GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

Tập 10

Ra Trung

 

62.

Chiếc jeep mui trần có gắn ăng ten cần dừng ngay trước cửa văn phòng của tướng Khải ở trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt. Một người đàn ông trọng tuổi mặc thường phục bước xuống. Như đã trực sẵn nên khi ông ta vừa xuống xe một quân nhân ở trong văn phòng của tướng Khải bước ra chào đón. Quân nhân đó tên Dũng, mang cấp bậc trung tá, vị sĩ quan tham mưu cao cấp nhất của tướng Khải.

– Chào đại tá… Đại tá và gia quyến vẫn được bình an?

Người đàn ông mặc thường phục được trung tá Dũng gọi là đại tá hơi mỉm cười lên tiếng trả lời.

– Cám ơn trung tá… Cũng nhờ vào sự khoan hồng của chính phủ mới và sự đãi ngộ đặc biệt của thiếu tướng Khải mà gia đình tôi mới được dễ thở hơn nhiều người khác…

Ngừng lại giây lát ông ta hắng giọng tiếp bằng câu hỏi.

– Không biết tướng Khải vời tôi có chuyện chi?

Trung tá Dũng cười cười trước câu hỏi của vị đại tá mặc thường phục.

– Tư lệnh của tôi cũng có chút chuyện nhỏ tính nhờ đại tá…

– Chuyện chi ạ…?

– Thưa đại tá khi nào giáp mặt tư lệnh của tôi, đại tá sẽ biết liền…

Nghe Dũng nói như vậy, vị đại tá mặc thường phục không hỏi nữa mà im lặng theo chân anh ta đi vào văn phòng của tướng Khải. Giơ tay chào kính, trung tá Dũng cao giọng thốt.

– Trình tư lệnh… Đây là đại tá Thạnh, tham mưu phó quân khu 7…

Thiếu tướng Khải vui vẻ bắt tay vị đại tá tham mưu phó quân khu 7 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, người mà thời gian ngắn trước đây là một trong nhiều kẻ đối đầu với ông ta trên chiến trường.

– Mời anh ngồi…

Đại tá Thạnh chậm chạp ngồi xuống chiếc ghế dành cho mình đặt đối diện với tướng Khải qua chiếc bàn rộng bày đầy giấy tờ và tài liệu. Trung úy Tiến, sĩ quan tùy viên của tướng Khải đặt tách trà nóng trước mặt khách.

– Mời anh uống trà…

Tướng Khải nâng tách trà. Đại tá Thạnh cũng đưa tách trà của mình lên. Họ không cụng ly với nhau. Dường như vẫn còn có chút gì ngăn cách giữa hai phe. Chắc có lẽ còn quá sớm để họ có thể gạt qua những dị biệt và xa lạ hầu hòa hợp và hòa giải sự bất đồng chính kiến của mình.

– Bà nhà và các cháu nhỏ của đại tá vẫn được bình an chứ?

Tướng Khải hỏi và đại tá Thạnh trả lời mau.

– Thưa gia đình tôi vẫn bình an. Tôi xin đa tạ lòng tốt của thiếu tướng…

Tướng Khải cười nhẹ.

– Không có chi… Tôi chỉ làm theo lệnh của chính phủ là không bạc đãi hay hành hạ cũng như tù đày bất cứ quân nhân nào thua trận. Đại tá và các chiến hữu của đại tá là lính, mà lính thì chỉ làm theo lệnh của cấp trên… Thế thôi…

Đại tá Thạnh cười im lặng. Hớp thêm ngụm nước trà nóng vị tư lệnh của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn hắng giọng đi thẳng vào mục đích của buổi gặp gỡ.

– Tôi đã đọc hồ sơ quân ngũ của đại tá. Có hơn 20 năm quân vụ đồng thời lại là sĩ quan tham mưu xuất sắc mà đại tá chưa được giữ chức vụ nào tương xứng với khả năng của mình. Dường như đại tá không được thượng cấp ưu đãi lắm…?

Đại tá Thạnh cười im lặng trước những lời của tướng Khải. Có thể vì ông ta dè dặt không muốn thố lộ chuyện tư riêng của mình với một người mới gặp mặt lần đầu. Có thể ông ta khôn ngoan và hiểu biết thân phận một người lính thua trận như mình cho nên không dám có ý kiến. Cũng có thể ông ta không trả lời để chờ tướng Khải tách bạch ra. Lát sau ông ta mới nhỏ nhẹ thốt.

– Tôi xuất thân con nhà nghèo cho nên không có nhiều may mắn khi đi học và luôn cả trong quân ngũ…

Gật gù cười như hiểu cái ý của người đối diện, tướng Khải hắng giọng.

– Tôi nghĩ là tôi nên thẳng thắn với đại tá. Như thế buổi gặp mặt giữa chúng ta sẽ cởi mở và hữu ích hơn…

Ngừng lại giây lát vị tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn nhẹ cười tiếp

– Tôi muốn mời đại tá gia nhập quân lực nước Việt Nam của chúng ta…

Nói xong tướng Khải thấy được chút ít ngạc nhiên hiện ra trên nét mặt của đại tá Thạnh. Ông ta ngạc nhiên cũng phải vì không khi nào nghĩ mình sẽ được bên thắng trận mời hợp tác. Không bị quản thúc, tù đày hay tánh mạng bị đe doạ là may mắn lắm rồi. Bây giờ chính vị tư lệnh còn mời gia nhập nữa. Có một điều nữa mà ông ta cũng nhận ra trong câu nói mà tướng Khải dùng. Mấy tiếng ” quân lực nước Việt Nam của chúng ta…” hàm ý không còn sự chia rẻ, phân biệt bên này hay bên kia, phe thắng hoặc bại, nước này hay nước kia mà là một nước Việt Nam tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam…

Còn đang suy nghĩ đại tá Thạnh nghe tướng Khải lên tiếng tiếp.

– Với sự chấp thuận của chính phủ, đại tá vẫn được giữ nguyên cấp bậc cũ cùng với lương bổng và thâm niên quân vụ. Ngoài ra đích thân tôi đề bạt đại tá nắm giữ một chức vụ quan trọng…

Lần nữa vị cựu tư lệnh phó quân khu 7 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại ngạc nhiên nhiều hơn về đề nghị hấp dẫn của kẻ thắng trận. Tuy nhiên vốn là một sĩ quan nhiều kinh nghiệm sống và giàu suy tư, ông ta càng thêm băn khoăn về đề nghị của tướng Khải. Sự băn khoăn đó được thể hiện bằng câu hỏi.

– Thưa thiếu tướng… Trước khi nhận lời tôi muốn biết tôi sẽ làm gì trong quân lực của nước Việt Nam?

Nâng tách trà lên hớp ngụm nhỏ xong đặt xuống bàn, vị tướng hai sao cười nhẹ lên tiếng trong lúc nhìn đại tá Thạnh như muốn quan sát thái độ hoặc cử chỉ của người đối thoại.

– Tư lệnh sư đoàn 11 tân lập… Tôi nghĩ chức vụ này thích hợp với một sĩ quan tham mưu giàu kinh nghiệm như đại tá…

Không ai thấy được lòng bàn tay của đại tá Thành rịn mồ hôi vì kích thích và sửng sốt tột cùng. Dường như ông ta chưa tin vào đôi tai của mình hoặc còn nghi ngờ về lời nói của tướng Khải. Làm sao chánh phủ mới xuyên qua vị tướng hai sao lại mời ông ta nhập phe với họ mà còn được giữ nguyên cấp bậc, lương bỗng, thâm niên quân vụ và còn giữ chức tư lệnh sư đoàn nữa. Trong hơn hai mươi năm lính, chức tư lệnh sư đoàn là điều mà ông ta hằng mong muốn mà chưa có cơ hội nào để đạt được.

– Tôi xin mạn phép hỏi một câu. Lý do nào thiếu tướng lại có nhã ý mời tôi chỉ huy một sư đoàn tác chiến…?

Nghe câu hỏi của đại tá Thạnh, tướng Khải nâng tách trà lên nhấp ngụm nhỏ rồi mới thong thả trả lời.

– Trước đây tôi với đại tá đứng trên hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Tuy nhiên tình thế đã đổi thay do đó tôi nghĩ chúng ta cần phải đứng cùng một chiến tuyến để thực hiện một mục đích chung của dân tộc Việt là chống đế quốc Trung Cộng đang nuốt dần dần đất đai của nước ta. Tôi với đại tá mà không đứng chung chiến tuyến thì nước Việt Nam ta sẽ trở thành quận huyện của Trung Cộng và 90 triệu đồng bào sẽ cúi đầu làm nô lệ cho Hán tộc…

Tướng Khải ngừng lời. Căn phòng rơi vào sự im lặng trừ tiếng rì rầm phát ra từ giàn máy điện toán và những chiếc quạt trần đang quay vù vù. Lát sau vị tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn mới hắng giọng tiếp.

– … Tôi có duyệt qua lý lịch các sĩ quan cao cấp của quân khu 7 và 9; từ sĩ quan tham mưu của bộ tư lệnh dài xuống tới tư lệnh, tư lệnh phó, tham mưu trưởng các sư đoàn. Qua nhiều lần suy nghĩ tôi chọn đại tá làm tư lệnh sư đoàn 11, một sư đoàn tân lập mà hai phần ba lính lại là các đồng đội cũ của đại tá…

Đại tá Thạnh gật đầu như hiểu ý của tướng Khải. Vị tư lệnh chiến dịch mời ông ta làm tư lệnh một sư đoàn mà toàn những người lính dưới quyền chỉ huy của ông ta khi còn nắm chức tham mưu phó quân khu. Như vậy rất dễ cho ông ta chỉ huy. Hơn ai hết ông ta hiểu cái vị thế của mình và không thể cự tuyệt lời mời của tướng Khải. Bất hợp tác với tướng Khải trong lúc này là hành động kém khôn ngoan nếu không muốn nói dại dột. Dù trong bụng đã nhận lời mời của tướng Khải song đại tá Thạnh còn muốn biết nhiều hơn bằng cách hỏi thêm một câu nữa.

– Còn có lý do nào khác hơn nữa khiến cho thiếu tướng đề bạt tôi vào chức vụ tư lệnh sư đoàn 11? Tôi xin lỗi thiếu tướng về câu hỏi thẳng của tôi?

Tướng Khải cười nhẹ khi nghe đại tá Thạnh đặt câu hỏi.

– Tôi thích sự thẳng thắn của đại tá. Quân đội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng có nhiều sĩ quan sạch mà đại tá là người đứng đầu.

Đại tá Thạnh mỉm cười khi nghe tướng Khải nhấn mạnh tiếng ” sạch ”. Ông ta hiểu nó có ý nghĩa gì.

– Đại tá lên lon nhờ vào khả năng của chính mình hơn sự chạy chọt hay có ô có dù. Các bạn đồng khóa với đại tá giờ đã mang sao rồi trong khi đại tá vẫn còn ba mai bạc. Tôi và chính phủ của tôi cố gắng giữ sự trong sạch ở trong quân đội và trong bộ máy hành chánh vì biết tham nhũng là một trong nhiều nguyên nhân làm suy yếu đất nước và làm mất lòng tin của dân đối với kẻ cầm quyền…

Đại tá Thạnh gật gù.

– Tôi hiểu mối quan tâm của thiếu tướng. Chọn tôi làm tư lệnh sư đoàn 11 bộ thiếu tướng không sợ tôi phản thùng kéo hết sư đoàn về lại với phe cũ sao?

Tướng Khải bật lên tiếng cười vui vẻ.

– Tôi không sợ và tôi cũng không nghĩ đại tá sẽ làm một hành động mà theo tôi không một ai muốn làm. Kéo hết sư đoàn về lại phe cũ chưa chắc họ đã tín nhiệm và cho đại tá giữ chức tư lệnh. Thứ nữa, tôi nghĩ đại tá là kẻ thức thời. Cái thời của phe xã hội chủ nghĩa sắp mạt rồi. Sau mấy chục năm cầm quyền họ đã bất lực trong việc đem lại no ấm, tự do, dân chủ và bảo vệ tổ quốc trước họa xâm lăng từ đế quốc Tàu. Đảng cộng sản đã để mất lòng dân thì sớm muộn gì chế độ cũng bị xóa bằng cách này hoặc cách khác. Về lại với bên Hà Nội là đại tá đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân. Quân lực của tôi có thể mất một tư lệnh giỏi và chục ngàn binh sĩ song cũng không thiệt hại bao nhiêu… Huống chi chưa chắc là các sĩ quan phụ tá và binh sĩ sẽ làm theo lệnh của đại tá…

Đại tá Thạnh cười thành tiếng.

– Tôi hỏi vậy thôi chứ tôi cũng biết thức thời vụ mới là tuấn kiệt. Tôi sẽ là kẻ chỉ huy sư đoàn 11 để theo chân quân lực Việt Nam bắc tiến, giải phóng mấy chục triệu đồng bào khỏi sự cai trị hà khắc và độc đoán của cộng sản…

Thiếu tướng Khải đưa tay ra bắt tay đại tá Thạnh. Vị tân tư lệnh sư đoàn 11 đứng nghiêm giơ tay chào tướng Khải, người chỉ huy của ông ta trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng sắp tới.

*****

Trong lúc binh lính và dân chúng khắp nơi trong thành phố ăn mừng Sài Gòn được thở không khí của tự do và dân chủ; tướng Khải và các sĩ quan tham mưu của ông ta lại bận rộn hơn bao giờ. Tư lệnh, tư lệnh phó, tham mưu trưởng, các sĩ quan trưởng phòng và tư lệnh sư đoàn đều bù đầu phác họa kế hoạch dành cho cuộc hành quân lịch sử: RA TRUNG-Giai Đoạn 3 của chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn hay là giai đoạn cuối cùng mà quân lực Việt Nam ở Phú Quốc phải hoàn thành bằng mọi giá để giữ vững Sài Gòn. Phải giành lại và trấn giữ cao nguyên, vùng đất chiến lược che chở cho miền nam. Phải làm chủ vùng duyên hải miền trung đông dân cư có các hải cảng quan trọng như Cam Ranh, Đà Nẳng, Vũng Tàu để từ đó phóng ra một chiến dịch quan trọng nhất: Ngóng Về Hà Nội. Toàn thể quân lực bao gồm 10 sư đoàn bộ chiến căn bản cộng thêm mấy chục ngàn binh lính của hai quân khu 9, 7 và có thể của quân khu 5; quân lực của nước Việt Nam đạt một quân số hơn 300 ngàn sẽ từ Quảng Trị vượt qua sông Bến Hải đánh chiếm các tỉnh của bắc trung phần như Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An và Thanh Hóa để làm bàn đạp tiến công vào Hà Nội và giải phóng miền bắc. Phải thống nhất ba miền nam trung bắc, thời chánh phủ của nước Việt Nam mới đủ sức tranh giành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời kiểm soát hải lộ Đông Hải, cắt đứt con đường tơ lụa biển hầu bẻ gãy tham vọng bá chủ thế giới hay ít ra bá chủ châu Á của đế quốc Tàu. Phần các tư lệnh sư đoàn tác chiến cũng đã có nhiều buổi hội họp riêng với nhau để chuẩn bị cuộc ” Ra Trung ”. Xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến đều đầy đủ xăng nhớt và đạn dược. Lương thực cho binh sĩ các cấp đều sẵn sàng. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ thuộc 11 sư đoàn tác chiến từ sư đoàn 1 cho tới sư đoàn 11 rất cao, nhất là đối với sư đoàn 11 vừa mới được thành lập dưới sự chỉ huy của đại tá Thạnh, tân tư lệnh. Từng giữ chức tham mưu phó quân khu 7, do đó không mất nhiều thời giờ lắm ông ta đã thành lập được một ban tham mưu gồm các sĩ quan thuộc bộ tư lệnh quân khu 7 và các sư đoàn bộ chiến. Phần trung đoàn trưởng thì ông ta cũng đã chọn được bốn vị cựu sĩ quan của các sư đoàn đã bị tan rã như 5, 309, 317. Ông ta cũng được cái lợi là tiếng tuy tân lập nhưng binh sĩ của sư đoàn đều là cựu quân nhân có kinh nghiệm tác chiến chứ không phải tân binh chưa biết bắn súng.

*****

13:00 giờ.

1-8-2042.

Thị xã Long Khánh.

Chín quân nhân đủ cấp bậc đứng vòng quanh chiếc bàn hành quân trên trải tấm bản đồ hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Đó là bộ tham mưu của đại tá Thạnh. Đây là buổi họp cuối cùng trước khi toàn bộ lực lượng cơ hữu của sư đoàn được lịnh kéo lên cao nguyên. Chỉ tay vào bản đồ của tỉnh Lâm Đồng, đại tá Thạnh rắn giọng.

– Đúng năm giờ sáng mai, sư đoàn 11 của chúng ta với Lữ Đoàn 172 Biệt Động Đội cùng lúc tiến lên cao nguyên. Sư đoàn của mình có nhiệm vụ đánh Lâm Đồng và thị trấn Đà Lạt rồi sau đó sẽ tiến chiếm thị trấn Ban Mê Thuột và tỉnh Đắc Lắc…

Nhìn trung tá Chính, trung đoàn trưởng trung đoàn 2, đại tá Thạnh tiếp nhanh.

– Anh biết rành về vùng Định Quán và tỉnh Lâm Đồng nên tôi để cho anh đi đầu. Nhiệm vụ của trung đoàn 1 là đánh chiếm các vị trí đóng quân quan trọng của địch ở phía nam của tỉnh Lâm Đồng và thị trấn Bảo Lộc. Trong lúc đó trung đoàn 1 của trung tá An sẽ đánh Đà Lạt và các quận ở phía bắc như Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Di Linh…

Vốn coi một trung đoàn của sư đoàn 312 thuộc quân khu 7 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà vùng trách nhiệm trong đó có thị trấn Định Quán, Chính khá am tường những căn cứ quân sự của tỉnh Lâm Đồng với hai thị trấn Đà Lạt và Bảo Lộc.

– Tư lệnh đừng có lo… Từ Định Quán tôi nhắm mắt đi cái vèo là tới Bảo Lộc liền…

Quay sang trung tá Thiện, trung đoàn trưởng trung đoàn 3 và trung tá Cảnh, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 172 Biệt Động Đội; vị tư lệnh sư đoàn 11 nghiêm giọng:

– Phần hai anh điều động các đơn vị trực thuộc di chuyển tới Di Linh đoạn anh Thiện bắt đường 28 đi tới Gia Nghĩa rồi noi theo đường 693 đi Ban Mê Thuột. Anh Cảnh chỉ huy lính biệt động đội theo quốc lộ 20 đi tới Liên Sơn rồi bắt đường 27 tiến đánh Ban Mê Thuột. Tướng Khải có nhã ý để cho sư đoàn của chúng ta xuất quân trước nhất. Vậy các anh em cố gắng hết sức mình để tỏ ra mình dù là mới gia nhập song cũng biết đánh đấm…

Cười hà hà trung tá Thiện hỏi.

– Tôi nghe nói sư đoàn 3 của đại tá Đăng sẽ đi sau mình. Tư lệnh biết ông ta đi đâu?

– Gia Lai. Tướng Khải có nói cho tôi biết sư đoàn 3 của đại tá Đăng sẽ dùng quốc lộ 14 tiến chiếm tỉnh Gia Lai và hai căn cứ quân sự quan trọng Pleiku với Kontum…

Đại tá Thạnh cười cười nhìn các sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình rồi lát sau mới nói tiếp.

– Mới đầu tướng Khải tính cho sư đoàn 11 đánh Pleiku nhưng sau đó ông ta đổi ý để cho sư đoàn 3 của đại tá Đăng đánh Gia Lai. Tôi cũng không kêu nài gì về quyết định đó. Để sư đoàn 3 của ông Đăng và sư đoàn 302 của quân khu 5 choảng nhau cho biết đá biết vàng. Các anh chưa biết sư đoàn 3 gồm có rất nhiều sĩ quan và binh sĩ đã ở trong quân lực Hoa Kỳ. Cá nhân đại tá Đăng cũng là tiểu đoàn trưởng trước khi gia nhập vào quân lực Phú Quốc…

Do dự giây lát vị tân tư lệnh sư đoàn 11 mới hắng giọng hỏi các sĩ quan của mình.

– Trong trận chiến vừa rồi các anh biết lý do nào khiến cho mình thua họ?

Câu hỏi của đại tá Thạnh rơi vào im lặng. Thật lâu đại tá Hào, tư lệnh phó sư đoàn mới hắng giọng.

– Tôi nghĩ có ba lý do… Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là tinh thần chiến đấu của binh sĩ…

Đại tá Thạnh gật gù mỉm cười nhìn vị sĩ quan phụ tá của mình như nhìn nhận đồng thời cũng ngầm khuyến khích ông ta bộc bạch những suy tư thầm kín. Vị tư lệnh sư đoàn biết binh lính và sĩ quan các cấp ở dưới chế độ do đảng và nhà nước cai trị vì lý do an ninh cá nhân nên có thói quen ít khi chịu bày tỏ ý kiến của họ. Được cấp trên cho phép, Hào phấn chấn nói tiếp.

– Lý do thứ nhì là vũ khí. Họ được trang bị vũ khí mới trong khi mình xài toàn đồ cũ xưa. Thứ ba là lính mình kém xa họ về kinh nghiệm trận mạc. Theo chỗ tôi dọ hỏi thì khoảng phân nửa binh sĩ của quân lực Phú Quốc xuất thân từ quân lực của các nước như Úc Đại Lợi, Anh, Pháp, Gia Nã Đại và nhiều nhất là Hoa Kỳ. Nửa phần tân binh của họ tuyển mộ ở trong nước thì đa số tình nguyện chứ không phải bị bắt đi nghĩa vụ quân sự như lính của mình. Là lính tình nguyện được huấn luyện kỹ càng, thêm trang bị vũ khí tối tân lại được chỉ huy bởi các sĩ quan giàu nghiệm chiến trường thời dĩ nhiên người lính có tinh thần chiến đấu cao hơn. Đó là tôi chưa nói tới một yếu tố mà mới nghe thoạt buồn cười và hoang tưởng song lại có tác dụng nâng cao tinh thần chiến đấu của người lính. Đó là lý tưởng. Họ chiến đấu cho cái gì mà họ tin tưởng trong khi ta đã mất niềm tin từ lâu rồi…

Phòng họp rơi vào im lặng sau khi đại tá Hào dứt lời. Thật lâu đại tá Thạnh mới lên tiếng.

– Anh Hào có nhận xét rất chính chắn. Ngoài những lý do mà anh Hào đã nêu ở trên họ còn đưa ra chiêu bài dân chủ, tự do và no ấm cho dân chúng và nhất là chống sự xâm lăng của đế quốc Tàu. Đó chính là nỗi ước mơ thầm kín của dân ta sau hơn mấy chục năm sống dưới chế độ của cộng sản. Trong cuộc nói chuyện khi mời tôi làm tư lệnh sư đoàn 11, tướng Khải cho biết là ông ta không sợ khi làm tư lệnh tôi sẽ đem hết sư đoàn 11 về lại với quân đội nhân dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…

Tất cả sĩ quan đều chăm chú nhìn vị tư lệnh của họ khi nghe ông ta tiết lộ lời này.

– Tôi nghĩ tư lệnh sẽ không làm như vậy…

An, trung đoàn trưởng trung đoàn 1 ứng lời. Bắt gặp ánh mắt của mọi người chiếu vào mình, An cười nhẹ.

– Thứ nhất là vợ con của chúng ta còn kẹt lại Sài Gòn. Thứ nhì là khi quay về bên kia họ có tín nhiệm và dung thứ chúng ta hay là không. Thứ ba là sau cuộc chiến vừa rồi tôi nghĩ cái thời của đảng cộng sản đã mạt rồi…

Đợi cho An dứt lời. đại tá Thạnh mới cười thốt.

– Thôi chuyện đó chúng ta hãy bàn luận khi nào vào tới Ban Mê Thuột. Bây giờ các anh hãy trở lại đơn vị chuẩn bị cho cuộc ra quân ngày mai…

Đại tá Thạnh lần lượt bắt tay ba vị trung đoàn trưởng và lữ đoàn trưởng Biệt Động Đội. Đây là đơn vị đặc biệt gồm hai tiểu đoàn mà ông ta đã thành lập với sự chấp thuận của tướng Khải. Đơn vị tổng trừ bị này cũng chính là đơn vị xung kích dùng để giải quyết một mặt trận quan trọng. Ba ngày trước, ngồi trong phòng họp của phòng hành quân của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn, ông ta đã được các sĩ quan tham mưu của tướng Khải thuyết trình về mặt trận của vùng cao nguyên đặc biệt là Ban Mê Thuột, thành phố giữ vị trí xung yếu nhất của cao nguyên. Có thể nói chiếm đóng được Ban Mê Thuột là quân lực Việt Nam ở Sài Gòn đã làm chủ cao nguyên, hành lang chiến lược che chở cho Sài Gòn cũng như kiểm soát được con đường chuyển vận binh sĩ và tiếp liệu từ bắc vào trong nam. Cũng vì vị trí xung yếu này mà sư đoàn 315 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được lệnh của quân khu 5 từ Quảng Nam di chuyển lên cao nguyên. Sư đoàn 315 tạm thời đặt bộ tư lệnh tại Ban Mê Thuột với ba trung đoàn chủ lực 142, 143, 733 và 2 tiểu đoàn trực thuộc là một tiểu đoàn tăng và chiến xa, một tiểu đoàn pháo và tên lửa. Trung đoàn 142 đóng tại Gia Nghĩa, vị trí nằm tại giao điểm của ba con đường 14, 28 và 693. Trung đoàn 143 trấn Buôn Hồ, giao điểm của ba con đường 14, 683 và 682 để kiểm soát trục lộ giao thông từ Pleiku về Ban Mê Thuột cũng như quốc lộ 26 từ Ninh Hòa đi lên vùng cao nguyên. Trung đoàn 733 đóng ở Buôn Đôn kiểm soát phần đất giáp ranh với Miên Lào và quốc lộ 14C từ Ban Mê Thuột đi lên Pleiku và Kontum.

Đứng im nhìn theo các sĩ quan dưới quyền tản mác, vị tư lệnh sư đoàn 11 thở dài nhè nhẹ. Hơn ai hết ông ta biết những ngày sắp tới của mình sẽ có nhiều thử thách đầy cam go và gian nan. Tuy nhiên đây cũng là dịp may hiếm có để cho ông ta chứng tỏ khả năng chỉ huy của mình. Phải thắng mặt trận Ban Mê Thuột thời ông ta và sư đoàn 11 mới có thể ăn nói với các sư đoàn kỳ cựu của quân lực Việt Nam trong giai đoạn Ra Trung. Muốn được các vị tư lệnh sư đoàn khác kính phục, ông ta phải chứng tỏ khả năng chỉ huy của mình. Sự kính phục không thể xin xỏ mà phải đạt được bằng mồ hôi, nước mắt và máu của mình. Nhìn đăm đăm vào mũi tên màu đỏ cắm tại vị trí Ban Mê Thuột, vị tư lệnh phó của quân khu 7 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà bây giờ trở thành tư lệnh sư đoàn 11 của nước Việt Nam lẩm bẩm điều gì không ai nghe rõ.

63.

Cù Lao Thu. Tọa độ bắc vĩ tuyến 10° 25′ 30″, đông kinh tuyến 108° 27′ 15″.

Thấy hạm trưởng đi họp bên chiếc tuần dương hạm Như Nguyệt trở về tàu với dáng vẻ trầm ngâm và im lặng; thủy thủ đoàn chiếc 66 đều đoán phải có tin tức gì đặc liên quan tới chiếc Hải Mã VNN66. Thời hạn ba tháng để họ được đổi phiên về Côn Sơn hoặc Phú Quốc nghỉ ngơi và xum họp với gia đình sắp tới rồi. Nếu bây giờ vì nhu cầu hành quân họ sẽ phải ở lại trên biển thì đó là điều không ai muốn. Sự phỏng đoán của thủy thủ đoàn đúng khi Chương mở cuộc họp trong phòng ăn với sự tham dự đầy đủ của sĩ quan và thủy thủ đoàn các cấp trừ những người đang phiên trực.

– Tôi vừa đi họp hành quân về và rất tiếc có tin không vui cho anh em. Quân lực ta sau khi chiếm xong Sài Gòn sẽ không dừng lại mà tiếp tục chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn Giai Đoạn 3 hay là RA TRUNG. Các sư đoàn bộ chiến của bộ binh dưới quyền chỉ huy của tướng Khải sẽ tiến đánh cao nguyên và các tỉnh miền duyên hải trung phần. 10 tỉnh miền trung sẽ biến thành mục tiêu giải phóng của quân lực và chúng ta chỉ dừng lại khi đặt chân lên cầu Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị. Khi đó chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn mới được coi như hoàn thành…

Chương dừng lại nhìn một vòng thủy thủ đoàn đang đứng im lặng. Trên nét mặt của họ ánh lên nét hân hoan và phấn khởi mà cũng thấp thoáng sự buồn rầu vì như thế họ không được trở về căn cứ gặp lại vợ con sau ba tháng xa cách.

– Tôi cũng biết anh em vô cùng mệt mỏi và mong muốn gặp lại vợ con. Tuy nhiên đây là lệnh của thượng cấp. Nó xuất phát từ thủ tướng Việt, tổng tư lệnh tối cao của quân lực nên cá nhân tôi và các anh không có cách nào khác hơn là thi hành nhiệm vụ đã được giao phó. Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là…

Ai cũng nghe giọng của hạm trưởng cao lên khi nói tiếp.

– Nhiệm vụ của hải quân và của riêng chúng ta là đột kích và chiếm đóng căn cứ hải quân Cam Ranh…

Vị hạm trưởng ngừng nói khi nghe có tiếng xì xầm nho nhỏ phát ra xong mới thong thả tiếp.

– Trong ý định đối đầu với hạm đội Nam Hải của Trung Cộng, bộ tư lệnh hải quân muốn nhân dịp may hiếm có đánh úp căn cứ hải quân Cam Ranh, chiếm lấy mấy chiếc Kilo đang đậu. Nếu có thêm 6 chiếc KILO 636MV của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; hạm đội tàu ngầm của ta sẽ có thêm sức mạnh để chống trả lại cuộc hải chiến mà hải quân Trung Cộng sẽ khai mở ngày gần đây hầu tái chiếm quần đảo Trường Sa đang ở trong tay ta. Tôi chắc anh em sẽ rất phấn khởi được lái chiếc Kilo săn tìm tàu ngầm của Trung Cộng. Biết đâu nay mai này, thiếu tá Thiện, đại úy Toàn sẽ trở thành hạm trưởng của một trong sáu chiếc Kilo…

Chương mỉm cười nhìn hai sĩ quan phụ tá thân tín của mình. Anh đọc trong mắt họ sự vui mừng và phấn khởi khi nghĩ tới điều mà anh đã nói.

– Có ai đi với mình không thưa hạm trưởng?

Thượng sĩ Đan lên tiếng hỏi. Hướng ánh mắt về phía người hạ sĩ quan có cấp bậc và thâm niên cao nhất của tàu, Chương cười nhẹ.

– Dĩ nhiên là có và có rất nhiều. Không kể bốn chiếc tàu ngầm bí mật tham gia vào cuộc đột kích mà còn có thêm các chiến hạm nổi khác nữa. Các chiến hạm này được sử dụng như là nút chặn không cho tàu ngầm của địch ra khơi để trốn chạy về Đà Nẳng hoặc Hải Phòng. Chúng ta còn được sự tham gia của một trung đoàn đặc nhiệm của bộ binh có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Cam Ranh. Hải quân mình chỉ lo phần đột kích căn cứ hải quân còn bộ binh lo phần của họ. Bốn chiếc 44, 55, 66 và 77 sẽ chở các toán hải kích lại gần để từ đó họ sẽ bất thần tấn công vào căn cứ hải quân Cam Ranh cũng như chiếm đóng những chiếc Kilo đang neo đậu tại đây…

Ngừng lại nhìn thủy thủ đoàn đang đứng ngồi vây quanh mình giây lát vị hạm trưởng rắn giọng.

– Nhiệm vụ đột kích căn cứ hải quân Cam Ranh để chiếm đóng các chiếc Kilo rất quan trọng đối với hạm đội tàu ngầm của chúng ta, tôi kêu gọi anh em hãy sốt sắng thi hành nhiệm vụ của mình…

Sau khi ra lệnh giải tán, Chương lưu lại Thiện, Toàn, Thâm và Ân, cơ khí trưởng để báo cáo lần cuối cùng về tình trạng nhiên liệu và vũ khí trước khi lên đường ra  trung. 15 phút sau, dưới lệnh của Hạnh, sĩ quan đương phiên chiếc 66 chìm xuống biển sâu rồi lặng lẽ hải hành với vận tốc 10 knots một giờ.

00:00 giờ.

Biển đen thăm thẳm. Sóng vỗ ì ầm vào mạn của chiếc 66 khi nó nổi lên khỏi mặt nước để chạy máy xạc bình đồng thời nhận toán hải kích 24 người từ tuần dương hạm Như Nguyệt. Sau khi người lính cuối cùng của toán hải kích chui xuống hầm, tiếng còi ré lên. Đậy nắp hầm, khóa lại cẩn thận, đại úy Toàn, sĩ quan đương phiên ra lệnh.

– 66 chuẩn bị lặn… 66 chuẩn bị lặn…

Một phút sau chiếc tàu ngầm mang sứ mạng đột kích căn cứ Cam Ranh để chiếm đóng mấy chiếc Kilo từ từ chìm mất trong lòng biển thâm u. Phòng chỉ huy sáng vừa đủ cho các sĩ quan đang đứng vòng quanh chiếc bàn hành quân của hạm trưởng. Trên mặt bàn hiện lên tấm bản đồ của tỉnh Khánh Hòa mà vịnh Cam Ranh được làm lớn lên với các địa điểm như Bình Ba, Bình Lập, núi Ao Hồ, mũi Cà Tiên và hòn Chút.

– Theo tin tức mới nhất và cũng là tin tức cuối cùng mà bộ tư lệnh gởi cho tôi thì căn cứ tàu ngầm của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở tại Cam Ranh hiện có tới bốn chiếc Kilo…

Thấy trung úy Miên, trưởng toán hải kích nhìn mình với ánh mắt băn khoăn, Chương cười nhẹ tiếp.

– Cuộc đột kích căn cứ Cam Ranh sẽ là cuộc hành quân lớn với sự tham dự của ba binh chủng hải lục không quân. Bên bộ binh thời có một lữ đoàn đặc nhiệm do trung tá Phùng chỉ huy. Nhiệm vụ của lữ đoàn đặc nhiệm là tấn kích vào lính phòng thủ của căn cứ đồng thời sẽ giữ an ninh trật tự sau khi căn cứ bị chiếm đóng. Bên hải quân thời có bốn chiếc tàu ngầm, mỗi chiếc chở theo 24 lính hải kích. Các toán hải kích có nhiệm vụ chiếm đóng các căn cứ hải quân Cam Ranh cùng với các tàu neo đậu. Ngoài ra còn có các chiến hạm nổi lềnh bềnh ngoài khơi để yểm trợ hải pháo. Phần không quân sẽ trực thăng vận một tiểu đoàn lính dù chiếm phi trường. Cuộc hành quân đột kích căn cứ Cam Ranh sẽ được điều động bởi đại tá Sơn, tham mưu phó của thiếu tướng Khải…

Ngừng lại giây lát xong Chương khẽ ra hiệu cho hạ sĩ nhất Bính, nhân viên phụ trách về bản đồ. Bình bấm cái nút màu xanh. Trên mặt bàn hành quân từ từ hiện lên tấm bản đồ chi chít những con số. Tất cả sĩ quan của chiếc 66 đều biết đó là bản đồ đo độ sâu của Biển Đông, trải dài từ bờ biển của đảo Hải Nam xuống tới tận quần đảo Trường Sa và một phần của Vịnh Thái Lan. Nhờ bản đồ này họ có thể biết một cách khá chính xác về độ sâu của bờ biển Việt Nam đặc biệt là các hải cảng như Cam Ranh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Sài Gòn. Giọng nói trầm và chậm rãi của vị hạm trưởng vang lên.

– Diện tích chừng 60 cây số vuông, nước sâu trung bình từ 15 cho tới 30 mét, quân cảng Cam Ranh có sức chứa hàng trăm chiến hạm lớn nhỏ. Nó là nơi đặt bộ tư lệnh hải quân Vùng 4, Lữ đoàn 162 tàu chiến đấu và lữ đoàn 189 tàu ngầm của Hải quân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ của trung úy là tấn công và chiếm đóng 4 chiếc Kilo…

Chương nói trong lúc nhìn trung úy Miên, trưởng toán 1 hải kích.

– Hai toán hải kích 1 và 2 đang ở trên hai chiếc 55 và 77 sẽ lãnh phần đánh chiếm bộ tư lệnh hải quân vùng 4 và bộ chỉ huy lữ đoàn 162. Còn toán hải kích 3 và 4 do trung úy chỉ huy có nhiệm vụ đột kích bốn chiếc Kilo đang cập cầu cũng như đánh chiếm căn cứ của lữ đoàn 189…

Chương ra hiệu cho hạ sĩ nhất Bính. Chừng hai ba giây đồng hồ sau mấy tấm hình hiện ra trên màn ảnh.

cancu-1_mjxp

Chỉ vào bức ảnh vị hạm trưởng cất giọng chậm và trầm.

– Trung úy thấy bốn chiếc Kilo đang cặp cầu rồi chứ gì. Bình thường thì nó cặp vào các cầu lộ thiên nên rất dễ cho anh em hải kích lại gần. Tuy nhiên trong thời chiến thì nó sẽ được cất giấu vào trong đường hầm…

Chương chỉ tay vào ba bức hình vừa hiện ra.

duong ham cho tau ngam

duong ham cho tau ngam 2

duong ham cho tau ngam 1

Quan sát giây lát trung úy Miên chắt lưỡi.

– Nó mà ở trong đây khó đánh lắm trung tá ơi. Hổng dễ lọt vào các đường hầm đúc bằng bê tông…

Đang im lặng nghe tự nãy giờ Thiện chợt lên tiếng.

– Lọt vào bên trong đường hầm này rất khó khăn và lâu lắc. Nếu mấy chiếc Kilo mà đậu ở trong đó thì mình chơi cách khác. Trung úy và anh em hải kích chỉ cần đặt mìn chận bít cửa ra vào của nó rồi mình tính sau…

Được Thiện mớm cho ý kiến hay, trung úy Miên khoái chí cười ha hả. Gật gù cười Chương thong thả lên tiếng.

– Tôi biết… Cũng may là phòng tình báo của hải quân đươc sự giúp đỡ của một sĩ quan nằm trong lữ đoàn tàu ngầm 189 của địch. Sau khi mình chiếm xong bộ chỉ huy thì vị này sẽ giúp mình vô hiệu hóa hệ thống an ninh cũng như chỉ dẫn cách thức để cho mình xâm nhập vào đường hầm và tiếp cận với mấy chiếc Kilo. Cũng do tin tức của vị sĩ quan này bộ tư lệnh hải quân của ta mới biết có bốn chiếc Kilo đang ở tại căn cứ Cam Ranh…

Nghe vị hạm trưởng tiết lộ tin tức. trung úy Miên cười vui vẻ.

– Như vậy thì đỡ cho tôi và anh em hải kích. Chứ kiểu đường hầm này chắc chắn máy bay đánh bom còn chưa xập…

Chương gật đầu hắng giọng.

– Lát nữa đại úy Toàn sẽ cung cấp thêm tin tức cho trung úy biết về cách kiến trúc và thiết trí của Kilo để khi vào được bên trong thì trung úy và anh em hải kích biết phải làm gì để chế ngự và kiểm soát nó rồi sau đó nhân viên của tôi sẽ phụ trách việc điều khiển và chỉ huy Kilo…

Dứt lời Chương ra hiệu cho Toàn. Hiểu ý hạm trưởng, Toàn cười nói với Miên.

– Mời trung úy tới bàn của tôi để tôi trình bày với trung úy về cách thức bố trí của chiếc tàu ngầm của Nga Sô…

Đợi cho Toàn với Miên đi xong, Chương hắng giọng nói với hạm phó của mình.

– Chiếc 66 sẽ vào tận trong vịnh rồi tới sát căn cứ 189 để toán hải kích đột kích nhanh hơn…

Nghe hạm trưởng nói là tàu sẽ vào trong vịnh, thủy thủ đoàn nhìn nhau với ánh mắt lo âu. Họ biết hành động lén lút lặn vào trong vịnh để thả toán hải kích ra là hành động táo bạo và cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên đó là cách duy nhất để đột kích và chiếm giữ bốn chiếc tàu ngầm của địch. Nếu không chiếm giữ được mà để nó ra khơi thì coi như kế hoạch bất thành. Độ sâu của nước trong vịnh chỉ chừng 30 mét do đó khó mà triển khai hết sự tàng hình của chiếc 66 được. Nếu kẻ địch phát giác ra thì họ chỉ còn nước đầu hàng hoặc chết. Dường như biết được sự lo lắng của thủy thủ đoàn các cấp, Chương cười bình tịnh nói tiếp như để trấn an tất cả nhân viên của mình đang ở trong phòng chỉ huy.

– Anh em đừng có lo. Tôi có cách vào vịnh rất an toàn. Chúng ta sẽ vào trong vịnh Cam Ranh lúc ban đêm và cũng phải chọn thời tiết thật thích hợp…

Giơ tay nhìn đồng hồ thấy đã quá giờ ăn tối vị hạm trưởng cười tiếp.

– Chúng ta còn dư thời giờ để bàn soạn một cách chi tiết cuộc đột kích căn cứ hải quân Cam Ranh nên tôi để cho anh em đi ăn cơm tối…

Hiểu ý hạm trưởng chỉ muốn bàn chi tiết cuộc đột kích với các sĩ quan có trách nhiệm mà thôi nên Thiện cười ra lệnh cho thủy thủ đoàn giải tán đi ăn cơm tối.

Trang 2

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 4.Ngóng Về Hà-Nội

  1. Mặc dù chỉ là tiểu thuyết nhưng cách chú dẫn người đọc vào truyện rất hay: chỉ từ 1 đô cho Phú Quốc…
    Mong được đọc tiếp những chương tiếp theo của phần 4 này. Chúc chú nhiều sức khỏe và tiếp tục sáng tác những quyển truyện hay như thế này.
    Trước đây, tình cờ biết được trang https://sites.google.com/site/chusalancom/home này, có nhiều truyện võ hiệp như Giang Hồ Kỳ Hiệp, Sát Đát Nhân, Thanh Kiếm Quy Hương, Thu Phong Quảy Kiếm và các truyện dài như Buông theo giọt buồn, Thời Của Giòi Bọ, Viên Đạn Thù Chủ Nghĩa chưa đăng hết. Nếu có thể xin chú đăng tiếp những truyện này được không? Xin cảm ơn chú chusalan nhiều lắm.

Comments are closed.