tha hồ tự tung tự tác, khinh rẻ quyền tự chủ và lợi lộc của các lân bang. Hiềm khích sinh ra từ lòng tham không đáy của Trung Cộng. Nước Việt Nam ta tuy nhỏ, dân chỉ có trăm triệu, song không vì thế mà ta để cho họ bắt bớ ngư phủ, ngăn cấm dân ta đánh cá trên vùng biển mà tổ tiên đã đổ biết bao xương máu để giữ gìn cho tới ngày hôm nay. Quân lực ta dù có ít người hơn họ, vũ khí có thô sơ hơn họ; nhưng ta không thể khoanh tay đứng nhìn kẻ xâm lăng hạ đặt giàn khoan dầu ở trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Họ chiếm đất của ta vì lòng tham lam, còn ta chống trả lại họ chỉ vì cái lẽ sống còn của dân tộc, vì không đánh trả lại họ thì nước sẽ mất, dân sẽ cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù phương bắc. Vì cái lẽ sinh tồn của nước của dân mà Hai Bà Trưng mới mạnh dạn kêu gọi toàn dân đứng lên đánh lại Tô Định và Hán Triều. Vì cái thế sống còn mà Ngô Quyền mới đánh lại Nam Hán, mở ra nền tự chủ và độc lập cho Đại Việt ngàn năm sau. Cũng vì cái lẽ sống còn mà Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung phải hô hào toàn dân Việt đứng sau lưng họ để bẻ gãy mộng xâm lăng của nước láng giềng phương bắc. Hôm nay đây, nước Việt ta dưới sự lãnh đạo của tôi sẽ noi gương các bậc anh hùng trong lịch sử thề lấy lại Hoàng Sa từ tay Trung Cộng…

Tiếng la hét, vỗ tay hoan hô của dân chúng ở ngoài sân vọng vào lớn tới mức làm cho thủ tướng Việt phải ngừng lời.

– Đả đảo Trung Cộng…

– Hoan hô quân lực Việt Nam…

Đánh cho để dài tóc… đánh cho để đen răng…

– Đánh cho nó chích luân bất phản… đánh cho nó phiến giáp bất hoàn…

– Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…

Tất cả người ngồi trong phòng hội của tòa đô chánh đều nghe rõ mồn một dân chúng ngoài sân lập lại câu nói bất hủ trong bài thơ ” Hịch Ra Trận ” của vua Quang Trung trước khi đánh nhau với quân xâm lăng. Đứng ngay tại bục gỗ cao, vị thủ tướng của nước Việt Nam tự do dân chủ mỉm cười khi nghe dân chúng ngoài sân biểu lộ khí thế chống xâm lăng của dân tộc. Đợi cho tiếng hò la của dân chúng từ từ lắng đọng, ông ta mới hắng giọng tiếp.

– Muốn có một quân lực hùng mạnh đủ sức để bảo vệ đất nước, chúng ta cần phải có tiền để mua sắm tàu chiến, máy bay, xe tăng và quân dụng. Chúng ta phải có tiền trả lương cho binh sĩ, phải nuôi nấng vợ con họ khi mà họ nằm xuống trong nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do độc lập của đất nước. Chúng ta phải có tiền trả lương cho công chức; chăm sóc đời sống của người già cả, bệnh hoạn và nghèo khổ. Chúng ta phải có tiền mở mang trường học, đường sá cũng như các dịch vụ làm thăng tiến đời sống của dân chúng. Nói tóm lại chúng ta phải có tiền để làm tất cả mọi chính sách, mọi hoạch địch, mọi phương án mà chính phủ đã đề ra. Tiền ở đâu mà ra? Câu hỏi giản đơn này đã làm tôi mất ngủ hằng đêm, đã làm tôi giảm cân sau khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng và nhất là sau khi thành phố được hồi sinh dưới tên Sài Gòn. Thành thực mà nói, chiếc ghế thủ tướng của tôi không êm chút nào…

Người người đồng bật cười khi nghe vị lãnh tụ của họ pha trò.

– Vợ tôi thường nói cái ghế thủ tướng của tôi không được lót nệm mà lót bằng chông gai sắc nhọn vì không lúc nào tôi ngồi yên trên ghế. Rất may mắn là tôi có được bà vợ hiền, yêu chồng và thương nước nên không phàn nàn khi tôi làm việc 14 giờ một ngày…

Đang ngồi cạnh, Quế Hương thấy bà vợ của thủ tướng Việt mỉm cười. Tò mò cô quay qua hỏi nhỏ.

– Ổng nói có đúng không thưa bà?

Bà Việt, nhủ danh Trúc Đào cười nhẹ trả lời.

– Hổng đúng… Sự thực là ổng làm việc 24/24… Có nhiều khi tôi cằn nhằn bảo ổng dọn vào văn phòng ở luôn đi… Còn cô làm mấy giờ một ngày?

– Dạ ít hơn ông thủ tướng một chút. 12 giờ một ngày và 5 ngày một tuần… Chồng tôi và hai con nhỏ thường phàn nàn tôi mê làm việc. Tuy nhiên…

Nói tới đó Quế Hương phải ngưng nói khi giọng của thủ tướng Việt cất lên.

– Tiền là nỗi lo âu lớn nhất của tôi trong 16 năm làm thủ tướng. Cũng may tôi có được các cộng sự viên tài giỏi mà tôi muốn nêu tên họ ra đây không ngoài mục đích bày tỏ lòng cám ơn của mình. Hồng Ngọc với Quế Hương là hai bộ trưởng kinh tế và tài chính xuất sắc có những đặc điểm vô cùng quí giá. Ngoài chuyện kiếm ra tiền, dành dụm tiền, sử dụng đồng tiền đúng không chút lãng phí, hai cô còn yêu nước Việt Nam hơn chính bản thân mình. Hai cô tận tụy với chức vụ, hăng say trong việc kiếm ra tiền để cho tôi dùng phát huy nền giáo dục phôi thai chưa có đẳng cấp quốc tế. Cũng nhờ kinh tế tăng trưởng, tài chánh ổn định mà ông bộ trưởng giáo dục mới đào tạo được các chuyên viên tốt nghiệp đại học trong các ngành nghề quan trọng. Cũng nhờ vào tiền của hai cô Hồng Ngọc, Quế Hương mà các sáng kiến mới lạ của ông bộ trưởng văn hóa mới được thi hành để hôm nay nước ta mới bắt đầu thành hình một nền văn hóa khởi sắc đầy dân tộc tính. Cũng nhờ vào đồng tiền của chính phủ mà quân lực của ta mới đủ sức đánh bật Trung Cộng ra khỏi quần đảo Trường Sa. Cũng nhờ vào tầm nhìn chiến lược của ông Quốc, bộ trưởng quốc phòng và các tướng lãnh tài ba mà tôi mới được đứng ở giữa thành phố Sài Gòn, nói với đồng bào là ngày nào còn làm thủ tướng, tôi sẽ Ngóng Về Hà Nội để hoàn thành cuộc thống nhất ba miền nam trung bắc thành một nước Việt Nam dân chủ và độc lập, đem lại  tự do và no ấm cho 90 triệu đồng bào vốn đã hứng chịu nhiều khổ đau trong quá khứ…

 

*****

Trong lúc thủ tướng Việt thưa chuyện cùng đồng bào ở Sài Gòn, thiếu tướng Khải và bộ tư lệnh tiền phương của ông đặt tại căn cứ Cam Ranh đang hoạt động ráo riết. Từ ông tướng hai sao tới người lính binh nhì đều rất phấn khởi về thành quả đã đạt được sau khi ba sư đoàn 1, 2 và 11 bình định được vùng cao nguyên và đang mở đường xuống vùng duyên hải bao gồm bốn tỉnh còn sót lại của quân khu 5 là Bình Định, Quảng Ngải, Quảng Nam và Thừa Thiên trong đó có các thành phố quan trọng Quy Nhơn, Huế và Đà Nẳng, thành phố lớn và quan trọng nhất của miền Trung. So về mặt chiến thuật và chiến lược, nhất là trong chiến lược Biển Đông thời Đà Nẳng còn quan trọng hơn Hà Nội và Sài Gòn. Làm chủ được Đà Nẳng, hải quân của nước Việt Nam ở Sài Gòn có thể gây áp lực nặng nề lên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam nhưng đã bị Trung Cộng chiếm đóng vào năm 1974.

Tay cầm tách cà phê nóng, tay cầm điếu thuốc lá, vị tư lệnh chiến dịch nhìn vào phóng đồ hành quân của bốn tỉnh miền trung hiện ra trên màn hình rộng lớn. Hai mũi tên màu xanh có ghi số 1 và 2 ở xa nhất. Số 1 là sư đoàn 1. Sau nhiều lần đụng độ với các đơn vị của sư đoàn 315 thuộc quân khu 5, sư đoàn 1 đã chiếm đóng Đại Lộc, địa điểm nằm trên quốc lộ 14B đồng thời cũng là giao điểm của ba con đường 14B, 605 và 609. Số 2 là sư đoàn 2 với bộ tư lệnh đang ở Hiệp Đức nằm trên quốc lộ 14E có trung đoàn 1 đóng ở Quế Sơn, trung đoàn 2 giữ Tiên Mỹ và trung đoàn 3 chiếm Tiên Phước. Cả ba trung đoàn này mà đơn vị tiến sâu nhất chỉ cách quốc lộ 1 có các thị trấn như Thăng Bình, Tam Kỳ không đầy 30 cây số.

Tướng Khải mỉm cười gật gù tỏ vẻ thích thú khi chăm chú vào số 11. Ông ta quả  không nhìn lầm người. Nắm chức tư lệnh sư đoàn 11, đại tá Thạnh đúng là sĩ quan tham mưu lỗi lạc biết người biết ta đồng thời cũng biết khai thác và lợi dụng triệt để ưu và khuyết điểm của mình cũng như của địch. Nội chuyện dụng ba tấc lưỡi để chiếm Ban Mê Thuột của ông ta đã là một đề tài bàn tán của tất cả người thuộc bộ tư lệnh của tướng Khải. Sư đoàn 11 với hai lữ đoàn tăng phái chia ra hai cánh quân được đánh số 11A và 11B. Số 11A gồm có trung đoàn 1 và lữ đoàn 172 biệt động đội sau nhiều cuộc chạm trán nẩy lửa với các đơn vị thuộc sư đoàn 307 đã chiếm đóng Ba Tơ nằm trên quốc lộ 24. Cánh quân 11B gồm hai trung đoàn 2, 3 với bộ tư lệnh sư đoàn và lữ đoàn 304 nhảy dù đã càn quét khu vực nằm giữa ba con sông Trà Bồng, Trà Khúc và sông Vệ với các thị trấn như Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long để chuẩn bị tiến chiếm Nghĩa Hành và thị xã Quảng Ngải. Hai mũi tên khác có ghi số 5 và 6 đang từ hướng Nam tiến ra cho ông ta biết hai sư đoàn 5 và 6 đã làm chủ Quy Nhơn, Phù Cát, Tam Quan và đang tiến dần ra Đức Phổ để hổ trợ cho sư đoàn 11 bình định tỉnh Quảng Ngải. Với áp lực của sư đoàn 5, 6 từ nam tiến ra bắc, sư đoàn 11 từ tây nam tiến ra đông bắc và hai sư đoàn 1 với 2 từ tây tiến ra đông; ba sư đoàn 305, 307 và 315 của quân khu 5 phải lui về thế thủ và sẽ lùi dần về Đà Nẳng. Mặt trận này sẽ gay go và ác liệt vì một bên cố thủ và một bên cố chiếm.

– Trung tá Phùng vẫn còn ở Cam Ranh?

Tướng Khải hỏi trung tá Dũng, sĩ quan tham mưu của mình. Đang ngồi ở bàn riêng Dũng lên tiếng liền.

– Dạ… Ông ta vẫn còn ở Cam Ranh…

– Cho tôi nói chuyện với ông ta…

Phút sau trung úy Tiến, sĩ quan tùy viên và trung tá Dũng đều nghe rõ cuộc điện đàm của vị tư lệnh với trung tá Phùng, lữ đoàn trưởng lữ đoàn đặc nhiệm đang tạm đồn trú ở căn cứ Cam Ranh.

– Anh Phùng… Anh mạnh không?

Bên kia đầu dây có tiếng cười hà hà của trung tá Phùng kèm theo câu nói đùa.

– Trình tư lệnh… Tôi hổng được mạnh lắm vì mỗi lần được tư lệnh hỏi thăm sức khỏe là tôi bịnh…

Tướng Khải bật cười vì câu trả lời của người sĩ quan thân tín đã gắn bó với ông hơn hai chục năm trong quân ngũ.

– Anh mạnh hay yếu gì thì tôi cũng có việc này giao cho anh vì tôi biết chỉ có anh  mới làm được…

Trung tá Phùng cười hà hà khi được tướng Khải cho ăn đường.

– Cám ơn tư lệnh. Việc gì dậy thưa tư lệnh?

– Tôi cần anh dẫn lính trèo lên đèo Hải Vân ngồi ngắm cảnh và lai rai vài ly Remi Martell chơi…

Trung tá Phùng chắt lưỡi cười hà hà.

– Chà… Tôi nghe Hải Vân là đệ nhất đèo của nước ta mà chưa có dịp đi cho biết. Tư lệnh muốn tôi đi bằng gì?

– Tôi thấy trực thăng tiện nhất…

– Tư lệnh cho tôi nửa giờ để nghiên cứu xong sẽ gọi lại sau…

– Được… Anh liên lạc trực tiếp với trung tá Dũng. Tôi cho anh được ưu tiên 1 trong chuyến công tác khóa cứng đường số 1 để cô lập Đà Nẳng…

– Tuân lệnh thiếu tướng…

Cúp máy, uống cạn tách cà phê, rít vài hơi thuốc lá, tướng Khải chúi đầu vào phòng đồ hành quân chằng chịt đường xá, sông núi của vùng duyên hải trung phần. Ông ta đang đánh nhau với địch quân bằng chính cái não có hơn hai mươi lăm tuổi lính của mình.

 

 

67.

31-12-2042. Tháp tùng bởi hai sĩ quan tham mưu cao cấp của mình là đại tá Hào, tư lịnh phó và đại tá Tân, tham mưu trưởng; đại tá Thạnh, tư lệnh sư đoàn 11 bước nhanh ra bãi đáp trực thăng đón tướng Khải.

– Xin lỗi tư lệnh tôi tới chậm…

Sau khi giơ tay chào kính, đại tá Thạnh nói với thiếu tướng Khải vừa đáp trực thăng xuống bãi đáp để thăm viếng bất ngờ và vội vàng mà chỉ báo trước thời gian rất ngắn. Xiết chặt tay đại tá Thạnh, tướng Khải cười nói.

– Tôi xin lỗi đại tá và anh em về sự thăm viếng đột ngột này. Tôi có chuyện cần bàn gấp với đại tá và các sĩ quan tham mưu của sư đoàn 11 mà không tiện nói trên máy…

– Mời tư lệnh vào bộ chỉ huy…

Không khách sáo tướng Khải theo đại tá Thạnh vào trong ngôi nhà được dùng tạm thành bộ chỉ huy hành quân.

– Tư lệnh dùng cà phê hay trà?

Đại tá Hào, tư lệnh phó sư đoàn 11 hỏi tướng Khải.

– Anh cho tôi xin nước lạnh được rồi…

Vị tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn trả lời gọn trong lúc bước tới đứng trước màn hình vừa hiện lên bản đồ hành quân của thành phố Đà Nẳng và vùng phụ cận vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của các đơn vị trực thuộc quân khu 5 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hướng về chỗ ngồi đứng của đại tá Thạnh và sĩ quan các cấp dưới quyền chỉ huy của ông ta, vị tư lệnh chiến dịch hắng giọng.

– Như quý vị đã biết giai đoạn 3 của chiến dịch sẽ hoàn thành nếu như cái gai trong mắt của chúng ta được nhổ đi. Đó là thành phố Đà Nẳng, nơi đặt bộ tư lệnh quân khu 5 với các đơn vị trực thuộc. Mặc dù bị tổn thất khá nhiều sau các cuộc đụng độ ở cao nguyên và duyên hải miền trung, các sư đoàn 2, 305, 307, 315 cũng được bổ xung quân số và tiếp liệu để tái phối trí trong việc ngăn chận quân ta tiến chiếm Đà Nẳng. Với quân số hơn 30,000, được chỉ huy bởi các sĩ quan tài giỏi và binh sĩ can đảm, thiện chiến; lực lượng phòng thủ của địch sẽ gây khó khăn cho ta rất nhiều. Ta quyết chiếm, địch quyết giữ; dĩ nhiên chiến trường sẽ phải đẫm máu mà thương vong phải lên tới hàng ngàn binh lính chưa kể thường dân vô tội…

Mọi người im lặng nghe vị tư lệnh của họ nói. Ai ai cũng tưởng tượng ra cảnh đạn bay, đại pháo nổ, bom rơi trong thành phố có hơn triệu dân. Thành phố đẹp và quan trọng đứng hàng thứ ba của nước Việt sẽ tan hoang vì bom đạn.

Giọng nói trầm và nghiêm của tướng Khải vang lên trong căn phòng im lặng.

– Tôi vừa nói chuyện với thủ tướng Việt. Ông ta cho tôi 1 tháng để hoàn tất việc tiến chiếm Đà Nẳng. Phân nửa lực lượng hải quân được điều động tới ngoài khơi và nếu có lịnh sẽ hải pháo vào thành phố. Để dứt điểm căn cứ quan trọng này, hai phi đoàn oanh tạc và 4 phi đoàn phản lực ở các phi trường Biên Hòa, Phan Rang, Pleiku sẵn sàng dội bom. 6 trung đoàn pháo với các khẩu 155, 130 và hỏa tiễn đặt nơi các vị trí trong tỉnh Quảng Nam sẽ bắn hủy diệt mục tiêu. Tôi cũng đã ra lệnh cho lữ đoàn đặc nhiệm của trung tá Phùng nhảy dù xuống vùng Phú Lộc đánh chiếm đèo Hải Vân, khóa cứng quốc lộ 1. Cách đây ba ngày tôi đã ra lệnh cho tàu hải quân bốc sư đoàn 5 và 6 xong đổ lên Quảng Trị và Thừa Thiên làm nút chận không cho các đơn vị của cộng sản ngoài bắc vào giải vây cho Đà Nẳng. Phần bốn sư đoàn 1, 2 và 11 lãnh nhiệm vụ công kích vào các vị trí của địch. Với bao nhiêu đơn vị đó đồng loạt khai hỏa, chúng ta có thể hình dung ra cảnh tan hoang của Đà Nẳng. Cá nhân tôi, không muốn nhìn thấy sự chết chóc của chiến hữu, người thân, bạn bè và thường dân vô tội vạ. Tuy nhiên dường như tôi không có chọn lựa nào khác để buộc phe bên kia phải buông súng…

Ngừng lại, nhìn xuống chỗ đại tá Thạnh đang ngồi, tướng Khải cười tiếp.

– Sau nhiều ngày suy nghĩ và thảo luận với các sĩ quan tham mưu, tôi đề ra một giải pháp mà nếu thi hành được sẽ hoàn thành lệnh của thượng cấp đồng thời ít tốn hao xương máu của mọi người…

Vừa nói tướng Khải vừa đi xuống chỗ đại tá Thạnh. Thấy vị tư lệnh nhìn mình rồi vừa nói vừa đi xuống chỗ mình đang ngồi, đại tá Thạnh chợt liên tưởng tới một chuyện khiến cho ông ta mỉm cười. Đợi cho tướng Khải tới đứng ngay trước mặt mình, vị tư lệnh sư đoàn 11 hắng giọng.

– Chắc tư lệnh muốn tôi làm giống như ở mặt trận Ban Mê Thuột?

Không ngạc nhiên vì câu hỏi của đại tá Thạnh, tướng Khải bật lên tiếng cười thích thú.

– Tôi muốn đại tá làm giống chút chút thôi. Thay vì đọc trên máy liên lạc, lần này tôi sẽ gởi đại tá vào trong Đà Nẳng gặp trung tướng Nguyễn Long…

Đại tá Thạnh cười.

– Chỉ ngại ông ta không muốn tiếp tôi…

– Tôi biết điều đó…

Tướng Khải buông gọn.

– Trước khi gởi đại tá vào Đà Nẳng, tôi sẽ ban lệnh tổng tấn công trước để phô trương sức mạnh của ta. Phải dập cho các đơn vị tử thủ của địch tan nát, phải nhồi cho các đơn vị cơ hữu của các sư đoàn thuộc quân khu 5 mệt nhoài, phải gây cho họ thiệt hại từ nhẹ dần tới nặng để cho họ biết họ chỉ còn có một chọn lựa: hòa bình hay súng đạn. Muốn hòa bình, họ phải tiếp đại tá để từ đó ta mở cho họ một sinh lộ. Họ có thể kéo tàn quân về bắc hoặc muốn theo về với ta cũng được. Tôi nghĩ trung tướng Long và các sĩ quan tham mưu cao cấp của ông ta là những kẻ thức thời, biết đặt quyền lợi của dân tộc và tổ quốc lên trên quyền lợi của cá nhân, đảng phái. Ta với họ không phải là kẻ đối địch. Kẻ đối địch với chúng ta chính là Trung Cộng. Đó là kẻ tử đối đầu muôn đời của dân tộc Việt…

Tướng Khải ngừng nói cầm chai nước lên uống ngụm nhỏ. Đợi cho cấp chỉ huy uống xong, đại tá Thạnh mới cười mở lời.

– Tại sao tư lệnh chọn tôi mà không chọn ai đó. Tôi biết bộ tham mưu của tư lệnh có nhiều người lắm…

Tướng Khải bật lên tiếng cười ngắn khi nghe đại tá Thạnh nói. Hớp thêm ngụm nước, ông ta hắng giọng.

– Tôi chọn đại tá vì đại tá có điều kiện tất yếu để vào ăn nhậu với tướng Long và các sĩ quan tham mưu của ông ta. Thứ nhất, không ít thời nhiều đại tá vẫn còn có mối liên hệ mật thiết với bên kia. Đúng không?

Đại tá Thạnh gật đầu thay cho câu trả lời.

– Phòng nghiên cứu chính trị kiêm chiến thuật và chiến lược thuộc bộ quốc phòng cho tôi biết người đang giữ chức vụ chính ủy quân khu 5, trung tướng Trần Phương có bà con xa gần với đại tá. Ngoài ra vị đệ nhất phó tư lệnh, thiếu tướng Nguyễn Trọng là bạn đồng khóa với đại tá. Hai người đó sẽ bảo đảm sinh mạng cho đại tá đồng thời sẽ ảnh hưởng tới quyết định của tướng Long. Lý do thứ nhì mà tôi chọn đại tá là vì tôi biết đại tá có tài thuyết phục người khác…

Đại tá Thạnh bật cười lớn khi được tướng Khải tán tụng.

– Dụng cái tài thuyết phục để ngưng cuộc đánh nhau là đại tá đã cứu hàng ngàn sinh mạng của các chiến hữu dưới quyền và vô số đồng bào vô tội…

– Được… Tôi nhận lời ủy thác của tư lệnh…

Miệng nở nụ cười, tướng Khải đưa tay ra bắt tay đại tá Thạnh. Nhìn vòng quanh lính với quan thuộc bộ tham mưu của sư đoàn 11, ông ta rắn giọng.

– Đúng 00:00 ngày 02-01-2043, lệnh tổng tấn công sẽ bắt đầu. Lực lượng của ta sẽ đồng loạt nhồi cho địch ngất ngư chừng tuần lễ rồi sau đó tôi sẽ gởi đại tá vào Đà Nẳng… Nếu đại tá thuyết phục được tướng Nguyễn Long buông súng thì binh lính hai bên và dân chúng sẽ được ăn Tết Nguyên Đán trong thanh bình. Tôi đã xin với thủ tướng Việt và đã được ông ta chấp thuận là tất cả quân nhân các cấp tham gia vào chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn sẽ được thăng một cấp sau khi chiến dịch hoàn thành…

Nhìn mọi người trong bộ chỉ huy của sư đoàn 11, ông ta cười nói với ba đại tá Thạnh, Hào và Tân.

– Tôi đã xắm sao sẵn cho ba anh rồi…

Dứt lời, tướng Khải lần lượt bắt tay chào từ giã đại tá Thạnh và các sĩ quan cao cấp của sư đoàn 11. Ngồi trong lòng chiếc trực thăng đang từ từ bốc lên cao, trung tá Dũng hỏi tướng Khải.

– Tư lệnh nghĩ ông ta làm được không?

Trầm ngâm giây lát tướng Khải mới trả lời điều mà Dũng hỏi nhưng lại tỏ cái ý của mình hơn là hồi đáp câu hỏi.

– Tôi hi vọng bên kia họ chịu nghe… bằng không thì tôi với anh phải lội sau xe tăng vào Đà Nẳng…

*****

00:00 giờ ngày 02-01-2043. Đã đi ngủ, bắt đầu đi ngủ và chưa đi ngủ; binh lính và dân chúng Đà Nẳng đều nghe rõ tiếng hú lồng lộng không gian rồi hàng chục, trăm, ngàn trái đại bác cùng hỏa tiễn từ bốn phương tám hướng trút xuống thành phố và các vùng lận cận. Pháo từ ngoài khơi do các chiến hạm bắn vào. Pháo trên xe thiết giáp trấn ở Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn xé màn trời đêm trút xuống như mưa. Tuy nhiên bắn nhiều nhất từ các khẩu đại pháo ” M198 và M777 howitzer của bốn trung đoàn pháo binh đóng rải rác quanh thành phố. Với tầm bắn xa hơn 20 cây số, nhịp tác xạ tối đa bốn viên trong vòng một phút đồng hồ, hơn trăm khẩu pháo 155 ly liên tục bắn hủy diệt mục tiêu hoặc biến thành phố hơn triệu dân thành nằm trong biển lửa. Pháo dập xuống bộ tư lệnh quân đoàn 5 và bộ chỉ huy căn cứ quân sự thành phố Đà Nẳng. Pháo rớt vào bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 2, 305, 307 và 315. Pháo dập nát phi trường quân sự Đà Nẳng và bộ tư lệnh không quân. Pháo trút xuống căn cứ hải quân ở Sơn Trà. Mảnh đất có hơn 1200 cây số vuông bị xóc lô tô bởi trăm ngàn loại đạn đại bác cũ mới của các đơn vị tham chiến thuộc quân lực nước Việt Nam ở Sài Gòn. Hai tiếng đồng hồ sau pháo mới thưa dần dần rồi chấm dứt. Lệnh tổng tấn công của tướng Khải cho các vị tư lệnh sư đoàn được nghe qua máy truyền tin. Các cánh quân của sư đoàn 1 dưới quyền chỉ huy của đại tá Thành từ bắc sấn vào. Sư đoàn 2 của đại tá Đăng với các đơn vị chủ lực đóng ở hướng tây ào ạt tiến vào Hòa Vang. Sư đoàn 11 có ba trung đoàn và hai lữ đoàn tăng phái đang trấn giữ các vị trí như Hội An, Vĩnh Điện, Điện Bàn, Ái Nghĩa tấn kích thẳng vào tuyến phòng thủ thuộc mặt trận phía nam thành phố. Súng nổ rền khắp nơi. Dân chúng kêu khóc, la hét, bồng bế, dắt díu nhau chạy xa khỏi vùng lửa đạn.

Đội nón sắt, mặc áo giáp, mang kèm bên hông khẩu Colt45, đại tá Thạnh trực tiếp tham dự cuộc tiến công vào thành phố Đà Nẳng bằng cách lội theo bộ chỉ huy của lữ đoàn 172 Biệt Động Đội dưới quyền điều động của trung tá Cảnh, lữ đoàn trưởng. Quân số của lữ đoàn có ba tiểu đoàn mà tiểu đoàn 3 gồm toàn các tình nguyện quân thuộc các đơn vị của hai trung đoàn 1 và trung đoàn 95 bị tan rã sau trận Ban Mê Thuột. Tin vị tư lệnh sư đoàn đang ở tuyến đầu lửa đạn được truyền miệng tới tận các người lính của lữ đoàn 172 khiến cho ai ai cũng phấn khởi. Phía bên trái, lữ đoàn 304 Dù theo đường 603 xấn vào với ý định tiến chiếm các vị trí quan trọng thuộc vùng Ngũ Hành Sơn. Lữ đoàn 172 Biệt Động Đội noi theo quốc lộ 1 tiến chiếm Cầu Đỏ. Sau nhiều giờ kịch chiến, đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 2 của lữ đoàn 172 mới làm chủ cây cầu chiến lược bắt qua sông Cẩm Lệ. Từ đó toàn bộ binh lính của ba tiểu đoàn và các đơn vị cơ hữu ồ ạt tiến chiếm các vị trí phòng thủ của địch ở các vùng như Hòa Thọ, Hòa Phát, Khuê Trung. Từ đây ba tiểu đoàn của lữ đoàn 172 Biệt Động Đội sẽ đánh thẳng vào quận Hải Châu là khu trung tâm của thành phố Đà Nẳng, nơi đóng quân của bộ tư lệnh quân khu 5.

*****

07-01-2043. Ba người đứng trên cầu Cẩm Lệ. Quân phục của họ xốc xếch và dơ dáy. Họ đội nón sắt, mặc áo giáp và mang Colt45. Người mang hai mai bạc chính là trung tá Cảnh, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 172 Biệt Động Đội. Người thứ nhì trên cầu vai cũng có hai mai bạc. Đó là trung tá Nhiên, lữ đoàn phó. Người thứ ba chính là thiếu tá Điện, sĩ quan hành quân của lữ đoàn.

– Nhiên nghĩ sao?

Đưa chai nước lạnh đang cầm trong tay lên ực ngụm nhỏ, Nhiên nói trong lúc nhìn chiếc xe jeep kéo đàng sau khẩu pháo.

– Tôi nghĩ đã tới lúc tướng Khải gởi tư lệnh của mình vào Đà Nẳng rồi đó. Tất cả các đơn vị của quân ta đều nằm vào các vị trí sẵn sàng tiến vào nội thành Đà Nẳng…

– Mình tiến hơi nhanh…

Miên lên tiếng. Cảnh gật đầu.

– Sở dĩ mình tiến nhanh vì phe bên kia không chịu đánh. Nếu họ đánh thực tình thì chưa chắc mình thắng dễ và thắng nhanh như vậy. Tinh thần binh sĩ của họ sa sút nhiều nên chỉ đánh cầm chừng. Phòng an ninh và tình báo của sư đoàn cho tôi biết các đơn vị nhỏ từ cấp tiểu đội lên tới đại đội và có khi tiểu đoàn nữa đã bỏ hàng ngũ rất đông. Có một vị thiếu tá, chỉ huy tiểu đoàn của sư đoàn 315 đã kéo hết tiểu đoàn xin gia nhập vào sư đoàn 11. Dù có quân số đông, súng ống đầy đủ mà thiếu tinh thần chiến đấu thì sự tan rã sẽ không tránh được…

Miên với Điện cũng cùng ý nghĩ đó.

– Vậy thì mình cần gì phải nói chuyện với phe bên kia. Cứ xấn vào là xong…

Rút trong người ra gói thuốc Lucky, Cảnh đưa mời Miên và Điện. Miên lấy còn Điện cười lắc đầu.

– Cám ơn anh. Tôi hút muốn phỏng miệng tối hôm qua rồi…

Bật lửa đốt cho Miên rồi mới đốt cho mình, hít liên tiếp hai hơi, nhả khói ra xong xuôi Cảnh mới cười.

– Tôi có hỏi ông Tân thì ổng nói tướng Khải không có ý đánh vào Đà Nẳng vì hai lý do quan trọng. Thứ nhất ổng muốn tiết kiệm sinh mạng và đạn dược của mình. Thứ nhì ổng muốn chiêu hồi toàn thể quân nhân các cấp của quân khu 5 về với phe mình để làm một chuyện lớn…

– Chuyện lớn là chuyện gì hả anh Năm?

Điện hỏi. Hít hơi thuốc dài, nhả khói ra Cảnh hắng giọng.

– Đánh Tàu… Ông Tân nói là chính phủ Việt Nam ở Sài Gòn lúc nào cũng đề phòng chuyện Tàu đánh chiếm lấy miền bắc. Quân Tàu dàn mấy chục sư đoàn bộ chiến với đầy đủ tăng pháo sát với biên giới nước ta ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Nếu có chiến tranh nổ ra là 1 sư đoàn thuỷ quân lục chiến của chúng sẽ đỗ bộ lên Thanh Hoá, chặn cứng không cho quân đội miền trung và nam ra tiếp viện Hà Nội. Mấy chục sư đoàn khác chia làm hai ba cánh vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang rồi sau đó tấn kích Hà Nội. Ông Tân còn nói với lực lượng đó cộng thêm tinh thần sa sút, quân lực miền bắc sẽ tan rã trong vòng 30 ngày…

– Nhanh vậy à?

Miên hỏi trong lúc nhìn Cảnh. Vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 172 Biệt Động Đội rít tiếp hơi thuốc rồi nhả khói ra. Khói thuốc tan nhanh theo gió từ dưới sông bốc lên.

– Vũ khí kém hơn địch, quân số ít hơn, tinh thần chiến đấu sa sút, mất sự ủng hộ của dân thì làm sao không thua nhanh…

– Còn mấy ông tướng đâu?

Miên hỏi. Cảnh cười nhạt.

– Mấy ông tướng bị tụi Tàu nó mua hết rồi… Còn không thì dọt cho lẹ chứ ở lại chịu chết à…

Ngừng lại giây lát Cảnh mới tiếp với giọng buồn bực.

– Đại tá Thạnh có tâm sự với tôi, sở dĩ ổng chịu nhận chức tư lệnh sư đoàn 11 để đánh ra trung là vì ổng biết tướng Khải thực lòng đãi ngộ kẻ thua trận như bọn mình. Ổng nói dù sao thì quân lực Việt Nam còn có lý tưởng giải phóng đất nước khỏi tay cộng sản đem lại tự do dân chủ cho dân chúng cũng như sẵn sàng chống xâm lăng Tàu. Tôi thấy điều đó phù hợp với nguyện vọng của tôi…

Miên thong thả góp lời.

– Tôi cũng thấy điều đó… Nghe lời của ông Thạnh đọc trên đài phát thanh, tôi tuy tình nguyện gia nhập song trong lòng vẫn không yên. Tới chừng được ông Thạnh nói chuyện rồi cho làm phó của anh, tôi mới tin chính phủ mới thực tâm muốn dùng người cũ. Tôi sợ ra trình diện họ nhốt mình vào trại cải tạo là tiêu đời…

Điện cười bàn thêm vào.

– Đang đói, đang khổ mà được cho mang cấp bậc cũ, lương bỗng như xưa thì ai cũng ham. Vợ tôi mừng rơi nước mắt vì được cấp cho nhà ở và ba đứa con được đi học trường công miễn phí. Bả khen chánh phủ mới hết biết luôn…

Cười ha hả, Cảnh nói lớn.

– Bà xã tôi cũng vậy… Bả còn xúi thằng lớn của tôi sau khi đậu tú tài thì tình nguyện đi lính…

Chiếc xe jeep gắn năm bảy cái ăng ten chạy ào tới, Cảnh nói với hai sĩ quan phụ tá của mình.

– Tôi đi coi mấy thằng em đóng quân xong mới trở về. Hai anh cũng bảo anh em chuẩn bị đi nghen. Có gì là mình đi liền…

*****

10-01-2043. Chiếc xe jeep giương cờ trắng chạy chầm chậm trên quốc lộ 14B. Trung sĩ nhất Thìn cầm tay lái. Đại tá Thạnh ngồi bên cạnh. Ở băng sau có thiếu tá Chánh, sĩ quan tham mưu và thiếu uý Biết, sĩ quan tuỳ viên. Không có lính tháp tùng, không có xe hộ tống gì hết; vị tư lệnh sư đoàn 11 cùng với bốn người lính thân tín ngồi xe jeep đi vào Đà Nẳng để gặp trung tướng Nguyễn Long, tư lệnh quân khu 5 với mục đích chiêu hồi ông ta về với quân lực Việt Nam tự do dân chủ ở Sài Gòn.

– Mình làm được không thưa tư lệnh?

Biết rụt rè lên tiếng hỏi. Đó cũng là câu hỏi của đại tá Thạnh từ lúc ông ta leo lên xe jeep. Ông ta biết phe bên kia chưa chắc đã chịu nghe mình phân trần. Dù bị bao vây bốn mặt, tướng Long vẫn còn có trong tay ba sư đoàn tinh nhuệ cộng thêm lực lượng của bộ chỉ huy quân sự thành phố mà con số ước lượng hơn 30 ngàn quân chính quy có đầy đủ tăng pháo, chỉ thiếu sự yểm trợ của không quân thôi. Các máy bay phản lực từ nam rút chạy ra vì lý do nào đó, có thể là bảo toàn lực lượng nên đã bỏ phi trường Đà Nẳng bay về Vinh, Thanh Hoá hoặc Hà Nội rồi. Đại tá Thạnh hi vọng với vòng vây càng ngày càng xiết chặt, tạo một áp lực nặng đủ cho tướng Long phải suy tính cẩn thận khi chịu chết trong thành phố thu nhỏ chỉ còn phân nửa. Các chiến hạm của hải quân Sài Gòn đã có mặt ở cửa sông Hàn cũng như ở Vịnh Kim Liên. Một đơn vị của sư đoàn 1 đã đóng tại Khu Công Nghiệp Thuỷ Tú. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 2, sau nhiều cuộc đụng độ đẫm máu đã kiểm soát Khu Công Nghiệp Hoà Khánh, nghĩa là chỉ cách trung tâm thành phố mươi cây số. Ở mặt trận nam thì hai lữ đoàn 304 Dù và 172 Biệt Động Đội đã áp sát vào quận Hải Châu mà đơn vị tiến xa nhất đã có mặt vòng đai quanh phi trường quân sự Đà Nẳng. Ở phía bắc thì lữ đoàn đặc nhiệm của trung tá Phùng đã đóng chốt ở đèo Hải Vân, còn hai sư đoàn bộ chiến 5 và 6 đã kiểm soát hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Như vậy tướng Long chỉ còn một chọn lựa. Điều đình để được thua trong danh dự bằng cách theo về với quân lực Sài Gòn. Tử thủ là chọn một cái chết hoặc bị bắt làm tù binh.

*****

00:00 giờ. 13-01-2043. Đang đứng trước phóng đồ hành quân, tướng Khải nghe đại tá Tân lên tiếng.

– Chuẩn tướng Tân, tôi nghe…

Ai cũng nghe vang lên giọng nói trầm và chững chạc của đại tá Thạnh.

– Thưa chuẩn tướng… Nhờ chuẩn tướng trình lại với tư lệnh Khải là tôi sẽ đem trung tướng Long tới bộ tư lệnh hành quân để ông ta nói chuyện với tư lệnh Khải…

Nghe tới đó tướng Khải bước nhanh tới chỗ chuẩn tướng Tân đang đứng.

– Hello… Anh Thạnh hả… Khải đây…

– Thưa tư lệnh… Tôi đã nói chuyện với trung tướng Long. Ông ta chấp nhận những yêu cầu của ta. Tuy nhiên ông ta muốn gặp tư lệnh để được nghe chính miệng tư lệnh bảo đảm những lời hứa hẹn đó…

Tướng Khải nói liền không do dự.

– Tôi thấy không có gì trở ngại. Địa điểm và giờ giấc tuỳ ông ta chọn…

– Thưa tư lệnh… Ông ta nói sẽ gặp tư lệnh trong vòng nửa giờ nữa. Tôi sẽ tháp tùng với ông ta. Chúng tôi sẽ dùng trực thăng… Xin tư lệnh thông báo cho các đơn vị…

Hiểu ý của đại tá Thạnh, tướng Khải vui vẻ thốt.

– Tôi hiểu ý của anh. Tôi sẽ ra lệnh cho binh lính không được nổ súng…

– Cám ơn tư lệnh…

Đại tá Thạnh dứt lời. Quay qua chuẩn tướng Tân, tư lệnh Khải nói gọn.

– Anh truyền lệnh tôi xuống tất cả các đơn vị lớn nhỏ, tuyệt đối không được nổ súng… Mình sửa soạn chút chút để đón tướng Nguyễn Long…

Tiếng reo hò vỗ tay vang lên trong bộ tư lệnh của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Ai cũng biết, sự buông súng của  toàn thể quân nhân thuộc quân khu 5 đồng nghĩa với chuyện anh em một nhà đánh giết nhau được chấm dứt. Mấy triệu dân miền Trung và hơn trăm ngàn người lính sẽ được nghỉ ngơi để ăn Tết rồi cùng nhau xây dựng lại đất nước và hướng tới tương lai. Khi quân lực đủ mạnh, chính phủ tự do dân chủ ở Sài Gòn sẽ làm cuộc bắc tiến, giải phóng đồng bào miền bắc ra khỏi chế độ cộng sản độc tài hại dân hại nước.

*****

15-01-2043. Binh sĩ với dân chúng của các tỉnh thuộc quân khu 5 lắng nghe lời hiệu triệu ngắn gọn của trung tướng Nguyễn Long đọc trên đài phát thanh tại Đà Nẳng.

– Binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan và tướng lãnh các cấp trực thuộc quân khu 5…

Hai ngày trước, tôi, trung tướng Nguyễn Long, tư lệnh quân khu 5 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã gặp và trực tiếp nói chuyện với thiếu tướng Nguyễn Khải, tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn, đại diện cho chính phủ của nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ ở Sài Gòn. Xuyên qua cuộc tiếp xúc này, tôi và tướng Khải đã đi tới một thỏa thuận gồm các điểm chính như sau:

1- Giải giới các lực lượng cơ hữu trực thuộc quân khu 5 trong đó có bốn sư đoàn 2, 305, 307 và 315 cùng bộ chỉ huy quân sự của 10 tỉnh và thành phố Đà Nẳng.

2- Đổi lại với sự giải giới này, tất cả các quân nhân thuộc quân khu 5 sẽ đương nhiên được gia nhập vào quân lực của nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ. Sau khi gia nhập họ sẽ được giữ nguyên chức vụ, đơn vị, cấp bậc và lương bỗng.

3- Kể từ ngày hôm nay, 15-01-2043, quân khu 5 dưới quyền chỉ huy của tôi sẽ được đổi thành quân khu 1 trực thuộc quân lực nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ ở Sài Gòn.

4- Binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan và tướng lãnh các cấp hãy tuân thủ và thi hành nghiêm chỉnh lệnh giải giới do tôi ban hành để tránh những cuộc đụng độ vô ích và đẫm máu giữa anh em một nhà với nhau…

Lời hiệu triệu của tướng Nguyễn Long được lập đi lập lại nhiều lần trên đài phát thanh Đà Nẳng, truyền tải đi xa vào tận Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh của miền cao nguyên và duyên hải trung phần. Nó đủ sức tạo ra hiệu ứng dây chuyền dẫn tới sự tan rã hoàn toàn của các đơn vị lớn nhỏ thuộc quân khu 5. Binh sĩ và dân chúng hân hoan chào mừng chính phủ mới. Từ giờ phút lịch sử này, biên giới của nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ được trãi rộng ra tới vỉ tuyến 17. Lần nữa hai phe nam bắc lại lấy sông Bến Hải và cầu Hiền Lương làm ranh giới tạm thời. Dân chúng miền nam được sống trong một nước tự do, dân chủ để bắt đầu kiến tạo vùng đất giàu mạnh để thực hiện giấc mơ bắc tiến, thống nhất đất nước hầu kình chống lại kẻ xâm lăng ở phương bắc và đòi lại quần đảo Hoàng Sa đã mất vào tay Trung Cộng năm 1974.

 

Tập 11

 

BIỂN VIỆT NAM

 

68.

Đà Nẳng. Tháng Giêng năm 2044. Chỉ cần quan sát sự tuần tra và khám xét người ra vào, ai cũng biết phải có điều gì đặc biệt và quan trọng xảy ra trong ngôi nhà sơn màu xanh lá cây từ lâu được dùng làm căn cứ cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu 5 mà bây giờ được đổi tên thành Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 trực thuộc quân lực của nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ ở Sài Gòn. Trong gian phòng hội rộng đầy đặc các yếu nhân trong guồng máy chính phủ của nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ mà thủ đô ở tại Sài Gòn. Phe dân sự được dẫn đầu bởi chính thủ tướng Lê Quốc Việt với sự hiện diện của các yếu nhân thuộc năm bộ trong nội các của ông ta. Đó là quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chánh và nội an. Phe quân sự có trung tướng Nam, tham mưu trưởng, tướng Khải tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn và ba vị tư lệnh hải, lục và không quân. Thêm vào đó còn có trung tướng Nguyễn Long, tân tư lệnh quân đoàn 1 với tư lệnh phó, tham mưu trưởng và bốn tư lệnh sư đoàn thuộc quyền chỉ huy của ông ta.

Đợi cho mọi người an vị xong xuôi, thủ tướng Việt mới cất giọng trầm và chậm. Hơn 16 năm cầm đầu chính phủ lèo lái quốc gia nhỏ bé và son trẻ, những khó khăn và áp lực từ các nước bạn và thù đã làm cho vị thủ tướng già trước tuổi.

– Kính thưa quý vị…

Tôi thở cái phào khi chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn chấm dứt một cách nhanh chóng và ít tổn thất về nhân mạng và tài sản của dân chúng cùng binh sĩ. Tôi chân thành cám ơn trung tướng Nguyễn Long với bộ tham mưu của ông và bốn vị tư lệnh sư đoàn 2, 305, 307 và 315. Quyết định sáng suốt của tướng Long và các sĩ quan dưới quyền đã góp phần không nhỏ vào việc thống nhất các đơn vị của cả hai bên từ lâu vốn đối địch với nhau vì bất đồng quan điểm chánh trị. Từ đây chúng ta đứng chung dưới màu cờ của một nước Việt Nam tự do dân chủ để chiến đấu cho lý tưởng của dân tộc là thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc và dân tộc trước tham vọng bá quyền của Trung Cộng…

Ngừng lại uống ngụm nước cho thấm giọng xong thủ tướng Việt hướng ánh mắt của mình về các cộng tác viên.

– Quý vị thừa biết hiểm hoạ mất nước của chúng ta vào tay kẻ đối đầu phương bắc có thể tới trong bất cứ lúc nào, nhất là trong lúc này. Chúng ta đang bị chia đôi, dân tình ly tán, quân đội kém kẻ địch về mọi mặt thì một cuộc xâm lăng tới từ phương bắc là điều có thể và sẽ xảy ra. Chiếm Hoàng Sa của ta năm 1974 chưa đủ, Trung Cộng còn tham lam, bần tiện muốn độc chiếm Trường Sa và toàn thể biển Đông. Nước ta đất hẹp, người đông, tài nguyên kém cỏi nên chỉ mong tựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của biển cả để sống còn. Thế mà Trung Cộng nay giành đảo này, mai chiếm hòn kia, mốt cướp đá nọ. Chúng thổi cát dựng pháo đài, xây công sự bố trí đại bác, lập phi đạo cho máy bay chiến đấu; tất cả chỉ vì lòng tham muốn nuốt trọn Đông Hải. Nếu Trung Cộng mà nuốt trọn Biển Đông thì Việt Nam ta là nước sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất và nền an ninh của ta bị đe doạ trầm trọng…

Nghe tới đó trung tướng Nguyễn Long vội vỗ tay. Tiếng vỗ tay của ông ta thoạt đầu nhỏ sau lớn dần lên. Thấy thế mọi người trong phòng đều đồng loạt vỗ tay hoan hô.

– Xin cám ơn quý vị…

Thủ tướng Việt cười nhẹ lên tiếng.

– Cái ý xâm lăng đã ăn trong máu của Hán tộc, cái mộng bá quyền mà giới lãnh đạo Bắc Kinh dùng để khích động nhân dân đã thể hiện rõ ràng qua các hành động tranh giành biển đảo ở phương bắc với nước Nhật; ở phương nam với nước ta, nước Phi, Mã Lai và Nam Dương. Kể từ khi nắm giữ vai trò lèo lái đất nước cho tới nay, tôi lúc nào cũng đặt trọng tâm việc đề phòng một cuộc tấn công của Trung Cộng vào đất nước ta…

Ngừng lại hướng tia mắt của mình ngay chỗ ngồi của mấy vị bộ trưởng, giám đốc; vị thủ tướng hơi cao giọng nói của mình.

– Gần đây có một nguồn tin không chính thức là một cuộc xung đột giữa nước Việt Nam ta và Trung Cộng có cơ bùng nổ. Tuy là tin đồn song lại có độ khả tín khá cao. Tôi đã chỉ thị cho bà Hải Âu, Bộ Trưởng Bộ Nội An; ông Hưng, Giám Đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo và các cơ quan an ninh tình báo thuộc bộ quốc phòng, bộ binh, không quân và hải quân sưu tập tin tức, tài liệu, hình ảnh cũng như theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của hải quân Trung Cộng đóng ở miền Nam, nhất là hai đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đang chuẩn bị một cuộc xung đột với nước ta ở cả trên biển và trên đất liền.

Ngừng lại cầm ly nước lạnh lên hớp ngụm nhỏ, thủ tướng Việt mỉm cười lên tiếng.

– Tôi nói một cuộc xung đột với nước ta bao gồm cả miền bắc đang ở dưới sự cai trị của cộng sản và miền nam đang ở dưới thể chế tự do và dân chủ. Để cho mọi người có một cái nhìn tổng thể về cuộc xâm lăng của của Trung Cộng vào nước Việt Nam ta, tôi sẽ mời trung tướng Nam, tham mưu trưởng liên quân lên đây trình bày những hiểu biết và suy đoán cá nhân đối với cuộc xung đột quân sự giữa ta và Trung Cộng trong tương lai gần… Kính mời trung tướng Nam…

Thủ tướng Việt bắt tay tướng Nam xong trở về chỗ ngồi của mình. Vị tham mưu trưởng liên quân chậm rãi tới đứng ngay màn hình vừa sáng lên bức ảnh phóng đại mà khi nhìn ai cũng biết bức phóng ảnh đó đã xuất hiện gần đây trên những trang mạng của Trung Cộng.

Attacking Vietnam

– Kính thưa quý vị… Trước khi đi sâu vào chi tiết của một cuộc tấn công của Trung Cộng vào nước ta, tôi có 7 câu hỏi xin nêu lên đây…

1- Tại sao Trung Cộng cần và bắt buộc xâm lăng Việt Nam?

2- Nếu Trung Cộng đánh Việt Nam thì lúc nào sẽ bắt đầu?

3- Nếu Trung Cộng đánh thì sẽ đánh vào đâu trước nhất?

4- Nếu Trung Cộng đánh thì bao lâu sẽ chiếm được Việt Nam?

5- Nếu chiếm được Việt Nam thì có giữ được hay không?

6- Nếu Trung Cộng đánh thì ta sẽ phải làm gì?

7- Liệu ta có đủ sức đánh bại cuộc tấn công của họ?

Toàn thể mọi người trong phòng đều im lặng suy nghĩ về những câu hỏi vừa nêu lên của tướng Nam. Sự im lặng đó khiến cho không khí trong phòng thành ra nặng và ngột ngạt hơn.

– Kính thưa quý vị… Trả lời được 7 câu hỏi trên là chúng ta có thể giải đáp phần nào những ẩn số của thế chiến lược của vùng đông nam châu Á mà Trung Cộng đang theo đuổi trong giấc mộng trở thành siêu cường về kinh tế, quân sự và chính trị. Với kiến thức thô lậu và dựa vào các tin tức, tài liệu mà bộ tham mưu sưu tập được, tôi xin được trả lời từng câu hỏi hầu làm sáng tỏ một điều mà tôi tạm gọi là Chiến Lược Biển Đông ” của Trung Cộng. Chiến lược này đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới nước ta nhiều nhất so với 10 nước trong khối ASEAN. Tại sao Trung Cộng cần và phải xâm chiếm Việt Nam? Theo tôi nghĩ, có hai lý do chính khiến cho họ muốn chiếm Việt Nam. Đó là an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng…

Hướng mắt xuống chỗ ngồi của mấy bà bộ trưởng và giám đốc trong nội các của thủ tướng Việt; tướng Nam cười nhẹ hắng giọng tiếp.

– Trước khi trính bày về lý do an ninh kinh tế, một lần nữa tôi xin cám ơn sự giúp đỡ tận tình của bà Hải Âu, bộ trưởng bộ nội an; bà Hồng Ngọc, bộ trưởng kinh tế; bà Quế Hương, bộ trưởng tài chánh và bà Su, giám đốc phòng an ninh tình báo và nghiên cứu chiến thuật chiến lược của bộ quốc phòng. Chính nhờ những hiểu biết chuyên môn và tài liệu do các bộ nói trên cung cấp tôi mới có thể đề ra sách lược đối đầu với cuộc xâm lăng của Trung Cộng…

Mọi người không hẹn đồng vỗ tay hoan hô gà nhà của mình vì Hải Âu là phu nhân của tướng Điền, tư lệnh không quân; Hồng Ngọc lại là vợ của trung tướng Hãn, tư lệnh bộ binh; Quế Hương là phu nhân của Chinh, phụ tá bộ trưởng quốc phòng; còn bà Su là vợ của Quốc, bộ trưởng quốc phòng.

– Không ai có thể phủ nhận Trung Cộng là một nước đang phát triển về kinh tế và đang có tham vọng trở thành một siêu cường về kinh tế vượt qua mặt Hoa Kỳ. Điều đó còn xa vời và tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác mà họ chưa đạt được do ở sự bất ổn về chính trị tạo thành thế chênh vênh về kinh tế. Thoạt nhìn kinh tế của họ rất phồn thịnh song nhận xét kỹ họ có nhiều vấn nạn khó giải quyết. Hoa Kỳ hay các nước tây phương có một chế độ chính trị dân chủ tự do bền vững và lâu dài với nền kinh tế tự do do tư nhân làm chủ. Trong khi đó thể chế chính trị của Trung Cộng thì độc tài và độc đảng với  nền kinh tế chỉ huy do chính phủ điều khiển. Đa số cơ sở, hãng xưởng, công ty, xí nghiệp đều là công ty quốc doanh, do đảng và nhà nước chỉ huy, hoặc liên hệ trực tiếp và gián tiếp với chính quyền địa phương hay trung ương. Đó là nền kinh tế cứng ngắt, kém linh động, lạc hậu và quản lý kém. Điều đó dẫn tới một hệ quả tất nhiên là sau thời gian tăng trưởng vượt bực đã rơi vào sự suy trầm có cơ dẫn tới sự xáo trộn chính trị. Tại sao tôi gọi là an ninh kinh tế? Sự an toàn về kinh tế của Trung Cộng dựa trên hai yếu tố nhập cảng và xuất cảng. Tất cả những gì Trung Cộng xuất hay nhập hầu hết đi qua con đường hàng hải mà quan trọng nhất vẫn là đi qua Biển Đông, nghĩa là phải đi qua Việt Nam vì chiều dài của bờ biển của nước ta hầu như cũng là chiều dài của Biển Đông. Bởi vậy nói Biển Đông là Biển Việt Nam cũng không sai sự thực là mấy. Từ đây tôi sẽ dùng tên Biển Việt Nam cho Biển Đông và trong quốc tế sẽ mang tên Sea of Vietnam cũng như Sea of Japan, chứ không phải là South China Sea như người ta vẫn thường gọi…

Mọi người không hẹn đồng vỗ tay rồi đứng dậy hoan hô cho ý kiến mới mẻ của tướng Nam.

– Tôi khoái cái tên Sea of Vietnam của trung tướng…

Vừa được gắn một sao sau khi hoàn tất chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn, chuẩn tướng Thạnh, tư lệnh sư đoàn 11 lên tiếng khen tướng Nam.

– Cám ơn anh Thạnh… Anh sẽ là một người lính trong quân lực của chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ Sea of Vietnam đó. Cũng vì vị trí cực kỳ xung yếu của Biển Việt Nam mà Trung Cộng phải đánh chiếm nước ta. Nếu Malacca Straight là cái miệng thì Sea Of VietNam là yết hầu của nền an ninh kinh tế của Trung Cộng. Với diện tích triệu cây số vuông, Biển Việt Nam chứa đựng vô số tài nguyên thiên nhiên rất cần cho nền kinh tế của Trung Cộng. Nếu có cuộc chiến tranh xảy ra với Hoa Kỳ, Trung Cộng biết họ không thể kéo dài cuộc chiến nếu không có dầu hỏa từ Trung Đông đưa về. Mà nếu có dầu hỏa thì hải lộ dài mấy ngàn cây số này sẽ bị tàu chiến của Hoa Kỳ cắt đứt không mấy khó khăn. Qua những cuộc thăm dò cho biết dưới đáy của Biển Việt Nam chứa dầu hỏa, khí đốt và thực phẩm cho Trung Cộng đủ dùng ít nhất 10 năm. Huống chi họ còn cái lợi là không cần phải vận chuyển xa và an toàn khi họ nắm toàn quyền kiểm soát Biển Việt Nam

Ngừng lại giây lát như muốn cho những lời nói của mình thấm vào mọi người đang có mặt trong phòng xong vị tham mưu trưởng liên quân hắng giọng tiếp.

– An ninh kinh tế dẫn tới an ninh quốc phòng và cả hai tương tác, hổ trợ cho nhau một cách nhịp nhàng trong hệ thống điều hành guồng máy của Trung Cộng. Muốn giành quyền kiểm soát Biển Việt Nam, Trung Cộng phải bằng mọi cách và bằng mọi giá trục, đẩy hải quân Hoa Kỳ ra khỏi vùng này. Ngày nào còn bóng dáng tàu chiến của Mỹ ngang nhiên đi lại trong hải phận quốc tế của Biển Việt Nam, ngày đó nền an ninh kinh tế và quốc phòng của Trung Cộng vẫn còn bị đe dọa. Không có cách nào hay hơn để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Việt Nam bằng sự hiện diện của sức mạnh quân sự hay nói khác hơn là cơ bắp của hải quân mà điển hình là lực lượng hùng hậu của hạm đội Nam Hải. Phó đô đốc Kiếm và các yếu nhân của hải quân biết rõ điều này hơn ai hết. Trước khi đẩy hải quân Hoa Kỳ ra khỏi Biển Việt Nam, Trung Cộng phải đánh gục hải quân của nước ta bao gồm hai chính thể cộng sản đang cai trị ở miền bắc và nước Việt Nam dân chủ tự do ở miền nam. Họ đã kiểm soát được Hoàng Sa, cho nên bây giờ họ phải đánh gục ta ở Trường Sa để chiếm lại hết vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và rất quan trọng trong chiến lược biển đang do ta kiểm soát. Hai lý do an ninh kinh tế và quốc phòng khiến họ phải đánh ta sớm hoặc muộn mà thôi. Họ sẽ đánh chiếm miền bắc bằng quân bộ và họ sẽ mở một trận hải chiến khốc liệt với ta trên Biển Việt Nam, mà trận địa sẽ xảy ra đâu đó trong vùng Trường Sa…

Tướng Nam ngừng lời ở đó. Uống ngụm nước cho thông cổ ông ta tiếp bằng câu hỏi.

– Nếu đánh Việt Nam thì lúc nào Trung Cộng sẽ khởi sự? Theo suy luận của tôi, Trung Cộng đã phác thảo kế hoạch đánh nước Việt Nam từ lâu rồi. Tuy nhiên do ở sự biến chuyển tình hình nên họ cần phải điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp với tình thế của một nước Việt Nam có sự phân chia của hai miền nam bắc. Bây giờ là tháng giêng năm 2044. Họ có thể sẽ khởi sự vào tháng 6 hoặc trễ là tháng 7…

Phòng họp nổi lên nhiều tiếng lao xao. Đợi cho tiếng xì xào im hẵn, tướng Nam mới cười nhẹ thốt.

– Mới đây có tin đồn là Trung Cộng đã tập trung quân bám sát biên giới của miền bắc nước ta. Theo tin đồn này thì quân số của họ lên tới 140 sư đoàn bộ chiến, 8 sư đoàn chiến xa, 12 sư đoàn pháo và hỏa tiễn cùng với các đơn vị phụ trách thông tin liên lạc. Theo tôi nghĩ, đây là tin phóng đại mà địch đưa ra để hù dọa giới cầm quyền Hà Nội vì nếu đánh, họ cũng không cần một lực lượng đông như vậy. 1 sư đoàn có quân số ít nhất 10 ngàn; như vậy 140 sư đoàn có quân số xấp xỉ một triệu rưởi người. Đánh miền bắc Việt Nam họ chẳng cần tới triệu rưởi vì miền bắc chỉ còn lại có 4 quân khu. Với nhiệm vụ bảo vệ miền đông bắc, quân khu 1 mà bộ tư lệnh đóng ở Thái Nguyên, chỉ có 2 sư đoàn bộ chiến là sư đoàn 3 và 346. Quân khu 2 đóng đại bản doanh ở Việt Trì- Phú Thọ cũng có hai sư đoàn bộ chiến là sư đoàn 316 và 355 để bao vệ vùng tây bắc.  Giữ an ninh cho vùng đồng bằng sông Hồng là quân khu 3 có 350 và 395. Quân khu 4 có 3 sư đoàn là 324, 341 và 968 trông coi 6 tỉnh của miền bắc trung phần từ Thanh Hóa vào tới Thừa Thiên. Như vậy quân đội miền bắc chỉ có 9 sư đoàn bộ chiến mà quân số xấp xỉ trăm ngàn. Cộng thêm tất cả các đợn vị của quân sự tỉnh, không quân và hải quân, thời họ đạt cao lắm 200 ngàn quân với vũ khí kém cỏi và tinh thần chiến đấu sa sút. Nếu tôi nói sai thời xin tướng Long điều chỉnh lại…

Thấy mọi người đều quay nhìn mình, vị tân tư lệnh quân đoàn 1 cười nhẹ lên tiếng.

– Trung tướng nói không sai sự thật đâu. Theo thiển ý của tôi thì Trung Cộng không cần phải điều tới triệu người mới đánh và chiếm miền bắc được…

Không biết nghĩ sao mà tướng Nam lại mỉm cười hắng giọng.

– Với chức vụ cựu tư lệnh quân khu 5, tướng Long biết nhiều về thực lực của quân đội miền bắc hơn tôi. Kính mời tướng Long lên đây thuyết trình cho mọi người được tận tường. Kính mời trung tướng…

Nghe tướng Nam nói mà trung tướng Nguyễn Long có vẻ do dự chưa chịu rời ghế, thủ tướng Việt vội lên tiếng.

– Trung tướng mà không chịu lên là tôi sẽ ký giấy mời ông lên đó. Xin ông mau lên tôi đói bụng lắm rồi…

Mọi người bật cười vì lời nói đùa của ông ta. Không từ chối được, tướng Long đành phải lên thuyết trình.

– Theo sở kiến của tôi thì Trung Cộng sẽ chiếm trọn miền bắc trong vòng 1 tháng…

Mọi người im lặng khi nghe lời tiết lộ của tướng Long vì ít nhiều gì họ cũng đã biết xuyên qua các nghiên cứu hay báo cáo được đúc kết từ các tin tức tình báo.

– Sở dĩ Trung Cộng chiếm được miền bắc nhanh như vậy vì nhiều lý do sau đây. Đầu tiên là sự suy xụp tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Thứ nhì thiếu sĩ quan chỉ huy cao cấp vì mấy ông tướng như bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân khu và tư lệnh sư đoàn đã bị địch mua chuộc, móc nối cho nên họ sẽ ra lệnh đầu hàng trước khi đánh. Thứ ba thiếu hậu thuẫn của dân chúng. Lý do thứ tư thuộc về quân số và vũ khí. Bốn lý do đó cộng lại sẽ khiến cho quân lực miền bắc tan ra nhanh chóng hơn. Năm 1975, quân lực của Việt Nam Cộng Hòa có gần một triệu quân mà tan rã trong vòng 55 ngày thì vào thời điểm bây giờ quân đội cộng sản miền bắc có xụp đổ trong vòng một tháng cũng không có gì lạ…

Dường như có cùng ý nghĩ với trung tướng Nam, do đó tướng Hãn vội đặt câu hỏi.

– Tiện đây tôi xin trung tướng bàn thêm về câu hỏi số 3 của tướng Nam nêu ra là nếu Trung Cộng đánh thì sẽ đánh vào đâu trước nhất?

Ngần ngừ giây lát tướng Long mới cười trả lời.

– Trước khi trả lời câu hỏi của trung tướng tôi xin trung tướng vui lòng trả lời câu hỏi của tôi là: ” Nếu Trung Cộng đánh miền bắc thì ta phải làm gì?

Tướng Hãn lên tiếng không do dự.

– Theo suy luận riêng tư của tôi thì Trung Cộng sẽ đánh chiếm các tỉnh của vùng duyên hải bắc trung phần trước nhất với các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An và Thanh Hóa để khóa cứng viện quân từ trong nam ra giải vây cho miền bắc…

Trung tướng Long cười gật gù.

– Tôi cũng có cùng ý nghĩ như trung tướng. Từ đảo Hải Nam, hải quân Trung Cộng sẽ đổ chừng 1 sư đoàn thủy quân lục chiến lên Thanh Hóa rồi đóng chốt tại đèo Tam Điệp, một vị trí hiểm yếu nhất. Ngày xưa quân Tây Sơn khi bị quân Thanh đánh chiếm miền bắc, với sự cố vấn của Ngô Thì Nhậm đã đóng quân tại đèo Tam Điệp để chờ viện binh của vua Quang Trung. Theo tôi, vị văn tướng họ Ngô đã nhìn ra vị trí cực kỳ xung yếu của đèo Tam Điệp…

Hướng cái nhìn của mình về tướng Hãn đang ngồi kề bên trung tướng Nam, vị tân tư lệnh quân khu 1 cười thốt.

– Trung tướng chưa trả lời câu hỏi của tôi là nếu Trung Cộng đánh miền bắc thì ta phải làm gì?

Tướng Hãn bật cười sang sảng khi bị tướng Long vặn hỏi.

– Theo sở kiến của tôi thì…

Tướng Long cười ngắt lời tướng Hãn.

– Mời trung tướng lên đây trình bày ý kiến…

Đứng dậy tướng Hãn cười thốt.

– Xin phép thủ tướng và tham mưu trưởng…

– Anh Hãn cứ tự nhiên… Tôi cần nghe ý kiến của mọi người trước khi quyết định…

Thủ tướng Việt nháy mắt ra hiệu cho tướng Nam. Vị tham mưu trưởng liên quân cười im lặng.

– Theo sở kiến của tôi thì tôi sẽ đem cho quân vượt vỉ tuyến 17 đánh chiếm Thanh Hóa trước khi Trung Cộng đổ quân. Nếu biết bốn tỉnh của bắc trung phần sẽ bị chiếm bởi Trung Cộng thì tại sao ta lại không chiếm trước…

Ngồi bên cạnh, Quốc thấy thủ tướng Việt cười gật gù như có vẻ tán thưởng đề nghị của tướng Hãn. Tướng Long nhìn xuống chỗ ngồi của tướng Trần Phương, tư lệnh phó và thiếu tướng Nguyễn Trọng, tham mưu trưởng trước khi lên tiếng.

– Trung tướng nghĩ quân lực ta có thể chiếm nốt bốn tỉnh miền bắc trung phần trong vòng ba bốn tháng?

Tướng Hãn cười gật đầu nhìn tướng Khải.

– Quân lực ta có thể làm được với một điều kiện…

– Điều kiện gì thưa trung tướng?

– Điều kiện là trung tướng chỉ huy bốn sư đoàn của ông vượt vỉ tuyến 17… hà… hà… hà… Tôi, tướng Khải làm không được mà trung tướng và bộ tham mưu của quân đoàn 1 của trung tướng sẽ làm được… Chiếm Thanh Hóa, đóng chốt tử thủ tại đèo Tam Điệp là chúng ta chiếm được nhiều thuận lợi trong chiến dịch Ngóng Về Hà Nội sẽ được khai mở sau khi Trung Cộng tràn qua biên giới nước ta…

– Trung tướng định ra bắc?

Dường như không nhịn được chuẩn tướng Thạnh đặt câu hỏi. Tướng Hãn cười nhẹ.

– Tôi không có ý định giải phóng Hà Nội bây giờ mà tôi chờ khi nào Trung Cộng xâm lăng miền bắc. Lúc đó ta có chính danh…

Ai trong phòng hội cũng hiểu được tiếng ” chính danh ” của tướng Hãn. Trung Cộng mà đánh chiếm miền bắc thì quân lực của miền nam sẽ được sự ủng hộ của toàn quân dân ba miền để đánh kẻ xâm lăng cứu nước cứu dân. Phải có sự ủng hộ triệt để của dân thì quân đội mới đủ sức kéo dài cuộc chiến được cũng như tìm kiếm sự hổ trợ của các nước khác. Muốn đánh bại một cường quốc to lớn và hùng mạnh như Trung Cộng thì một nước nhỏ và nước yếu như Việt Nam cần kéo dài cuộc chiến để làm tiêu hao sức lực và ý chí của địch để khiến chúng phải rút lui.

– Sau đây tôi xin nhường lại lại cho trung tướng tham mưu trưởng của chúng ta bàn thảo tiếp về cuộc xung đột quân sự giữa ta và Trung Cộng…

Tướng Nam bước tới chỗ bức ảnh. Hai tướng Hãn và Long trở lại chỗ ngồi của mình.

– Câu hỏi số 5 của tôi là nếu chiếm được Việt Nam thì liệu Trung Cộng có giữ được không và sẽ giữ được bao lâu? Trước khi trả lời câu hỏi này tôi xin nêu ra hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất, ta không xuất quân đánh chiếm bốn tỉnh của miền bắc trung phần. Sự kiện thứ nhì, ta sẽ đánh chiếm bốn tỉnh trên như đề nghị của tướng Hãn. Hai sự kiện này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác và thuận lợi hơn khi ta phát động một cuộc chống xâm lăng. Từ những lý do mà tướng Long đã nêu ra, tôi đồng ý với nhận định của ông ta là Trung Cộng sẽ chiếm được miền bắc nhanh chóng. Tôi cũng đồng ý với ông ta, Thanh Hóa là vị trí xung yếu và sẽ bị tấn công trước nhất. Tôi cũng đoán binh đội của Trung Cộng sẽ đồng loạt tấn công miền bắc theo ba hướng khác nhau nữa. Một đạo quân sẽ từ Vân Nam đánh vào các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang. Cánh thứ nhì sẽ tiến vào Lạng Sơn, còn cánh thứ ba xấn vào vùng Quảng Ninh. Với đạo quân từ Thanh Hóa, Hà Nội sẽ bị bao vây bốn mặt và sẽ bị dập bằng hỏa tiễn và đại pháo trước khi lọt vào tay giặc. Theo ý kiến của tôi thì dù chúng ta có động quân chiếm lấy bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình thì miền bắc cũng bị chiếm đóng. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không đồng ý với ông Hãn về việc chiếm bốn tỉnh và giữ lấy đèo Tam Điệp. Nó có lợi cho ta rất nhiều khi phát động cuộc chiến chống xâm lăng Trung Cộng. Nếu địch mà giữ lấy đèo Tam Điệp thì ta cũng khó khăn lắm mới tiến ra bắc được. Huống chi bốn tỉnh bắc trung phần, ngoài vị trí quan trọng về quân sự còn có dân đông, đất rộng đủ cung cấp cho ta nhân lực và tài lực để kéo dài cuộc chiến. Bây giờ trở lại câu hỏi: Trung Cộng sẽ giữ được bao lâu sau khi lấy được miền bắc. 1, 3, 5 hoặc 10 năm?. Liệu quân lực ta đủ sức gây thiệt hại nặng nề khiến Trung Cộng phải rút lui? Hiện thời tôi chưa có câu trả lời chính xác về điều này vì nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà ta chưa nắm vững như quân số, vũ khí và chiến thuật kẻ địch áp dụng. Sau đây tôi xin trả lời câu hỏi ” Nếu Trung Cộng đánh thì ta sẽ phải làm gì? ”. Nếu Trung cộng đánh miền bắc thì ta sẽ không làm gì hết ngoại trừ giữ chặt biên giới đề phòng chúng tấn công ta. Nếu có làm gì là ta phải làm trước khi họ đỗ quân; tức là ta phải đánh chiếm bốn tỉnh miền bắc trung phần chậm nhất vào cuối tháng 3 năm 2044…

Dừng lại giây lát như để sắp xếp lời nói của mình xong tướng Nam nhìn xuống ngay ghế ngồi của hai nhân vật quan trọng nhất trong chính phủ là thủ tướng Việt và bộ trưởng quốc phòng Quốc.

– Thưa thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng… Tôi thấy đề nghị đánh chiếm lấy bốn tỉnh miền bắc trung phần do tướng Hãn đề nghị rất hữu ích và thuận lợi cho quân lực ta trong việc phòng thủ miền nam và miền trung trước cuộc xâm lăng của Trung Cộng. Ngoài ra ta còn có điểm tựa khi hô hào một cuộc chiến chống xâm lăng để giải phóng miền bắc…

Thủ tướng Việt quay qua nhìn bộ trưởng Quốc như hỏi ý rồi mới lên tiếng.

– Tôi sẽ họp nội các khi về tới Sài Gòn và trung tướng sẽ được câu trả lời của tôi trong vòng vài ngày nữa. Dù tôi chưa nói Yes song quí vị tướng lãnh các cấp nên chuẩn bị đi. Lần này ông định đề nghị ai làm tư lệnh?

Đã làm việc với vị lãnh đạo đất nước nhiều lần, hiểu đó như là lệnh ngầm, tướng Nam đáp không do dự.

– Thưa thủ tướng… Tôi đề nghị trung tướng Long. Chỉ có ông mới chiếm được 4 tỉnh bắc trung phần nhanh và ít đổ máu hơn. Ổng chỉ cần ngồi xe jeep ra nhậu với phe bên kia là xong…

Mọi người bật lên cười. Tướng Long nói với mọi người trong phòng.

– Tôi chắc các vị tư lệnh sư đoàn của tôi rất thích ngồi xe jeep ra nhậu với lính của phe bên kia. Chỉ cần có lệnh của chính phủ chúng tôi sẽ đi liền…

Buổi họp được giải tán để ăn trưa rồi sau đó sẽ có các buổi họp riêng của phe tướng lãnh để thảo luận về kế hoạch chiếm bốn tỉnh bắc trung phần và sửa soạn cuộc phòng ngự nếu bị Trung Cộng tấn công.

69.

Sài Gòn. Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Cuộc họp chỉ có 6 tướng lãnh gồm phó đô đốc Kiếm, tư lệnh; đề đốc Nhân, tư lệnh phó; đề đốc Hân, tham mưu trưởng; đề đốc Sơn, tư lệnh hạm đội tàu nổi; phó đề đốc Jack, tư lệnh hạm đội tàu ngầm; phó đề đốc Bình, tư lệnh vùng 1 hải quân; phó đề đốc Chiêm, tư lệnh vùng 2 hải quân. Buổi họp được triệu tập nhằm sửa soạn cho việc đổ bộ hai lữ đoàn thủy quân lục chiến và hai lữ đoàn lên Thanh Hóa và sư đoàn 11 với lữ đoàn 172 biệt động và lữ đoàn 304 dù lên Nghệ An cũng như yểm trợ hải pháo cho các đơn vị đó khi chiến dịch Ngóng Về Hà Nội- Giai Đoạn 1 dưới quyền chỉ huy của trung tướng Nguyễn Long, tư lệnh quân đoàn 1 bắt đầu. Ngoài ra trong cuộc họp này các vị tướng lãnh hải quân còn chú tâm vào một trọng điểm là kế hoạch hành quân trong cuộc hải chiến với hạm đội Nam Hải của Trung Cộng chắc chắn sẽ xảy ra ở đâu đó trên Biển Việt Nam.

– Buổi họp hôm nay được tôi chia ra làm hai phần. Đầu tiên là phần sửa soạn cho việc đổ quân và yểm trợ hải pháo cho cuộc đánh chiếm bốn tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình của quân đoàn 1. Việc này tôi giao khoán cho hai ông Sơn và ông Bình phối hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng nhất chính là kế sách đối đầu với hạm đội Nam Hải trong cuộc hải chiến phải xảy ra giữa ta và địch đâu đó trên Biển Việt Nam.  Hai quần đảo Hoàng Sa cách nhau chừng 350 hải lý. Nhóm đảo ở phía bắc của Trường Sa cách Cam Ranh 250 hải lý, còn nhóm đảo ở phía nam cách Phú Quốc chừng 240 hải lý. Tuy nhiên nếu tình từ Côn Sơn thì Trường Sa còn gần hơn nữa. Trong khi quần đảo Hoàng Sa lại gần đất liền hơn. So sánh một cách tổng quát thì hai quần đảo này đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên về phương diện chiến lược biển, tôi nghĩ Hoàng Sa quan trọng hơn Trường Sa. Máy bay của địch đóng ở Hoàng Sa có thể cất cánh và dội bom xuống các vị trí quân sự của ta ở miền trung rồi trở về không cần tiếp tế nhiên liệu trên không. Riêng sự có mặt của các chiến hạm của địch ở Hoàng Sa sẽ trở thành một đe dọa nặng nề cho miền trung. Tất cả tàu bè muốn tới lui các tỉnh ven biển của Trung Cộng hoặc Hồng Công, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản đều phải đi qua Hoàng Sa. Đó là lý do khiến cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của ta năm 1974. Câu hỏi của tôi là chúng ta có thể giữ được Trường Sa không nếu Trung Cộng dốc toàn lực đánh chiếm?

Câu hỏi của vị tư lệnh hải quân rơi vào im lặng. Lát sau mới có người lên tiếng mà người đó chính là Jack, tư lệnh tàu ngầm.

– Tôi nghĩ ta sẽ bị hạm đội Nam Hải đánh bại ở Trường Sa?

– Lý do nào khiến ông nghĩ như vậy?

Phó đề đốc Bình vặn. Jack chưa kịp trả lời, phó đô đốc Kiếm xen vào.

– Jack… lên đây nói cho mọi người biết…

Trong các vị tướng lãnh hoặc tư lệnh thì Kiếm ” chịu ” Jack nhất. Ông ta coi Jack như đứa em trẻ tuổi tài cao, có nhiều ý tưởng mới lạ và đột biến. Tuân lệnh cấp chỉ huy, Jack bước tới màn hình vừa sáng lên vùng Biển Việt Nam trãi dài từ đảo Hải Nam của Trung Cộng xuống tới hải phận của nước Nam Dương và Mã Lai và Phi.

– Có nhiều lý do khiến cho tôi nghĩ hải quân ta sẽ bị hạm đội Nam Hải của địch đánh bại ở Trường Sa. Lý do thứ nhất là đây…

Jack chỉ ngay vào đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa.

– Căn cứ không quân mà địch xây trên Phú Lâm có sức chứa vài phi đoàn phản lực cơ chiến đấu và có thể loại oanh tạc cơ đủ sức dội bom bất cứ hòn đảo nào thuộc Trường Sa và trở về an toàn. Huống chi Hoàng Sa còn là cảng biển lớn tiếp tế nhiên liệu và súng đạn cho các hàng không mẫu hạm như Liêu Ninh, Thượng Hải. Hoàng Sa cách đảo gần nhất của Trường Sa 350 hải lý, cách đảo xa nhất 500 hải lý, tất cả đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn hay máy bay xuất phát từ căn cứ Phú Lâm hoặc từ các mẫu hạm đang hoạt động trong vùng Biển Việt Nam. Năm 2036, ta sở dĩ thắng được địch ở Trường Sa vì lợi dụng yếu tố bất ngờ và ta cũng trên cơ địch về lực lượng tham chiến. Bây giờ là năm 2044, nếu đánh ta, địch sẽ soạn thảo chiến thuật kỹ càng hơn và lực lượng tham chiến cũng ngang ngửa nếu không cũng hơn ta gấp bội. Yếu tố bất ngờ không còn nữa, do đó tôi nghĩ ta sẽ thua…

Đợi cho Jack dứt lời xong phó đô đốc Kiếm mới lên tiếng.

– Bà xã anh dạy anh nói tiếng Việt mỗi ngày hả. Tôi chẳng nghe có ngôn ngữ ba rọi nào hết…

Quân lực của nước Việt Nam dân chủ tự do có rất nhiều quân nhân đủ mọi cấp bậc và quốc gia trên thế giới gia nhập mà Jack là một thí dụ. Có người là dân trong nước, có người mang Mỹ gốc Việt, có người cha Mỹ mẹ Việt, có người ở bên Pháp, Anh, Canada, Úc và rải rác khắp nơi; do đó họ nói một thứ tiếng Việt ba rọi, nghĩa là Việt mà xen Anh, Pháp vì đôi khi quên hay nhất thời không tìm ra một tiếng nào có nghĩa đúng như vậy. Hiểu ý của Kiếm, Jack bật cười hắc hắc.

– Cám ơn tư lệnh… Tôi mà mở miệng chêm tiếng Anh vào là vợ rầy và hai đứa con gái chọc quê nữa. Ở trong mái nhà có tới ba phụ nữ thì tôi thành ra thiểu số…

Ai trong phòng cũng bật cười vì câu nói đùa của Jack. Tới phiên đề đốc Sơn, tư lệnh hạm đội tàu nổi đặt câu hỏi.

– Jack nói ta sẽ thua… Vậy anh có cách nào làm cho mình thắng không?

– Thưa tư lệnh Sơn… Mình không thể thắng được. Huề là may lắm rồi… Bởi vậy tôi mới nghĩ là nếu đoán biết được địch sẽ tấn công ta thì tại sao ta lại không đánh địch trước. ” Cách phòng thủ hiệu quả nhất chính là tấn công ”. Biết Hoàng Sa là căn cứ của địch yểm trợ cho trận hải chiến Trường Sa thì tại sao ta không dũa Hoàng Sa trước. Nếu không tái chiếm được thì mình cũng có thể làm tê liệt nó…

Jack nói trong lúc nhìn xuống ngay chỗ Kiếm ngồi. Anh thấy vị tư lệnh của mình gật gù cười như đồng ý.

– Thua ở Trường Sa mà chiếm được Hoàng Sa thì ít ra ta cũng huề. Vả lại theo như lời tư lệnh Kiếm nói thì Hoàng Sa quan trọng hơn Trường Sa về mặt chiến lược biển. Làm chủ được Hoàng Sa, ta sẽ gây nhiều khó khăn cho hạm đội Nam Hải trong việc yểm trợ Trường Sa và còn kiểm soát được hải lộ đi và về của vùng duyên hải phía nam Trung Cộng. Nói một cách khác làm chủ Hoàng Sa là ta chẹn cổ họng của hạm đội Nam Hải. Muốn xuống Trường Sa hay ra Ấn Độ Dương, các tàu chiến của họ phải qua Hoàng Sa. Mất sự kiểm soát Hoàng Sa thì hổng chừng họ sẽ bỏ luôn Trường Sa…

Jack vừa nói xong thì tư lệnh Kiếm rời chỗ ngồi. Hiểu ý Jack cũng trở lại ghế của mình. Đứng trước màn hình tư lệnh Kiếm cười nhìn các vị tư lệnh trực thuộc.

– Quý vị đã nghe Jack trình bày ý kiến rồi, bây giờ tôi hỏi quý vị có thêm ý tưởng nào mới mẻ nữa không?

Đề đốc Hân, tham mưu trưởng ứng tiếng trước nhất.

– Gần đây tôi có đọc một báo cáo và nhiều tin tức liên quan tới chuyện xung đột giữa ngư dân của ta với đoàn tàu đánh cá của Trung Cộng trong hải phận quốc tế. Theo tôi nghĩ chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ tánh mạng và tài sản của dân chúng. Với mấy ngàn chiếc tàu đánh cá, Trung Cộng sẽ vơ vét hết tôm cá ở Biển Việt Nam trong vòng vài năm nữa thôi. Lúc đó ngay cả con ruốc dân cũng không có mà ăn nữa…

Đề đốc Nhân, tư lệnh phó phụ họa.

– Ở bên phòng tài nguyên thiên nhiên thuộc bộ năng lượng cũng đã gởi văn thơ cho tôi thông báo về tình trạng càn quét hải sản và phá hoại các đảo san hô ngầm của đám ngư phủ Trung Cộng. Họ yêu cầu hải quân ta phụ giúp với quan thuế biển giải quyết tình trạng này…

Mọi người trong phòng im lặng. Có thể họ đã có ý tưởng hoặc kế hoạch đối phó nhưng chưa chịu nói ra.

– Quý vị có cách nào không?

Tư lệnh Kiếm hỏi. Jack cười nói nhanh.

– Trình tư lệnh. Tôi có cách…

Nghe Jack lên tiếng, tư lệnh Kiếm bật cười đùa.

– OK tư lệnh Jack… Coi bộ ổng hổng ưa tụi Trung Cộng lắm nên nghe nói đánh là ông hăng hái đánh võ miệng liền…

Dường như hiểu được ý trong câu nói đùa của cấp chỉ huy, Jack cười hăng hắc thốt.

– Vụ đánh phá đoàn tàu đánh cá tôi gọi là cuộc chiến du kích biển. Ta cho lính hải kích lái tàu nhỏ giả làm ngư phủ xục tìm tàu đánh cá của Trung Cộng. Gặp tàu chúng là ta nổ liền. Thiên hạ có la thì cũng là ngư dân Việt choảng nhau với tàu đánh cá của Trung Cộng mà thôi. Tôi nghĩ bị bắn chìm vài trăm chiếc là chúng ớn liền…

– Tôi nghĩ chiến thuật du kích biển của Jack rất thích hợp vì ta không thể dùng chiến hạm của hải quân để hù dọa hoặc bắn chìm tàu dân sự. Chỉ có cách của Jack mới đối đầu lại các tàu đánh cá có vũ trang của tụi Trung Cộng…

– Phải mất bao lâu thì mình mới tạo được đội tàu đánh cá giả hả Jack?

Phó đề đốc Bình, tư lệnh vùng 1 hải quân hỏi. Jack trả lời không do dự.

– Lính hải kích thì ta đã có sẵn. Còn tàu đánh cá thì bốn vùng duyên hải đều có các ghe hoặc tàu nhỏ trực thuộc các đơn vị tuần duyên. Mình chỉ cần tháo gở súng rồi ngụy trang thành tàu đánh cá là xong ngay. Chỉ cần 1 tháng ta có thể có vài trăm chiếc hoạt động được…

Jack vừa dứt lời, tư lệnh Kiếm ra lệnh liền.

– Vụ du kích chiến biển tôi giao cho Jack và ông Chiêm. Riêng cuộc hải chiến với hạm đội Nam Hải thì ba ông Nhân và Sơn, còn Hân với ông Bình phụ trách đổ quân và yểm trợ hải pháo cho quân đoàn 1. Tiện đây tôi cũng đề cử tư lệnh phó Nhân làm tư lệnh chiến dịch Hoàng Sa. Ông Nhân có quyền và trách nhiệm điều động lính và tàu bè để đánh chiếm Hoàng Sa. Tôi sẽ trình với ông Quốc và trung tướng Nam về chiến dịch Hoàng Sa và vụ du kích biển…

Mọi người lục tục giải tán. Jack và Chiêm xuống câu lạc bộ sĩ quan hải quân ăn trưa rồi sau đó bàn soạn thêm về chuyện khai mở cuộc chiến du kích biển chống lại hạm đội tàu đánh cá có vũ trang của Trung Cộng.

*****

An Thới. Bộ Tư Lệnh Tàu Ngầm. Jack nhìn đăm đăm vào phóng ảnh được chụp bởi máy bay thám thính của không quân ba ngày trước. Nhìn số 26, anh biết đó là chiếc hàng không mẫu hạm của hải quân Trung Cộng mang tên Thượng Hải đang hoạt động quanh quần đảo Hoàng Sa. Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì được đóng bởi hải quân Trung Cộng. Chiếc thứ nhất tên Sơn Đông đã bị hải quân Việt Nam lúc còn ở Phú Quốc bắn chìm trong trận hải chiến tại Trường Sa năm 2036. Được khởi công đóng năm 2040, trọng tải 90 ngàn tấn, chứa gần 70 chiếc máy bay đủ loại, Thượng Hải là chiếc mẫu hạm đầu tiên chạy bằng nguyên tử năng của hải quân Trung Cộng. Nó là niềm kiêu hãnh của riêng hải quân và quân đội Trung Cộng nói chung. Dĩ nhiên nó phải được trang bị đủ mọi thứ vũ khí tối tân nhất như hệ thống chống tàu ngầm, tàu nổi, máy bay và hỏa tiễn. Ngoài ra nó còn chở thêm hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến nữa.

Mắt nhìn vào bức ảnh, tay gõ gõ lên bàn, vị tư lệnh tàu ngầm im lìm suy nghĩ. Được hộ tống tận răng với khu trục hạm, hộ tống hạm và tàu ngầm lặn sâu ở dưới nước, cộng thêm hệ thống phòng thủ của chính nó; chiếc Thượng Hải hầu như bất khả xâm phạm đối với các tàu chiến của các nước nhỏ bé trong vùng Biển Việt Nam. Jack nhớ lại năm 2036, anh đã chỉ huy mấy chiếc tàu ngầm bắn hư chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, còn Chương bắn chìm chiếc Sơn Đông của hải quân Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa nằm trong Sea Of Vietnam. Tối hôm qua trong buổi họp kín, tư lệnh phó Nhân đã ra lệnh cho anh phác họa kế hoạch nếu không bắn chìm thì cũng phải gây thiệt hại nặng nề cho chiếc Thượng Hải. Phải vô hiệu hóa hoạt động của nó thì chiến dịch đánh chiếm Hoàng Sa mới đạt được kết quả mà bộ tư lệnh đã đề ra.

– Cái này phải có Chương mới được…

Nói dứt câu trên, Jack bương bả bước ra khỏi phòng làm việc. Nhảy lên xe jeep, anh phóng nhanh về hướng hải quân công xưởng ở Mũi Ông Đội. Lát sau xe dừng tại tòa nhà lớn có tấm bảng đề ” Hải Quân Việt Nam – Trung Tâm Nghiên Cứu và Sáng Chế ”. Bước vào căn phòng bên trái, Jack hỏi liền khi thấy người đàn ông đang ngồi trước chiếc bàn bề bộn giấy tờ.

– Tới đâu rồi ” Thầy Thăng ” ?

Lính hải quân, từ vị tư lệnh cho tới thủy thủ tập sự đều nghe tên và biết mặt ông kỹ sư lỗi lạc của hải quân Việt Nam. Ông ta và nguyên nhóm kỹ sư dưới quyền đã triển khai hết sự hiểu biết và chuyên nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn làm cho hải quân nước nhà đủ lớn, đủ mạnh để kình chống lại Trung Cộng, gã láng giềng khổng lồ, tham lam và keo kiệt lúc nào cũng đầy tham vọng thôn tính lân bang. Thầy Thăng chỉ huy một nhóm kỹ sư trăm người với gần 10 ngàn nhân viên dân sự có, lính nghề có để bảo trì, sửa chữa và sáng chế ra các thứ dụng cụ mới mong theo kịp đà phát triển của kỹ thuật của thế kỹ 21 mà ngủ một đêm thức dậy đã nghe nói có người chế ra cái mới, cái lạ, cái tốt, cái tối tân hơn cái mình đang sử dụng.

– Chào tư lệnh…

Thầy Thăng tươi cười đưa tay ra bắt tay Jack.

– Tới đâu rồi Thầy Thăng?

Jack lập lại câu hỏi của mình sau khi bắt tay Thăng. Hiểu được sự nôn nóng của Jack, Thăng cười lên tiếng.

– Ông Tiến vừa điện thoại cho tôi biết đã sửa soạn mọi thứ xong hết rồi. Tư lệnh muốn thử chiếc nào?

Jack trả lời không do dự.

– Chiếc 66… Tôi cần thầy thử nghiệm vào chiếc 66. Sau khi thầy thử xong tôi sẽ phái nó ra khơi…

Ngừng lại liếc một vòng không thấy ai ở gần, Jack thì thầm.

– Tôi muốn coi giò coi cẳng chiếc Thượng Hải…

Trợn mắt nhìn vị tư lệnh tàu ngầm giây lát, Thăng mới lên tiếng.

– Có lý đó… Tôi cũng cần biết về chiếc mẫu hạm nguyên tử của Trung Cộng để trang bị đồ chơi mới cho các chiến hạm của mình chống lại nó… Chừng nào tư lệnh muốn tôi thử?

– Càng sớm càng tốt. Tôi sẽ gọi chiếc 66 về liền…

*****

02-2044. Đâu đó trong vùng hải phận quốc tế, 100 hải lý cách Hoàng Sa về hướng tây nam. Chiếc 66 hải hành với vận tốc 8 knots ở độ sâu 155 mét.

Đang ở trong phòng riêng của mình đọc sách, Chương thấy đèn nhấp nháy rồi giọng nói của thượng sĩ Ẩn, phụ tá sĩ quan đương phiên vang lên.

– Trình hạm trưởng… Có điện thoại của tư lệnh Jack…

Chương nhấc điện thoại. Không biết ở bên kia đầu dây vị tư lệnh tàu ngầm nói cái gì mà chỉ nghe Chương lên tiếng.

– Thưa tư lệnh… Tôi sẽ thi hành ngay tức khắc…

Đặt điện thoại về chỗ cũ vị hạm trưởng mở cửa ra đi tới phòng chỉ huy ở tầng trên. Ngồi vào ghế của mình, anh ra lịnh cho đại úy Toàn, sĩ quan đương phiên.

– Tư lệnh Jack muốn chiếc 66 có mặt ở Phú Quốc càng sớm càng tốt…

Có nhiều tiếng reo mừng vui của thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy. Ngay cả Chương cũng vậy dù anh cố kiềm hãm tình cảm của mình bằng giọng nói bình thường. Giai đoạn Ra Trung của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn đã chấm dứt hơn nửa năm rồi, song các chiến hạm nổi và tàu ngầm phải hoạt động liên tục để kiểm soát hải phận càng ngày càng lớn rộng ra. Các hạm trưởng đều được thuyết trình về tình hình của quần đảo Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ chính phủ và quân lực, nhất là hải quân đều mang ý định tái chiếm Hoàng Sa từ tay hải quân Trung Cộng.

– Tuân lệnh hạm trưởng…

Toàn sốt sắng thi hành lệnh. Chiếc Hải Mã từ từ nổi lên mặt nước rồi nhắm hướng Phú Quốc hải hành với vận tốc 10 knots. Dưới sự cho phép của hạm trưởng, trừ các thủy thủ đang phiên trực, thủy thủ đoàn được thay phiên nhau lên trên đài quan sát để hóng gió và liên lạc với gia đình. Đang ngồi im trên ghế suy nghĩ, Chương nghe giọng hỏi rụt rè của Thâm vang bên tai.

– Mình về Phú Quốc có chuyện gì vậy thưa hạm trưởng?

Hơi ngần ngừ giây lát Chương mới trả lời.

– Bộ tư lệnh tàu ngầm nói riêng và bộ tư lệnh hải quân nói chung muốn trang bị các dụng cụ mới cho tàu ngầm. Nhưng trước khi mua sắm thời ta phải thử nghiệm xem các dụng cụ này có kết quả ra sao, có xứng đáng cho mình bỏ tiền triệu ra để tân trang không. Đó là lý do tư lệnh Jack muốn chiếc 66 về nằm ụ ở Phú Quốc ít nhất từ một tới ba tháng…

Chương ngừng lại khi nghe thủy thủ đoàn reo hò. Từ lâu, vì lý do nhu cầu quốc phòng, người lính bất kể quân binh chủng, chức vụ hay cấp bậc, cũng chỉ có 7 ngày phép thường niên trừ những trường hợp đặc biệt như gia đình có tang ma hoặc cưới hỏi. Bây giờ mà nằm ụ ba tháng thời khỏi nói rồi, ai cũng vui mừng vì được gần gia đình thời gian dài. Chương không muốn nói ra những gì mà tư lệnh Jack nói vì nghĩ đó là bí mật cần được giữ kín.

– Mình còn cách Côn Sơn bao xa?

Chương hỏi đại úy Toàn, sĩ quan đương phiên.

– Trình hạm trưởng… hơn ngày đường nữa… Phòng cơ khí báo cáo tàu không đủ dầu cặn để chạy về tới Phú Quốc nên phải ghé Côn Sơn lấy dầu…

Chương gật đầu lên tiếng trước khi rời phòng chỉ huy về lại phòng riêng của mình.

– Lấy dầu xong đi liền về Phú Quốc. Mình phải có mặt ở căn cứ bộ tư lệnh càng sớm càng tốt…

Ra lệnh xong bước ra cửa Chương còn nghe tiếng trả lời của Toàn.

– Tuân lệnh hạm trưởng… 66… lặn… 150… vận tốc 15… Hướng nhà của tôi trực chỉ…

 

*****

Một người đàn bà thong thả bước vào phòng tiếp khách của bộ tư lệnh tàu ngầm ở Phú Quốc. Cô thư ký ngồi tại bàn ngước lên cười cất giọng lễ độ.

– Xin phép bà… Tôi có thể giúp gì được cho bà?

Người đàn bà cất giọng thanh tao và cũng rất lịch sự.

– Xin lỗi cô… Tôi biết lời yêu cầu của tôi hơi quá đáng và đường đột. Tôi cần gặp tư lệnh Jack…

– Thưa bà… Tôi rất tiếc…

Cô thư ký cười nhẹ. Thái độ của cô ta hơi miễn cưỡng vì phải từ chối lời yêu cầu của người đàn bà mà cô biết thoạt nhìn toát ra phong cách đặc biệt khiến cho người ta phải kính trọng và cảm mến dù mới gặp mặt lần đầu.

– Xin cô vui lòng vào trình với tư lệnh… Nếu ngài tư lệnh từ chối thời tôi sẽ có cách khác…

Như không cưỡng lại được lời năn nỉ lịch sự của người đàn bà xa lạ, cô thư ký đành bước vào văn phòng của cấp chỉ huy. Năm phút sau cô trở ra.

– Thưa bà… Tôi đã trình lên tư lệnh lời yêu cầu của bà và tư lệnh nói rất tiếc ông ta bận việc lắm. Trừ ai có hẹn trước ông ta mới tiếp… Tôi rất tiếc…

– Không có chi… Như vậy thời tôi đành phải dùng cách thức mà thật tình tôi không muốn chút nào… Xin cô vui lòng vào trình với ngài tư lệnh là có mẹ của trung tá Vũ Quang Chương xin được hội kiến…

Cô thư ký hơi há miệng ra vì ngạc nhiên xong cười vui vẻ lên tiếng.

– Tôi nghĩ rằng tư lệnh Jack sẽ hoan hỉ đón tiếp bà…

Cô thư ký bước lẹ vào phòng tư lệnh. Phút sau vị tướng một sao mặc quân phục hải quân bước nhanh tới trước mặt người đàn bà đang ngồi trong phòng đợi.

– Chào bà… Phải chi bà nói sớm là mẹ của Chương thời bà khỏi mất công chờ đợi…

Nói xong Tư lệnh Jack đưa tay ra bắt tay người đàn bà.

– Thưa ngài tư lệnh…

Jack cười ngắt lời người đàn bà tự xưng mẹ của trung tá Chương.

– Xin bà bỏ ba tiếng ngài tư lệnh dùm tôi. Bà gọi tên của tôi cũng được…

– Nếu ông cho phép… Tôi xin tự giới thiệu tôi tên Thiên Hằng…

Vị tư lệnh tàu ngầm gật đầu cười.

– Bà Hằng… Mời bà vào phòng tôi trò chuyện giây lát…

Hai người phân ngôi chủ khách ngồi xong xuôi, cô thư ký xuất hiện với tách trà nóng cho khách.

– Xin hỏi mục đích của bà…

Jack hỏi như ngầm báo cho khách biết mình không có nhiều thời giờ. Nhấp ngụm trà nóng, bà Thiên Hằng cười nhỏ nhẹ lên tiếng.

– Tôi xin kể vắn tắt cho ông nghe một câu chuyện …

Trong lúc bà Hằng thong thả thuật lại câu chuyện, Jack nhận thấy dù chuyện xảy ra hơn 30 năm song dường như mới xảy ra ngày hôm qua vì nét buồn thảm và xúc động hiện rõ ràng nơi người kể. Căn phòng chìm vào im lặng sau khi người kể chuyện dứt lời. Thật lâu Jack mới thong thả cất lời.

– Tôi xin được chia buồn với bà. Ông nhà và các chiến hữu của ông ta là những người lính can đảm và đầy lòng yêu nước thiết tha. Chết cho tổ quốc là một vinh dự và niềm kiêu hãnh của người lính thưa bà…

Thiên Hằng cười nhẹ.

– Cám ơn ông… Ngay khi Chương hỏi ý tôi về chuyện tình nguyện gia nhập vào quân lực Việt Nam ở Phú Quốc; tôi rất hoan hỉ và khích lệ Chương rất nhiều…

Jack cười gật đầu

– Chương là một cấp chỉ huy xuất sắc… Nay mai này tôi sẽ rút Chương về bộ tư lệnh để nắm chức vụ quan trọng hơn… Để một sĩ quan như Chương mà làm hạm trưởng tàu ngầm thì phí cái tài chỉ huy và kiến thức chuyên môn của Chương…

Ngừng lại Jack cười tiếp.

– Mời bà dùng thêm trà…

Thiên Hằng nhẹ lắc đầu cười.

– Cám ơn ông… Biết ông bận việc nên tôi không muốn làm mất thì giờ quí báu của ông. Chỉ xin ông vui lòng cho tôi biết Chương đang ở đâu…

Jack cười lên tiếng.

– Tưởng bà yêu cầu điều gì khó khăn thời tôi không dám hứa chứ điều đó rất dễ dàng. Tôi cũng cần Chương đem chiếc 66 trở về Phú Quốc để trang bị thêm các dụng cụ mới…

Jack ngừng lời khi thấy nét vui mừng hiện trên mặt của khách.

– Bà sẽ gặp Chương… Tôi không tiện nói ra song chiếc Hải Mã sẽ nằm ụ ít nhất một tháng…

Thiên Hằng đứng lên. Đưa tay ra bắt tay Jack, bà ta cười thốt.

– Ông đúng như những gì Chương nói cho tôi nghe về ông…

– Tốt hay xấu?

Jack đùa. Bà Hằng cũng đùa lại.

– Tốt cũng có mà xấu cũng có. Tuy nhiên xấu tốt gì tôi cũng thích. Cho tôi gởi lời hỏi thăm bà nhà và cháu bé…

Cười vui vẻ Jack tiễn khách ra tận cửa.

*****

Dừng lại trước căn phòng mang số 30 của khách sạn Blue Ocean, Thúy Nhi hơi do dự giây lát rồi sau đó mới gõ cửa. Cửa mở. Cô nhìn thấy khuôn mặt thanh tú, tóc điểm sương song đường nét trẻ đẹp vẫn chưa chịu lùi bước trước tuổi của người đàn bà. Thúy Nhi cười nhẹ thốt.

– Dạ chào bác… Cháu là bạn…

Thiên Hằng lên tiếng liền khi thấy cô gái đang đứng trước mặt mình.

– Thúy Nhi phải không…

Đó không phải là câu hỏi mà là câu xác định như đã biết cô gái là ai.

– Dạ… Anh Chương điện thoại cho cháu khuya hôm qua…

– Vậy à… Chương cũng gọi cho bác hồi sáng này… Mời cháu vào…

– Dạ…

– Bác đã thấy hình cháu. Giờ gặp mới biết hình còn kém người thật…

Thúy Nhi chỉ mỉm cười khi nghe lời khen của Thiên Hằng.

– Dạ anh Chương nhờ cháu tới đón bác về nhà cháu…

– Chương cũng đã bàn với bác chuyện đó. Chỉ sợ phiền cháu…

– Dạ hổng có phiền đâu bác… Cháu ở một mình mà nhà có hai phòng rộng lắm… Có bác ở đỡ buồn…

Thiên Hằng nhìn Thúy Nhi.

– Chương đi hoài hả?

– Dạ… Ảnh đi hoài mà lần đi nào cũng lâu hết… Lần này ảnh về chắc cháu phải mua dây lòi tói xích chân ảnh lại…

Thúy Nhi ré lên cười sau khi nói. Như vui lây Thiên Hằng cũng giỡn một câu.

– Phải đó… Cháu xích chân nó lại đi để bác đè nó ra quất mấy roi vì nó cũng bỏ bác đi hoài. Ba bốn năm nó mới về thăm nhà một lần…

– Dạ bác về nhà cháu ở nghen bác… Cháu nấu món Việt, Tây, Tàu đãi bác. Thức ăn ở khách sạn ẹ lắm bác ơi…

Bật lên tiếng cười thánh thót, Thiên Hằng nhìn cô gái mà nếu không có gì trục trặc sẽ trở thành dâu của mình nay mai.

– Chà… Cháu tính trổ tài nấu nướng để hối lộ bà mẹ chồng tương lai hả. Xin nói trước bác khó tánh trong chuyện ăn uống lắm nghen…

Thúy Nhi cười hắc hắc.

– Hổng sao… Bác khó tánh cũng hổng bằng má cháu đâu…

70.

Vừa định tắt đèn đi ngủ, Thúy Nhi nghe được tiếng xe gắn máy nổ bình bịch. Âm thanh quen tai này cô nôn nao đợi chờ được nghe. Khoác thêm áo choàng, cô hấp tấp mở cửa phòng bước ra cùng lúc Thiên Hằng cũng xuất hiện. Dường như cả hai đều lắng nghe và mong đợi sự trở về của một người. Chưa kịp giơ tay bấm chuông, Chương ngạc nhiên khi thấy hai khuôn mặt xuất hiện cùng một lúc khiến anh không biết phải ôm ai trước ai sau. Cuối cùng, mở rộng vòng tay, người lính tàu ngầm nói bằng giọng vui vẻ và nhiều âu yếm.

– Phải ôm hai người cùng một lúc mới đã…

Hai người đàn bà ở hai lứa tuổi khác nhau dường như ngợp cảm xúc và nghẹn thở vì vòng tay xiết chặt ông lính tàu ngầm với lời thì thầm.

– Con nhớ mẹ…

– Anh nhớ em… nhớ khùng luôn…

Thiên Hằng ngước đầu lên nhìn đứa con trai cưng mấy năm mới gặp lại. Bàn tay gầy của bà ve vuốt trên khuôn mặt xương xương của con.

– Con khỏe không?

Mở vòng tay ra Chương cười nói với mẹ trong lúc nhìn Thúy Nhi.

– Dạ khỏe… Nhờ Thúy Nhi ép ăn nên con mập ù và phẻ re…

Hơi lùi lại một chút có lẽ để nhìn ngắm người tình nửa năm mới gặp lại, cô chủ hãng kiến trúc nổi tiếng đảo Phú Quốc bật lên tiếng cười hắc hắc trước khi thốt ra câu nói.

– Dạ hổng có đâu thưa hạm trưởng… Ép dầu ép mỡ chứ em đâu có nỡ ép ăn và ép duyên…

Thiên Hằng bật lên tiếng cười khi nghe câu nói của Thúy Nhi. Mắt long lanh vì sung sướng, Thúy Nhi nói nhỏ.

– Anh ăn tối chưa để em dọn cho anh…

Chương cười thốt.

– Ăn rồi… Tàu về hồi 6 giờ. Anh phải ăn ở dưới tàu vì đói meo với lại còn phải sắp xếp công chuyện nữa…

Ba người ngồi ở phòng khách nói chuyện. Bà Hằng mở lời trước.

– Tàu của con chắc được nghỉ bến lâu hả… Ở An Thới chừng tháng xong mẹ sẽ đi thăm Sài Gòn… Con và Thúy Nhi có muốn đi với mẹ không?

– Tại sao mẹ không đi thẳng từ bên Mỹ về Sài Gòn mà lại ghé qua Phú Quốc…

Nhờ ngồi đối diện, Thúy Nhi thấy mắt bà Hằng như có lệ. Đôi mắt đẹp và buồn của bà như mất hút vào màn đêm mông lung xuyên qua khung cửa sổ. Gió biển lùa vào phòng mang theo mùi rong rêu và muối mặn.

– Mẹ muốn gặp ba của con…

Chương cau mày. Anh có vẻ băn khoăn vì câu nói tối nghĩa của mẹ hiền.

– Ba của con… Bộ ba của con đang sống tại Phú Quốc hả mẹ?

Thiên Hằng nhẹ lắc lắc mái tóc hai màu của mình. Giọng nói của bà phát ra nghe khàn đặc.

– Nếu không có chuyện Phú Quốc For Sale và con đi lính cho nước Việt Nam ở Phú Quốc thì chắc mẹ sẽ không bao giờ kể cho con nghe một bí mật về ba của con…

– Bí mật về ba của con…

Chương lẩm bẩm. Thúy Nhi thấy nét mặt của Chương đầy băn khoăn và ngơ ngác. Chính cô cũng ngạc nhiên mà không tiện hỏi. Chương có nói cho cô nghe chút ít về mẹ của anh và ít khi nhắc tới người cha không bao giờ biết mặt mũi. Rồi bây giờ mẹ anh lại bất ngờ xuất hiện ở Phú Quốc với lý do muốn gặp ba của anh.

– Ba của con hiện đang ở Phú Quốc…

Thúy Nhi thấy Chương há hốc miệng ra khi nghe mẹ nói. Ngay cả cô cũng phải đưa tay lên che miệng vì biết mình cũng đang há miệng ra.

– Ba… ba của con đang ở Phú Quốc… Sao mẹ… mẹ không nói cho con biết…

Chương ú ớ quay nhìn mẹ hiền đang ngồi bên cạnh. Thúy Nhi thấy nước mắt từ từ ứa ra nơi khóe mắt của bà Hằng.

– Phải… Ba con bỏ đi lúc mẹ cũng vừa cấn thai con. Sau khi sanh con ra mẹ vẫn ở chung với ông bà ngoại của con để nuôi con cho tới bây giờ… Mẹ biết ba con đang ở đâu nhưng vì một lý do đặc biệt nên mẹ không thể gặp ba của con…

Chương đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Dĩ nhiên anh tin lời nói của mẹ. Bà không có lý do gì để đặt chuyện hay lừa dối. Nhích sát vào chỗ mẹ ngồi, anh hỏi nhỏ.

– Sao ba của con lại bỏ mẹ đi hả mẹ? Bộ ba không thương mẹ và thương con hả mẹ?

Thúy Nhi nghe được tiếng nấc nghẹn của bà Hằng. Hai vai bà run run chứng tỏ đang bị xúc động mạnh.

– Ba thương yêu mẹ lắm… Ngoài ra khi bỏ đi ba không biết mẹ đã mang thai con… Ba thương mẹ lắm song ba còn yêu một thứ khác nhiều hơn nữa… nhiều hơn mẹ con mình nữa…

Ngừng lại giây lát Thiên Hằng nhìn Thúy Nhi trong lúc nói.

– Ba của con là một người lính can đảm và yêu nước. Bởi vậy mà ba của con đã đặt tình yêu nước lên trên tình yêu của ông đối với mẹ. Ông đã tham gia vào một cuộc đấu tranh để lật đổ cộng sản. Ông cùng với các chiến hữu đã chết ở Phú Quốc… Xác của ba con được vùi vập đâu đó trên đảo…

Chương thấy mắt mẹ hiền long lanh ngấn lệ. Bằng một giọng ngậm ngùi, Thiên Hằng kể cho hai trẻ nghe mối tình diễm lệ mà cũng đầy nước mắt của mình với ” ông chú già ” tên Nguyễn Vũ Huy Hùng. Dù ba mươi bốn năm đã trôi qua, Thúy Nhi cảm thấy bà mẹ của Chương vẫn còn yêu thương người tình đã khuất bóng của mình xuyên qua thái độ, cử chỉ và lời nói. Bà như sống lại thời đang yêu. Bằng lời nói dí dỏm và dáng điệu trẻ trung; bà kể những gì đã làm để cua ông chú già, mà theo bà ngay lần đầu tiên nói chuyện đã bị ông ta thu mất ba hồn chín vía của mình rồi. Phải có thứ tình yêu mãnh liệt lắm bà mẹ của Chương mới cãi lời cha mẹ, coi thường tuổi tác, vất bỏ hết mọi hệ lụy của đời để yêu. Thúy Nhi nghĩ đó là thứ tình yêu không bình thường.

– Họ Vũ mà con mang là họ của mẹ đồng thời cũng là chữ lót của tên ba con. Mẹ đã phải chờ ba mươi bốn năm mới trở về đây đi tìm mộ của ba con… Mẹ cũng sẽ định cư ở đây luôn vì mẹ muốn được ở bên cạnh ba con…

Thúy Nhi nghe được tiếng thở dài thoát ra từ Chương. Căn phòng khách có ba người ngồi mà người nào cũng nín thinh như bận suy nghĩ. Cơn gió biển lùa vào mang theo hơi nước lành lạnh có mùi muối mặn và rong rêu ngai ngái.

– Con sẽ đi với mẹ tìm mộ ba của con… Nhưng chắc phải đợi vài ngày nữa vì con còn bận họp và lo tàu bè…

– Con cứ lo xong xuôi chuyện của con trước đi… Mẹ đã chờ ba mươi bốn năm rồi thì chờ thêm vài ngày nữa đâu có sao…

Thúy Nhi chợt lên tiếng.

– Cháu sẽ đi với bác… Trong sở của cháu có nhiều nhân viên gốc gác ở trên đảo vì vậy mà họ biết nhiều chuyện lắm. Có thể cha mẹ hay ông bà của họ biết rõ câu chuyện của ba anh Chương…

Nhìn con trai giây lát rồi Thiên Hằng quay sang cười nói với Thúy Nhi.

– Chừng nào hai đứa mới cho mẹ ẵm cháu nội đây… Lẹ lên nghen… Mẹ chưa già song cũng muốn có cháu ẵm bồng nựng nịu cho đỡ cô quạnh…

Chương mỉm cười chưa kịp trả lời, Thúy Nhi đã nói trước bằng giọng nửa đùa nữa giỡn mà còn pha trộn thêm nhiều trang trọng.

– Dạ cái đó tùy anh Chương… Cháu thì sẵn sàng bịt mắt móc túi tiền của ảnh…

Câu nói của Thúy Nhi khiến cho Thiên Hằng và Chương rũ ra cười. Trò chuyện khá lâu ba người mới đi ngủ. Liếc Chương, cô chủ nhà cười thì thầm.

– Em ngủ với mẹ anh trong phòng của em còn anh chịu khó ngủ mình ên đi… Nhớ đừng có nằm mơ khiêu vũ người đẹp áo xám của anh nghen…

Câu nói của cô làm ông lính tàu ngầm bật cười hắc hắc. Hôn phớt lên tóc cô chủ nhà, ông lính nói nhỏ.

– Khiêu vũ với cô chủ hãng tình hơn vì được cổ ép ăn và ép yêu nữa…

Nghe được lời đối đáp của hai trẻ, Thiên Hằng mỉm cười. Từng yêu thương và sầu khổ bởi tình yêu nên bà thông cảm và vui mừng cho con trai đã tìm được tình yêu và hạnh phúc.

*****

Hối hả bước ra cửa, Jack nhảy lên chiếc jeep không cần tài xế. Năm phút sau xe ngừng nơi cổng của căn cứ quan trọng và cần thiết nhất của hải quân ở đảo Phú Quốc. Người lính gác giơ tay chào và vị tư lệnh chào trả trong lúc chân không ngừng bước trên lối đi dẫn vào ngôi nhà cao và rộng nằm sát bãi biển. Đó là cái ụ mà chiếc Hải Mã đang nằm chờ bảo trì, sửa chữa và tân trang một vài thứ đồ chơi mới ít có ai nghe biết trừ những yếu nhân của hải quân và bộ tư lệnh tàu ngầm.

Thầy Thăng vui vẻ bắt tay Jack còn Chương với Thiện cũng chào kính vị tư lệnh của mình.

– Tới đâu rồi Thầy Thăng?

Jack hỏi vị kỹ sư trưởng của hải quân công xưởng. Đưa tay chỉ chiếc 66 đang nằm trên giàn, Thăng cười vui vẻ trả lời Jack mà cũng để cho Chương và Thiện nghe.

– Đã sơn lớp thứ ba rồi. Nhân viên của tôi cũng bắt đầu lắp ráp hệ thống thủy âm định vị thụ động mới nhất mà ta có thể mua được. Hệ thống này có khả năng nghe được tiếng động của bất cứ chiếc tàu ngầm nào trên thế giới xa cách nó 500 hải lý. Kilo, Scorpiene, Dolphin, Virginia gì nó cũng nghe hết ráo. Tôi cũng sẽ cho nhân viên dùng X-Ray kiểm soát lại các mối hàn, đinh, ốc, tán và vách tàu đồng thời sử dụng giàn máy mới để thử sức chịu đựng của chiếc 66. Nếu vượt qua cuộc trắc nghiệm thì nó có sức lặn sâu 700 mét thay vì 650 mét. Tôi cũng sẽ lắp thêm cho nó một hệ thống AIP nữa. Nếu hệ thống này hoàn thành thì chiếc 66 có thể ở lì dưới nước hai tháng rưởi…

Thiện thấy hạm trưởng của mình sáng mắt lên rồi nở nụ cười thích thú và mãn nguyện. Đối với loại tàu ngầm thông thường thì ở lì dưới nước hai tháng rưởi là một chuyện khó tin. Nếu chiếc 66 mà lặn sâu 700 mét và ở lì hai tháng rưởi thì nó biến thành vô hình đối với tất cả mọi loại tàu ngầm và tàu nổi của hải quân các nước trong vùng kể cả ba nước có chiến hạm tân tiến nhất là Trung Cộng, Nhật Bản và Ấn Độ. Chỉ có loại tàu ngầm nguyên tử tối tân của hải quân Hoa Kỳ, Nga Sô hay Anh Quốc mới có đủ sức tìm ra nó. Giọng nói của Thầy Thăng vang lên bên tai.

– Quý vị chắc có nghe nói tới Nano-tech cloaking devicesAcoustic cloak devices?

Jack, Chương và Thiện chầm chậm gật đầu. Thăng mỉm cười tiếp.

– Phòng kỹ thuật của tôi đang thử nó vào chiếc 66. Nếu thử nghiệm này thành công thì không có loại máy thủy âm định vị nào có thể tìm ra nó…

Thầy Thăng đưa tay sờ lên lớp sơn đen phủ lên thân chiếc 66 dài từ đầu tới đuôi. Ba sĩ quan hải quân nhận thấy cử chỉ của ông ta đầy vẻ nâng niu và quí trọng.

– Ngoài chuyện dẫn sóng phát ra từ máy thủy âm định vị chủ động chạy vòng vòng để biến chiếc 66 thành ra vô hình, lớp sơn ” metamaterial ” này còn ngăn tiếng động của tàu không thoát ra được khiến cho các máy thủy âm định vị thụ động cũng điếc luôn…

Thiện bật lên tiếng cười thích thú khi nghe mấy tiếng ” cũng điếc luôn ” của Thầy Thăng. Nhìn Chương, vị kỹ sư trưởng cười đùa.

– Như vậy sonar của tàu địch chỉ còn lắng nghe được tiếng chân vịt quay trong nước thôi. Cái đó thì hạm trưởng phải lo…

Gật gật đầu, Chương cười thốt.

– Bao nhiêu đó quá đủ cho tụi này rồi… Tôi biết thầy và các ông kỹ sư khác phải lao tâm khổ trí để làm việc này…

Thầy Thăng cười cười.

– Cũng nhờ các ý tưởng mới mẻ của các khoa học gia trên thế giới nên tôi và các cộng sự viên mới tìm tòi và sáng chế ra theo cách của mình. Đúng ra cũng nhờ chính phủ chịu bỏ tiền ra cho tụi này học hỏi và nghiên cứu…

– Thầy tính sơn mấy nước?

Jack hỏi gọn và Thăng trả lời cũng gọn.

– Ba… Tôi chỉ đủ vật liệu chế ra chất metamaterial rồi pha trộn với loại nước sơn đặc biệt để phủ ba lớp thôi…

Khẽ gật đầu, Jack nháy mắt ra hiệu cho Chương với Thiện đoạn bắt tay từ giã Thăng. Ngồi vào ghế xe jeep do Jack lái, Chương lên tiếng.

– Tư lệnh nghĩ sao?

– Tôi tin ổng làm được. Sau khi ổng sơn, lắp ráp các máy móc và dụng cụ mới thì tới phiên mình thử nghiệm coi kết quả như thế nào rồi hai ông sẽ đi tìm chiếc Thượng Hải…

Chương quay nhìn Thiện đang ngồi ở băng sau trong lúc giọng của Jack vang đều đều bên tai hai người.

– Hai ông lo tìm hiểu về chiếc Thượng Hải đi… Trong chiến dịch Hoàng Sa sắp khai mở thì hạm đội tàu ngầm của mình có trách nhiệm làm tê liệt hai chiếc hàng không mẫu hạm của hạm đội Nam Hải là Liêu Ninh và Thượng Hải. Để nó nghênh ngang trên Biển Việt Nam tôi xốn con mắt lắm…

Nói xong Jack bật cười hà hà. Thiện cũng bật lên tiếng cười đùa.

– Chà… Chắc bị cô Yến Vi kèm sát nút nên lúc này tư lệnh nói tiếng Việt hết có ba rọi rồi…

Hiểu ý Thiện, Jack lại cười lớn.

– Tôi bị Yến Vi kèm sát nút nên đứa thôi nôi đứa lôi đầy tháng…

– Cô Yến Vi có bầu nữa hả tư lệnh?

Chương hỏi. Quẹo xe vào bộ tư lệnh tàu ngầm Jack trả lời một câu mà nghe xong Chương với Thiện đều bật cười.

– Ừa… Sau đứa này bả sẽ dẫn tôi đi thiến. Bả nói ba đứa đủ rồi…

Ngừng lại giây lát anh mới lên tiếng tiếp.

– Chương cũng nên huấn luyện cho Thiện thành hạm trưởng đi là vừa. Sau chuyến công tác này ông sẽ lên bờ…

– Tư lệnh…

Chương kêu nhỏ như ngạc nhiên về quyết định của cấp chỉ huy. Hiểu ý, Jack quay qua nhìn.

– Đây là lệnh của ông Kiếm chứ không phải của tôi. Ổng nói ông sắp lên đại tá nên không thể giữ chức hạm trưởng tàu ngầm nữa. Đúng ra ông được mang đại tá vì theo lệnh của chính phủ thì bất cứ quân nhân nào tham gia chiến dịch Hẹn Nhau ở Sài Gòn sẽ được đặc cách lên một bậc. Nhưng vì ông mới được đặc cách trung tá chưa đầy hai năm nên bộ tư lệnh neo lại cho tới năm 2045. Còn hạm trưởng tàu nổi thì ổng có đủ rồi. Bởi vậy ổng mới bảo tôi cho ông giữ chức vụ mới hợp với khả năng và ngành nghề của ông hơn…

– Chức vụ gì thưa tư lệnh?

– Giám Đốc Phòng Nghiên Cứu – Sáng Chế – Phát Triển Tàu Ngầm. Phòng này là một chi nhánh của Research & Development Center thuộc bộ tư lệnh hải quân…

Jack cười khi nghe tiếng thở dài của Chương.

– Rán đi… Thời gian đầu ông sẽ cảm thấy khó chịu nhưng riết rồi cũng quen. Ông sắp lập gia đình thì nên ở gần vợ con. Cô Thúy Nhi chắc mừng lắm… Tuy cô không nói với tôi nhưng nghe lóm chuyện giữa Yến Vi và Thúy Nhi thì tôi biết cái mong ước của cô…

Cười cười nhìn Chương, Thiện đùa một câu.

– Chắc tôi phải mua quà cưới đặc biệt tặng cho cô Thúy Nhi vì nhờ cô mà tôi mới được làm hạm trưởng…

Jack bật cười ha hả. Còn Chương cũng bật lên tiếng cười dù có chút gì gượng gạo.

71.

01-03-2044. 04:00 giờ. Dân đánh cá dọc theo bờ biển của Thanh Hóa như Sầm Sơn, Lạch Trào, Lạch Trường, Lạch Ghép, Tỉnh Gia vừa đưa thuyền ra khơi định đánh cá phải dội ngược trở lại vì thấy hàng trăm chiếc tàu lạ hoắc lù lù tiến vào bờ. Nhìn hình dáng, súng ống chĩa ra và nước sơn họ biết là tàu chiến song không phải chiến hạm có giăng cờ nền vàng với ngôi sao đỏ như họ thường thấy. Hàng trăm tàu lớn nhỏ xếp hàng dọc dài mấy chục cây số lừ lừ tiến vào bờ.

Nghe loa phóng thanh báo tàu sắp ủi bãi, đại tá Trương, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến leo lên chiếc xe jeep do hạ sĩ Thinh cầm tay lái. Ngồi băng sau là đại úy Mai, sĩ quan truyền tin và liên lạc đang cắm đầu vào tấm bản đồ hành quân của tỉnh Thanh Hóa. Nguyên lữ đoàn với quân số 3000 người; gồm 3 tiểu đoàn tác chiến, 1 đại đội tác chiến điện tử với các loại đại bác 130 ly, 105 ly và giàn hỏa tiễn chống máy bay và cuối cùng một chi đoàn chiến xa có 12 chiếc lội nước. Với hỏa lực hùng hậu, được huấn luyện thuần thục cộng thêm tinh thần binh sĩ cao, chiến đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân lực Việt Nam. Đó cũng là lý do lữ đoàn 1 được tàu chiến đổ lên tỉnh Thanh Hóa và sau đó tiến chiếm đèo Tam Điệp, vị trí hiểm nhất của chiến dịch Ngóng Về Hà Nội- Giai Đoạn Bắc Tiến 1. Lữ đoàn 1 sẽ được đổ lên bờ biển thuộc huyện Hoằng Hóa nằm giữa hai cửa Lạch Trào và Lạch Trường xong chia làm 3 cánh quân. Tiểu đoàn 1 với bộ chỉ huy lữ đoàn tiến lên khi đụng quốc lộ 1 rồi theo quốc lộ này về Hà Trung. Tiểu đoàn 2 đánh Bút Sơn rồi sau đó noi theo đường nhỏ về Hà Trung. Hai tiểu đoàn 1 và 2 sẽ tấn công và Bỉm Sơn để lấy đường về đèo Tam Điệp và trấn giữ ở đó. Tiểu đoàn 3 tiến đánh Hậu Lộc đoạn tiến về Nga Sơn.

Được tàu đổ lên Sầm Sơn, lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến với ba tiểu đoàn đầy đủ tăng pháo bắt đường 47 có nhiệm vụ đánh vào thành phố Thanh Hóa. Trong lúc đó sư đoàn 307 dưới quyền điều động của chuẩn tướng Thiện được hàng trăm tàu đổ bộ lớn nhỏ chở vào bờ biển của hai quận Quảng Xương và Tỉnh Gia rồi bắt quốc lộ 1 tấn công Thanh Hóa, nơi đặt bộ tư lệnh của quân khu 3. Cùng lúc đó, sư đoàn 2 cũng vượt vỉ tuyến 17, đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn 968 từ Quảng Trị rút về đóng ở Quảng Bình. Sư đoàn 11 của chuẩn tướng Thạnh, được tăng phái cho quân đoàn 1 cùng với bộ tư lệnh quân đoàn của tướng Long được chia làm bốn cánh quân đổ lên các vị trí của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh. Với ba trung đoàn chủ lực và hai lữ đoàn đặc nhiệm là 172 biệt động đội và 304 nhảy dù, sư đoàn 11 là sư đoàn có quân số đông nhất trong quân lực nước Việt Nam.

Sau khi lên bãi ở Cửa Lò, tướng Long được tướng Thạnh báo lữ đoàn 172 đã chiếm được Diễn Châu, còn lữ đoàn Dù đang tấn công vào thị trấn Quán Hành để mở đường về Vinh. Sau khi bình định Vinh xong, hai lữ đoàn Biệt Động và Dù cộng thêm trung đoàn 1 của sư đoàn 11 sẽ càn quét khu vực nằm giữa hai con đường 7 và 15 trong đó có thị trấn Đô Lương, nơi đặt bộ chỉ huy của sư đoàn 324 thuộc quân khu 4 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bộ tham mưu của tướng Long tiên đoán sẽ có nhiều trận đánh đẫm máu giữa các đơn vị tinh nhuệ thuộc sư đoàn 324 với lực lượng Bắc Tiến của quân lực Việt Nam. Tuy nhiên điều đó còn tùy thuộc vào suy nghĩ của các sĩ quan chỉ huy sư đoàn 324. Các phi đoàn phản lực cơ chiến đấu và oanh tạc ở Đà Nẳng chờ lệnh để san bằng các cứ điểm của phe bên kia nếu bộ binh yêu cầu.

*****

Sau cuộc điện đàm kéo dài chừng năm phút với trung tướng Nguyễn Long, tư lệnh quân đoàn 1 kiêm tư lệnh chiến dịch Ngóng Về Hà Nội- Giai Đoạn Bắc Tiến 1; trung tướng Nam nói cho các quân nhân các cấp thuộc bộ tham mưu liên quân là các đơn vị của tướng Long đã kiểm soát hết bốn tỉnh của miền bắc trung phần. Đèo Tam Điệp đã được lữ đoàn 1 đóng chốt tử thủ. Các đơn vị của ba sư đoàn bộ chiến thuộc quân khu 4, lớp buông súng lớp tháo chạy về bắc. Tin mừng được thông báo trên đài phát thanh, truyền hình và báo chí. Quân dân của nước Việt Nam tự do dân chủ háo hức chờ đợi cuộc bắc tiến để thống nhất đất nước. Tuy nhiên các vị yếu nhân thuộc chính phủ và quân đội lại hồi hộp chờ đợi cuộc tấn công của Trung Cộng vào miền bắc Việt Nam và quần đảo Trường Sa. Các đơn vị chủ lực của bộ binh, không quân và hải quân đang trấn giữ đất nước âm thầm và ráo riết sửa soạn đón đánh kẻ xâm lăng từ phương bắc tràn xuống. Chiến tranh dù chưa thực sự nổ bùng song cũng thấy được xuyên qua lời kêu gọi tình nguyện tòng quân của chính phủ. Thanh niên tuổi từ 18 tới 30 hăng hái đi lính để bảo vệ dân tộc và tổ quốc trước họa xâm lăng từ kẻ láng giềng phương bắc.

HẾT

 

* Truyện dài Giấc Mộng Việt Nam chấm dứt ở đây. Muốn biết cuộc chiến chống xâm lăng của Trung Cộng vào miền bắc của quân lực Việt Nam tự do dân chủ cũng như hải quân sẽ làm gì để bảo vệ quần đảo Trường Sa và tái chiếm Hoàng Sa; kính mời quý vị đọc tiếp truyện dài BÃO NGẦM sẽ được đăng vào năm 2016.

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

  1. Mặc dù chỉ là tiểu thuyết nhưng cách chú dẫn người đọc vào truyện rất hay: chỉ từ 1 đô cho Phú Quốc…
    Mong được đọc tiếp những chương tiếp theo của phần 4 này. Chúc chú nhiều sức khỏe và tiếp tục sáng tác những quyển truyện hay như thế này.
    Trước đây, tình cờ biết được trang https://sites.google.com/site/chusalancom/home này, có nhiều truyện võ hiệp như Giang Hồ Kỳ Hiệp, Sát Đát Nhân, Thanh Kiếm Quy Hương, Thu Phong Quảy Kiếm và các truyện dài như Buông theo giọt buồn, Thời Của Giòi Bọ, Viên Đạn Thù Chủ Nghĩa chưa đăng hết. Nếu có thể xin chú đăng tiếp những truyện này được không? Xin cảm ơn chú chusalan nhiều lắm.

Comments are closed.