GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

64.

Trung tá Phùng là người thứ ba nhảy ra khỏi lòng chiếc C130. Ông ta cùng với bộ chỉ huy và tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn đặc nhiệm nhảy dù xuống khu vực núi Tà Lương thuộc tỉnh Khánh Hòa vào một đêm tối trời. Ngọn núi này cao hơn 700 mét nằm cách Cam Ranh chừng 15 cây số. Tuy không cách xa Cam Ranh lắm song vì núi khá cao và cây cối rậm rạp nên vùng đất bao chung quanh chân núi vẫn không có đông dân cư ngụ. Theo kế hoạch hành quân đã được phác họa thì trung tá Phùng với bộ chỉ huy lữ đoàn cùng với tiểu đoàn 1 của thiếu tá Tài nhảy dù xuống núi Tà Lương để từ đó bất thần đột kích vào căn cứ Cam Ranh. Trong lúc đó, trung tá Anh, lữ đoàn phó sẽ chỉ huy tiểu đoàn 2 của thiếu tá Chiếm, bí mật nhảy dù xuống vùng đất của sông Cái thuộc quận Diên Khánh để từ đó đánh lấy Nha Trang đồng thời yểm trợ cho tiểu đoàn 1 và có thể tiến đánh căn cứ Cam Ranh nếu cần. Còn thiếu tá Bình, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 với toàn bộ tiểu đoàn hơn 800 lính sẽ nhảy xuống vùng Suối Vang, Suối Đá và Suối Giếng thuộc tỉnh Ninh Thuận nằm kế bên quốc lộ 1. Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ khóa cứng đường tiếp viện quân của địch từ Phan Rang ra giải vây cho Cam Ranh.

Trải tấm bản đồ rộng ra trên đất, chỉ tay vào một điạ điểm được khoanh tròn màu đỏ, trung tá Phùng hỏi trung úy Hiển ở trong bộ chỉ huy của mình.

– Mình đang ở đây phải không em?

Gốc gác ở Nha Trang, gia nhập quân lực năm 2037 cho nên Hiển vẫn còn nhớ khá nhiều về tỉnh Khánh Hòa.

– Dạ… Mình đang ở dưới chân núi Tà Lương, cách Cam Ranh độ mười hai cây số…

Khẽ gật đầu, Phùng hỏi tiếp.

– Mình đi đường nào về Cam Ranh gần nhất?

– Thưa trung tá… Mình phải đi Tân Hiệp rồi bắt đường 654 về Cam Ranh. Mình có thể đi bằng hai cách xe lửa hoặc xe hơi…

Gật đầu, Phùng quay qua nói với đại úy Tài, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1.

– Vụ đánh căn cứ tôi giao cho anh… Tôi với bộ chỉ huy sẽ đi sau. tụi này sẽ đánh thị xã…

Lãnh lệnh, Tài quây bốn đại đội trưởng lại.

– Hành dẫn thằng 1 tới ga Tân Hiệp trước nhất. Tôi nghĩ mình đón xe lửa về Ba Ngòi tiện lợi và kín đáo hơn là xe đò…

Đại úy Miện, tiểu đoàn phó phụ họa.

– Ông nói đúng… Để tôi chỉ huy thằng 1 và 2 tới Tân Hiệp chiếm lấy một chiếc tàu hỏa chở hết tiểu đoàn về Ba Ngòi…

Tài cười nói với Miện.

– Ông Phùng với bộ chỉ huy lữ đoàn lãnh vụ đánh chiếm thị xã. Phần tiểu đoàn của mình sẽ đánh căn cứ Cam Ranh…

Nghe câu nói của cấp chỉ huy, đại úy Miên cười hè hè.

– Đánh thì mình đánh được, chỉ sợ ít quân quá mình khó mà giữ lâu…

Bấm đèn pin soi rõ bán đảo Cam Ranh giây lát, thiếu tá Tài mới lên tiếng.

– Bên hải quân cũng sẽ cho lính hải kích của họ đánh chiếm căn cứ hải quân. Không quân cũng sẽ thả dù hoặc trực thăng vận lính nhảy dù xuống để tấn công phi trường. Phần mình lo bộ chỉ huy căn cứ thôi… Tiểu đoàn mình mà lấy được căn cứ Cam Ranh là tướng Khải mua bia cho mình nhậu…

Cười hà hà Miên kéo lính đi riết tới ga xe lửa Tân Hiệp. Trung úy Chấn, đại đội trưởng đại đội 1 dẫn đại đội với trung đội 2 của thiếu úy Nghĩa đi đầu. Nửa đêm họ thấy đèn cháy mập mờ soi rõ những chiế. Lính ập vào không gặp sự chống đối nào của nhân viên hỏa xa. Chốc sau chiếc xe lửa hú còi xuôi nam mang theo bộ chỉ huy lữ đoàn đặc nhiệm và một tiểu đoàn xung kích có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Cam Ranh.

*****

Biển Đông. Đâu đó trong vùng hải phận Việt Nam.

350 mét sâu. Chiếc VNN66 Hải Mã lặng lẽ trườn mình trong lòng nước biển đen thẳm. Đèn của phòng chỉ huy sáng rực màu xanh. Âm thanh của máy móc phát ra từ phòng hải hành, phòng kiểm soát với điều khiển vũ khí và phòng thủy âm định vị nghe mơ hồ như tiếng rì rầm của gió nhẹ.

– Nó đâu rồi?

Vừa bước vào phòng chỉ huy Chương lên tiếng hỏi liền. Thiếu tá Thiện, hạm phó trả lời thay cho Hạnh, sĩ quan đương phiên.

– Đang từ đông nam ngược lên tây bắc… Tôi nghĩ nó chuẩn bị vào bờ… Hạm trưởng có ý kiến gì không?

Ở trong tàu có hơn 55 thủy thủ, chỉ có Thiện là người duy nhất nói chuyện với hạm trưởng mà ít khi có tiếng ” trình ” hoặc ” thưa ”. Tất cả thủy thủ đoàn không kể cấp bậc và chức vụ theo thói quen và quân kỹ đều mở đầu câu nói bằng tiếng thưa hay trình. Bước tới đứng ngay màn hình của giàn máy thủy âm định vị thụ động mà thượng sĩ Đan đang ngồi, Chương lên tiếng.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Vị hạ sĩ quan giỏi nhất của tàu về chuyện dò tìm tàu địch ứng tiếng liền.

– HQ 263… vận tốc 6… khoảng cách 2 hải lý… hướng tây bắc 270…

Khẽ gật gù tỏ vẻ bằng lòng, vị hạm trưởng chiếc tàu ngầm nổi tiếng của hạm đội quay qua cười nói với Thiện.

– Tôi cũng đoán nó sẽ trở về Cam Ranh… Bám theo nó sát nút thì mình sẽ vào trong vịnh dễ hơn…

Thiện gật đầu chưa kịp lên tiếng, Chương tiếp liền.

– Mình lặn sâu mà chạy song song với nó ở trên đầu thì…

Nghe tới đó Thiện sáng mắt như hiểu ý của cấp chỉ huy. Quay qua Hạnh, anh ra lệnh gọn.

– 66… hướng tây bắc 270… vận tốc 10…

Tuân theo lệnh hạm phó, vị sĩ quan đương phiên cho thủy thủ của phòng hải hành tăng tốc độ để bắt kịp chiếc tuần duyên hạm của hải quân vùng 4 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có căn cứ đóng tại Cam Ranh. HQ263 là loại tàu tuần duyên do Nga Sô đóng, có vận tốc nhanh gấp hai lần so với chiếc 66. Tuy nhiên đang đảm đương nhiệm vụ tuần tiễu trong vùng hải phận 12 hải lý của mình nên chỉ chạy chậm  vì vậy mà chiếc tàu ngầm mới bắt kịp nó. Dù sao cũng phải mất hơn giờ chiếc 66 mới bắt kịp rồi giảm  tôc độ  chạy song song với tàu địch ở độ sâu 350 mét. Đèn đỏ cháy lên báo hiệu nhiệm sở tác chiến. Tất cả thủy thủ đoàn đều ngồi vào vị trí của mình. Phòng chỉ huy đều đủ mặt từ hạm trưởng cho tới người lính lái tàu. Trung úy Biên, toán trưởng toán hải kích cũng có mặt.

– Thủy âm định vị báo cáo?

Giọng của vị hạm trưởng vang lên.

– 263… vận tốc 4… khoảng cách 0… hướng tây bắc 195…

Chương quay nhìn Thiện. Anh bắt gặp vị hạm phó cũng đang nhìn mình.

– Sắp vào bờ nên nó giảm tốc độ…

Thiện nói trổng. Chương gật đầu im lặng. Mấy lúc gần đây như để chuẩn bị cho vị hạm phó của mình lên thay thế hoặc đi làm hạm trưởng một tàu khác, Chương thường giao quyền chỉ huy lại cho Thiện. Khi nào cần kíp hoặc khẩn cấp thì anh mới có mặt ở phòng chỉ huy để điều khiển.

– Còn bao xa mới tới bờ?

Chương lên tiếng hỏi trong lúc bước tới bàn làm việc của Toàn, lúc đó đang là sĩ quan đương phiên.

– Thưa hạm trưởng… 6 hải lý…

Khẽ gật gật đầu, Chương ra lệnh gọn.

– 66… 200 mét sâu…

Hướng về phòng hải hành, Toàn lập lại lệnh của hạm trưởng. Thượng sĩ Minh, sĩ quan điều khiển cho tàu lặn xuống hoặc nổi lên lập lại hai lần lệnh trên cho nhân viên của mình nghe. Sở dĩ ông ta phải lập lại hai lần cốt ý cho nhân viên nghe rõ để thi hành đúng lệnh. Sau khi nhân viên của phòng lặn làm xong cũng phải lập lại hai lần để chứng tỏ mình đã thi hành đúng theo lệnh của hạm trưởng. Chiếc 66 từ từ nổi lên ở độ sâu 200 trong lúc vẫn giữ nguyên tốc độ 8 knots để chạy song song với chiếc HQ263. Đang ngồi trên ghế Chương chợt lên tiếng.

– Độ sâu của biển?

Hạ sĩ nhất Bền, nhân viên phụ trách máy đo độ sâu của biển lên tiếng liền.

– 310 mét thưa hạm trưởng…

Rời ghế Chương bước tới màn hình đang hiện lên bản đồ đo độ sâu của Biển Đông. Anh nhìn chăm chú vào vùng biển nằm giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hoà. Độ sâu của nước của Biển Đông thuộc duyên hải Việt Nam có bốn độ sâu khác nhau. Độ sâu nhất là vùng biển xa ngoài khơi giáp với quần đảo Trường Sa có độ sâu trung bình từ 1 cây số cho tới hai cây số và có thể sâu hơn nữa tuỳ theo chỗ lồi lõm của đáy biển. Độ sâu thứ nhì khoảng ngàn thước. Độ sâu thứ ba chừng 500 mét và độ sâu thứ tư đang từ 500 mét bỗng đổi sang đột ngột chừng 150 mét. Tàu ngầm di chuyển trong vùng biển ven bờ nếu không cẩn thận sẽ bị đụng đá ngầm hoặc chạm đáy biển.

– 66… 150 mét… 66… 150 mét…

Tuân lệnh hạm trưởng chiếc 66 từ từ nổi lên ở độ sâu 150 mét và giữ tốc độ 4 knots để chạy song song với chiếc tàu tuần đi vào cảng Cam Ranh. Chiếc 263 vô tình hoặc có thể hệ thống thủy âm  định vị  không tìm ra  dưới nước sâu có chiếc tàu ngầm của địch đang bám theo mình, lợi dụng những tiếng động do mình phát ra để không bị hệ thống dò tìm của các tàu tuần quanh vịnh phát giác. Càng vào gần tới bờ chiếc HQ263 giảm dần tốc độ xuống còn 3 knots. Điều này rất có lợi cho chiếc 66 vì càng chạy chậm nó càng ít gây ra tiếng động lớn để không lo sợ bị phát giác bởi hệ thống thuỷ âm định vị của tàu địch.

Ba sĩ quan cao cấp nhất ở trong phòng chỉ huy của chiếc 66 là Chương, Thiện và Toàn đóng đinh con mắt của họ vào màn hình chỉ độ sâu. Càng gần vào tới thuỷ lộ để vào quân cảng Cam Ranh thì độ sâu càng giảm dần dần. Giơ tay lên chi vào số 77 trên bản đồ Chương nói với Toàn.

– Mình ngủ ở đây tiện nhất… Chờ chiếc 44 tới tháp tùng với mình đi vào trong vịnh…

Tuân lệnh hạm trưởng, Hạnh lúc này đang làm sĩ quan đương phiên ra lệnh cho tàu bình quân rồi chầm chậm nằm xuống đáy biển. Tất cả thuỷ thủ được lệnh hạn chế đi lại cũng như không được làm ồn và nghỉ ngơi tại vị trí tác chiến của mình.

65.

Trung tá Chính được lính trực đánh thức dậy lúc 04:30. Ông ta có nửa giờ để sửa soạn. Đúng 05:00, xốc lại khẩu Colt45 bên hông, đội lên đầu cái nón sắt, vị trung đoàn trưởng trung đoàn 2 của sư đoàn 11 leo lên chiếc xe jeep đang nổ máy bật đèn pha sáng quắc. Thượng sĩ Hà, ngồi ở ghế sau vỗ nhẹ lên vai hạ sĩ Bùng, tài xế cùng với câu nói thật gọn có hai tiếng.

– Đi em…

Chiếc xe jeep lăn bánh bắt đầu cuộc tiến chiếm vùng cao nguyên của sư đoàn 11 với hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc trong đó có ba thành phố quan trọng Bảo Lộc, Đà Lạt và Ban Mê Thuộc. Cũng đúng 05:00 giờ, đại tá Thạnh và toàn bộ tư lệnh của ông ta ở Long Khánh cũng di chuyển, trong lúc hai trung đoàn 1 và 3 với lữ đoàn Biệt Động Đội tuân theo đúng kế hoạch hành quân rời địa điểm đóng quân đi sau trung đoàn 2 của trung tá Chính.

33 tuổi. Vốn con nhà khá giả ở Long An, Hào được cha mẹ cho đi học đàng hoàng. Đậu tú tài anh thi vào đại học kinh tế để có thể sau này thay thế cha già trông coi cái xí nghiệp của gia đình. Tuy nhiên sau ba năm vật lộn với con chữ, Hào mới khám phá ra kinh doanh hoặc mua bán không hợp với bản tính của một thanh niên thích sôi động như mình. Thế là cãi lời cha, bỏ ngoài tai lời khuyên của mẹ, anh tình nguyện gia nhập Trường Sĩ Quan Lục Quân 2 đóng tại căn cứ Nước Trong quận Long Thành. Sau khi tốt nghiệp anh được thuyên chuyển về tiểu đoàn 3, trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 315. Đời binh nghiệp trong thời bình của anh tuy có chút sôi động song chưa thỏa mãn được tính hiếu động và ưa thích nguy hiểm của anh. Chiến tranh cục bộ nổ ra đúng như mong đợi của Hào, bây giờ mang cấp bậc đại úy và chức vụ đại đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn 3, trung đoàn 2, sư đoàn 315. Dù là sĩ quan tài giỏi song đơn vị của anh cũng phải lùi và lùi trước sức tấn công mạnh mẽ của một quân đội trên cơ mình về tinh thần chiến đấu, kinh nghiệm chiến trường và vũ khí tối tân. Cuối cùng từ đơn vị nhỏ tới lớn phải tan hàng kéo theo sự xụp đổ của quân khu 7. Không còn là người lính của quân đội nhân dân, sau khi trình diện chính phủ mới, anh được phép trở về nhà ăn bám cha mẹ. Đùng một cái, qua thông cáo trên đài truyền hình và đài phát thanh, Hào được biết tin chính phủ mới sẽ tuyển mộ các cựu quân nhân để thành lập sư đoàn 11 dưới quyền chỉ huy của đại tá Thạnh, tư lệnh phó quân khu 7. Thế là Hào lại lần nữa gia nhập vào quân ngũ. Do ở sự hiểu biết và cũng muốn được sự ủng hộ của quân nhân các cấp, anh được giữ nguyên cấp bậc và chức vụ cũ khi đầu vào quân lực nước Việt Nam tự do và dân chủ. Anh cũng được cấp chỉ huy giải thích rõ ràng về nhiệm vụ và mục tiêu của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn với giai đoạn 3 Ra Trung. Đơn vị của anh sẽ là mũi tiến công đầu và anh sẽ là người lính đặt chân lên Ban Mê Thuộc trước nhất.

Đoàn công voa chở tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2 dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Ân được đổ xuống một vị trí nằm trên quốc lộ 20 cách thị xã Bảo Lộc chừng 20 cây số.

– Hào Hiệp đây An Dân… Hào Hiệp đây An Dân… nge rõ trả lời…

Hào Hiệp là danh hiệu truyền tinh của đại úy Hào, đại đội trưởng đại đội 2, còn An Dân là của thiếu tá Ân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1. Biết tiểu đoàn trưởng muốn nói chuyện với đại đội trưởng của mình, hạ sĩ Bình, mang máy truyền tin bèn đưa ống liên hợp cho cấp chỉ huy.

– An Dân… An Dân… Hào Hiệp tôi nghe…

– Tôi cho anh cái vinh dự là người đầu tiên của sư đoàn 11 được ngồi uống cà phê ở Bảo Lộc. Anh ráng đánh cho đẹp nghen…

Hào bật cười vì cái giọng Sài Gòn của tiểu đoàn trưởng.

– Dạ… Tiểu đoàn trưởng đừng có lo… Tôi đang dẫn lính chạy bộ vào Bảo Lộc đây… Bảo đảm với tiểu đoàn trưởng là chiều tối hôm nay tiểu đoàn mình sẽ nhậu lai rai ở Bảo Lộc…

– Tốt… Nếu đụng nặng thì anh báo cho tôi biết…

Đưa máy lại cho Bình, Hào ra lệnh cho trung đội 3 di chuyển. 45 người lính kể luôn đại đội trưởng theo riết hai trung đội 1 và 2 lội một mạch tới trưa mới dừng lại ăn cơm và nghỉ ngơi. Cơm nước xong Hào quây ba trung đội trưởng lại.

– Mình chia làm ba cánh đi vào Bảo Lộc. Ông Bền dẫn trung đội 1 đánh mặt bắc. Ông Thân dẫn thằng 2 theo đường 20 đi vào. Còn ông Mành dẫn trung đội của ông kiếm đường đánh vào mặt tây…

Ba trung đội trưỡng lãnh lệnh kéo lính đi. 15:30 giờ. Dân chúng ở trong thị xã chợt nghe súng nổ, đủ mọi loại súng nổ rồi từ ba hướng khác nhau nhiều người lính lạ ào ào tiến vào. Lính phòng thủ của thị xã cố gắng chống cự song vì quân số ít và tinh thần chiến đấu suy giảm nên bị địch quân tràn ngập sau nửa giờ giao tranh. 18:00 giờ. Ngồi trên xe jeep đi vào thị xã Bảo Lộc, trung tá Chính được báo cáo hai tiểu đoàn 1 và 3 dưới sự yểm trợ của pháo binh và xe tăng đã đụng nặng với một đơn vị thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng có căn cứ đóng tại Di Linh. Hai tiểu đoàn 1 và 3 có nhiệm vụ mở đường để cho trung đoàn 1 và trung đoàn 3 với lữ đoàn biệt động đội noi theo quốc lộ 28 để tiến đánh Ban Mê Thuột. Nếu hai tiểu đoàn này bị địch chận cứng ở lộ 28 cuộc hành quân sẽ bị chậm trễ. Không kịp ghé quán cà phê uống ly nước giải lao, trung tá Chính bảo tài xế quày xe jeep trở ra quốc lộ 20 trong lúc lưu tiểu đoàn 2 giữ Bảo Lộc. 18:00 giờ. Trung tá Chính với bộ chỉ huy trung đoàn có mặt ở Di Linh. Nghe hai tiểu đoàn trưởng báo cáo tình hình, vị trung đoàn trưởng ngồi xe jeep quan sát trận địa xong điện về bộ tư lệnh sư đoàn xin pháo binh bắn hủy diệt mục tiêu đoạn ra lệnh cho hai tiểu đoàn tấn công. Thằng 1 xấn vào bên phải, còn thằng 3 ập vào bên trái trong lúc hai chiếc xe tăng tấn công thẳng vào chính diện. Đại bác từ xe tăng bắn ra nổ ầm ầm. Súng của hai bên nổ suốt đêm tới gần bốn giờ sáng mới ngưng. Địch quân tan hàng bỏ căn cứ rút vào rừng. Được khai thông, hai trung đoàn 1 và 3 tiếp tục theo đường 20 cho tới khi đụng quốc lộ 27 mới theo con lộ này đi lên Ban Mê Thuột. Trong lúc đó lữ đoàn biệt động đội ngồi quân xa theo quốc lộ 28 từ Di Linh lên Gia Nghĩa đoạn bắt đường 683 tiến lên Ban Mê Thuột.

*****

 

19:00 giờ. Đang ngồi im trên ghế Chương chợt lên tiếng.

– 66… 15 mét sâu… vận tốc 5…

Tuân lệnh hạm trưởng chiếc tàu ngầm từ từ nhúc nhích rồi sau đó chậm chạp nổi lên ở độ sâu 15 mét.

– 66 bình quân… 66 bình quân…

Chiếc tàu ngầm lơ lửng trong nước giây lát. Bước tới ống dòm vị hạm trưởng xoay một vòng tròn rồi dừng lại rất lâu ở không độ. Bên kia hạm phó Thiện cũng dán mắt mình vào ống tiềm vọng kính. Bẻ cái càng lại, nâng ống dòm lên cao khỏi đầu mình, Chương buông gọn một câu mà khi nghe xong tất cả thủy thủ trong phòng chỉ huy đều ngẩn ngơ. Có người đang làm việc cũng ngưng tay quay nhìn cấp chỉ huy. Hơi mỉm cười Chương lập lại lệnh của mình lần nữa.

– 66… vận tốc 5… không mét sâu…

Không mét sâu đồng nghĩa với tàu nổi lên mặt nước. Hổng lẽ hạm trưởng đùa. Hổng lẽ ông điên khùng đi vào cảng Cam Ranh bằng cách nổi lên mặt nước. Tuy nhiên lệnh là lệnh. Liếc nhanh hạm trưởng đang đứng trước tiềm vọng kính, trung úy Hạnh, sĩ quan đương phiên nói lớn.

– 66… vận tốc 5… zero mét sâu…

Chiếc Hải Mã từ 15 mét sâu chậm chạp nổi lên mặt nước. Vẫy đại úy Toàn, Chương nói nhỏ vào tai. Nghe xong Toàn cười ha hả bước tới ngăn tủ lôi ra lá cờ nền đỏ sao vàng còn mới tinh. Bây giờ thì Thiện, rồi Thâm sĩ quan vũ khí và toàn thể thủy thủ đoàn mới bật ngữa khi hiểu ra chiếc 66 sẽ treo lá cờ của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để đường hoàng đi vào cảng Cam Ranh chứ không có chịu vào một cách lén lút. Vào cảng lúc chạng vạng tối thì đâu có ai phân biệt được chiếc nào là tàu ngầm của phe địch và tàu ngầm của phe ta. Tàu tuần tiễu làm sao đủ sức nhận ra chiếc nào là Kilo và chiếc nào là tàu ngầm của hải quân Việt Nam ở Phú Quốc. Tàu tuần tiễu chỉ cần nhìn lá cờ đỏ sao vàng để phân biệt bạn hay địch mà thôi.

Chương cười cười nói với hạm phó Thiện và đại úy Toàn.

– Tụi mình lên đài quan sát hóng gió. Anh em nào không nhằm ca trực được thay phiên nhau lên để hút thuốc và uống cà phê…

Ôm lá cờ đỏ sao vàng, hạ sĩ Em được lên trước tiên vì có nhiệm vụ treo cờ. Gió biển thổi khá mạnh làm lá cờ bay phần phật. Thủy thủ đoàn đứng chật đài quan sát dùng ống dòm quan sát phong cảnh của vịnh Cam Ranh. Ai cũng thấy, chiếc 44 treo cờ đỏ sao vàng chạy sau họ chừng trăm thước. Mọi người đều nín thở khi chiếc tàu tuần chạy song song với họ rồi vượt qua mặt ra ngoài khơi.

– Anh em ráng tìm ra chỗ mấy chiếc Kilo đang cập cầu…

Chương ra lệnh cho thủy thủ đứng chen chúc trên đài quan sát. Hàng chục chiếc ống dòm rê khắp nơi như muốn xuyên thủng màn đêm. Cuối cùng có tiếng trung sĩ Bảng vang lớn.

– Thấy nó rồi… đông bắc 70 độ…

Quan sát cẩn thận Chương ra lệnh cho tàu nhắm chỗ đèn sang sáng chạy tới. Toán hải kích dưới quyền chỉ huy của trung úy Miên sẵn sàng hành động khi tàu cặp vào cầu. Mười lăm phút sau hai chiếc 44 và 66 lặng lẽ cặp vào. Chiếc 44 cặp vào bên trái còn chiếc 66 cặp vào cây cầu còn trống nằm giữa hai chiếc Kilo tắt đèn tối thui. Giơ tay xem đồng hồ, Chương nói với thủy thủ đoàn.

– Giờ hẹn với trung tá Phùng là 00:00 giờ. Mình còn đúng 1 giờ nữa…

Quay qua hạm phó Thiện, vị hạm trưởng cười tiếp.

– Ông cho thủy thủ ứng trực và canh gác cẩn thận…

Quay qua trung úy Miên, anh tiếp nhanh.

– Cách tốt nhất là trung úy cho anh em hải kích sẵn sàng tác chiến. 15 phút trước 00:00 giờ trung úy đi được rồi…

Hai chiếc tàu ngầm của hải quân Phú Quốc tắt đèn tối thui chờ tới giờ hẹn.

*****

Thiếu tá Tài giơ tay lên. Chiếc đồng hồ dạ quang của ông ta chỉ đúng 23:55 giờ. Vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 bốc máy gọi trung úy Hành chỉ huy đại đội 1 đang nằm tại Mỹ Ca. Nhận được lên nổ súng, Hành nói với thiếu ý Yên, trung đội trưởng trung đội 1 và chuẩn úy Hiền chỉ huy trung đội 2.

– Ông Yên đánh cầu bên phải còn ông Hiền dũa cây cầu bên trái. Mình phải chiếm hai cây cầu thì mới có đường qua bên kia…

Yên thúc lính men theo nhà dân tiến gần tới đầu cầu có vọng gác đèn điện cháy sáng trưng. Xuyên qua ống dòm anh thấy có người lính đi đi lại lại. Cắc… Bùm… Phát súng lệnh cũng là phát súng bắn sẻ đốn gục người lính canh. Ầm… Trái hỏa tiễn cầm tay thổi bay vọng gác.

– Xung phong…

Toán khinh binh của tiểu đội 1 ào lên… Tạch… tạch… M16 nổ dồn dập. Nguyên đại đội hơn hai trăm của Hành túa lên cầu như ong vỡ tổ. Không đầy 5 phút, những người lính đầy kinh nghiệm trận mạc của trung tá Phùng tràn ngập cứ điểm của địch. Để một tiểu đội có bố trí đại liên và hỏa tiễn cầm tay chống xe tăng giữ cầu, Hành thúc bốn trung đội của mình chạy nhanh trên cây cầu xi măng nối đất liền với bán đảo Cam Ranh. Được tin, thiếu tá Tài tức tốc kéo rốc tiểu đoàn theo sau đại đội 1 của Hành. Vừa được nửa cây cầu, anh nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú rồi căn cứ Cam Ranh bốc cháy sáng rực.

– Máy bay mình anh em ơi… F15 của mình…

Lính la rầm trời khi thấy mấy chiếc F15 đang chúc mũi xuống. Bom nổ ầm ầm. Hỏa tiễn rít gió. Được phi cơ yểm trợ, Tài mừng rỡ hét lính xung phong. Những người lính mang hai cấp số đạn cộng thêm các trang bị nặng nề cố gắng bám sát theo cấp chỉ huy. Tay cầm Colt45, tay cầm máy truyền tin cá nhân, vị tiểu đoàn trưởng có mặt với toán xung kích đầu tiên. Vượt khỏi cầu, toàn bộ tiểu đoàn 1 túa ra khắp nơi. Đích thân Tài chỉ huy đại đội 4 với bộ chỉ huy tiểu đoàn đánh thẳng vào bộ chỉ huy của căn cứ Cam Ranh. Cùng lúc đó hàng chục chiếc trực thăng vận tải xuất hiện rồi lát sau từ từ đáp xuống phi trường. Lính dù túa ra khắp nơi đánh vào các vị trí quan trọng của phi trường và căn cứ không quân. Tuy quân số không đông lắm song nhờ dựa vào các công sự phòng thủ chắc chắn được bố trí các ổ súng cộng đồng nên lính phòng thủ của địch tạm thời ngăn được làn sóng tấn công mạnh mẽ của tiểu đoàn 1. Nhận biết được điều đó, Tài lên máy đích thân nói chuyện với cấp chỉ huy xin thêm quân tiếp viện. Không còn quân nào khác hơn, trung tá Phùng bèn ra lệnh cho thiếu tá Anh, lữ đoàn phó chỉ huy hai đại đội của tiểu đoàn 2 đang đóng dọc theo quốc lộ 1 đâu đó trong vùng Cam Hải Tây về tiếp viện cho tiểu đoàn 1 của thiếu tá Tài. Nhận được lệnh, Anh sai lính kiếm xe xuôi nam.

*****

– Kế hoạch đánh chiếm bốn chiếc Kilo của chúng ta có chút thay đổi…

Chương nói với trung úy Miên, vị sĩ quan chỉ huy hai toán hải kích có nhiệm vụ tấn công căn cứ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 và bốn chiếc Kilo đang cặp cầu gần bên chiếc 44 và 66.

– Vì chiếc 44 đang cặp kế bên hai chiếc Kilo nên tôi đề nghị với trung úy là để cho toán hải kích ở trên chiếc 44 đánh chiếm hai chiếc tàu ngầm của địch trước đã. Phần ông cũng dồn hết anh em hải kích để chiếm lấy hai chiếc Kilo đang đậu ở gần mình. Sau khi chiếm được bốn chiếc tàu ngầm xong rồi anh em hải quân chúng tôi sẽ phụ anh em lính hải kích giữ tàu để cho ông kéo hết lực lượng lên tấn công bộ chỉ huy của lữ đoàn 189…

Đúng ra thì Chương không cần phải đề nghị như vậy vì anh là kẻ chỉ huy của Miên, song vì lịch sự và không muốn làm phật lòng vị trưởng toán hải kích nên mới lên tiếng nói đề nghị. Nhận thấy lời nói của Chương rất hợp lý với lại cũng biết Chương là cấp chỉ huy trong công tác này nên Miên cười hà hà thốt.

– Trung tá là sếp mà… Coi bộ ông cưng mấy chiếc Kilo nhiều à nghen…

Mọi người trong phòng chỉ huy cười song không dám cười lớn vì câu nói đùa của Miên. Thiện lên tiếng vừa đủ.

– Bạc tỉ đó ông… Mỗi chiếc Kilo giá 300 triệu thì tụi này cưng là phải rồi…

Gục gặt đầu Miên rời phòng chỉ huy đi về chỗ dành riêng cho toán hải kích để phác họa lại cách đánh chiếm hai chiếc Kilo. Phần Thiện cũng liên lạc với chiếc 44 để cho biết về lệnh mới của hạm trưởng của mình.

23:45 giờ. Chương bắt tay trung úy Miên song không nói gì hết ngay cả lời chúc may mắn thường lệ. Anh biết những người lính hải kích chuyên nghiệp như Miên lời chúc may mắn không có tác dụng gì hết. Đành rằng may mắn ở đâu cũng có và xảy ra bất cứ lúc nào, song lính hải kích tin vào chính mình hơn. Cầm tay khẩu súng lục có gắn ống hãm thanh, trung úy Miên nói gọn với toán hải kích bằng câu nói tiếng Anh. Đó là thứ ngôn ngữ mà anh thông thạo hơn.

– Let’s go…

Hai mươi bốn người lính hải kích nhanh chóng chia ra làm hai toán tìm cách lại gần hai chiếc tàu ngầm của địch. Toán 1 do thượng sĩ Ban, toán phó chỉ huy có nhiệm vụ đánh chiếm chiếc Kilo đậu bên phải, còn Miên tự mình điều động toán 2 đánh vào chiếc bên trái cùng cây cầu với chiếc 66.

Tay không vũ khí, thượng sĩ Ban chậm rãi đi tới chỗ người lính đang cầm súng gác chiếc tàu ngầm. Qua ánh đèn điện sang sáng anh thấy được lá cờ đỏ sao vàng bay nhẹ trong gió đêm. Người lính gác đầu đội nó sắt, tay cầm khẩu AK47 đi đi lại lại trên cầu tàu.

– Anh có bật lửa không anh?

Thượng sĩ Ban lên tiếng hỏi người lính gác cầu tàu. Khi còn cách người lính gác chừng hai bước, Ban đưa điếu thuốc lá lên như tỏ ý muốn hỏi lửa để đốt thuốc lá. Người lính canh hơi tỏ vẻ ngạc nhiên về sự xuất hiện bất thình lình của người lính xa lạ. Tuy nhiên anh ta vẫn móc túi đưa cho Ban hộp diêm quẹt. Đốt thuốc xong, Ban trả hộp quẹt lại.

– Lạnh quá…

Ban xuýt xoa. Người lính gật đầu im lặng ngầm quan sát Ban. Dù thấy người lính lạ không có vũ khí song anh ta vẫn còn chút cảnh giác xuyên qua thái độ dè dặt và không thân thiện lắm.

– Mời anh điếu thuốc…

Ban đưa gói thuốc ra. Do dự giây lát rồi cuối cùng người lính canh cũng đeo khẩu súng lên vai, tay rút điếu thuốc ra ngậm vào miệng rồi đưa trả lại cho Ban, trong lúc tay kia móc túi lấy hộp quẹt. Ngay lúc đó cánh tay của người lính hải kích mang cấp bậc thượng sĩ có hơn hai mươi tuổi lính bung ra. Xoẹt… Lưỡi dao bấm mỏng tanh xuyên qua kẻ xương sườn đâm sâu vào tim. Người lính gác cầu gục xuống không kêu được tiếng nào. Ban vẫy tay. 11 người lính mặc thường phục xuất hiện. Êm và nhanh hơn bóng ma, trung sĩ Kiệm bước xuống chiếc tàu ngầm đang đậu có cánh cửa đang mở rộng cho không khí vào tàu.

– Chào…

Tiếng chào của Kiệm kèm theo tiếng nổ của súng hãm thanh tạo thành âm thanh bụp… bụp… bụp… vang lên ở phòng chỉ huy, phòng ngủ, phòng cơ khí và mọi ngõ ngách trong tàu từ nòng súng của 12 người lính hải kích. Được tin của trung úy Miên báo đã làm chủ hai chiếc Kilo, Chương tức tốc huy động thủy thủ của mình tới thay thế cho toán hải kích canh giữ tàu của địch. Lưu lại bốn người lính hải kích để phụ coi tàu với thủy thủ của chiếc 66, trung úy Miên kéo rốc lính lên bờ tính cách tấn công căn cứ của lữ đoàn 189. Sau khi lục soát khắp nơi Chương mới biết sỡ dĩ toán hải kích chiếm tàu mau lẹ vì ban đêm thủy thủ của mấy chiếc Kilo đều về nhà hết trơn. Còn một ít ở lại trực gác nhưng ngủ say thành ra không chống trả được. Chưa hoàn tất được việc kiểm soát bốn chiếc Kilo, thủy thủ đoàn của chiếc 66 nghe súng nổ rộ lên khắp nơi trong căn cứ Cam Ranh. Điều đó cho họ biết lính xung kích của lữ đoàn đặc nhiệm đã mở cuộc tiến công ào ạt vào căn cứ. Lát sau họ lại nghe súng nổ ầm ầm ở căn cứ của hải quân. Dãy nhà trước mặt họ giáp với cầu tàu phụt lửa cháy sáng lòa. Tiếng la hét vang vang. Hơn trăm người lính của hai chiếc 44 và 66 được chia ra canh giữ bốn chiếc Kilo. Phần mấy người lính hải kích đem hết hỏa lực án ngữ tại đầu cầu. Cuộc đụng độ của hai phe kéo dài tới gần sáng mới chấm dứt.

Trang 3

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

  1. Mặc dù chỉ là tiểu thuyết nhưng cách chú dẫn người đọc vào truyện rất hay: chỉ từ 1 đô cho Phú Quốc…
    Mong được đọc tiếp những chương tiếp theo của phần 4 này. Chúc chú nhiều sức khỏe và tiếp tục sáng tác những quyển truyện hay như thế này.
    Trước đây, tình cờ biết được trang https://sites.google.com/site/chusalancom/home này, có nhiều truyện võ hiệp như Giang Hồ Kỳ Hiệp, Sát Đát Nhân, Thanh Kiếm Quy Hương, Thu Phong Quảy Kiếm và các truyện dài như Buông theo giọt buồn, Thời Của Giòi Bọ, Viên Đạn Thù Chủ Nghĩa chưa đăng hết. Nếu có thể xin chú đăng tiếp những truyện này được không? Xin cảm ơn chú chusalan nhiều lắm.

Comments are closed.