14
Động lòng trắc ẩn
Đoàn xe và người dài lê thê. Xe thời nặng nề và chậm chạp lăn bánh. Người thời uể oải và mệt nhọc lê bước trên con đường đất đỏ hoạch của huyện Mỹ Lương thuộc Quốc Oai lộ. Đàn bà con gái được ngồi trên xe trong lúc đàn ông trai tráng phải đi bộ. Tất cả đều được canh giữ bởi một toán quân khoảng hai mươi tên.
– Mẹ kiếp… Mấy con nhỏ trẻ đẹp như vầy mà triều đình lại đem gả cho mấy thằng cha tù trưởng, thổ quan của tụi Mường, Mán, Mọi thì uổng quá…
Tên lính cầm cương cười nói với đồng bạn ngồi bên cạnh. Liếc ra sau đám đàn bà con gái ngồi ủ rũ tên lính cầm giáo cười hô hố đùa:
– Tao biết… Mấy cung nhân mặt hoa da phấn này mà đem dâng cho mấy thằng tù trưởng thời bọn chúng sướng mê tơi. Đúng là ” Tiếc thay cây quế giữa rừng mà để cho thằng mán thằng mường nó leo…”
– Chậc… Hay là để tao đánh bạo năn nỉ xếp cho mầy với tao lãnh một đứa về làm nàng hầu vợ lẽ…
Tên lính cầm giáo xì tiếng dài:
– Mầy là lính nghèo thiếu điều muốn cạp đất ăn mà lại đèo bòng nàng hầu vợ lẽ. Lấy nó về cơm gạo đâu mà nuôi…
Tên lính cầm cương tặc lưỡi:
– Tao chưa vợ thời lấy một con cũng được chứ của đẹp như vầy mà để cho nó núp bóng thằng mán thằng mường thời uổng của trời…
Cười ha hả tên lính cầm giáo nói lớn:
– Mầy chưa vợ con thời tính chuyện đó cũng được chứ tao thời vợ con đùm đề thời có thèm cũng đành nuốt nước miếng thôi…
Nghe hai tên lính kháo chuyện mấy người đàn bà con gái trên xe ngồi gục đầu làm thinh. Họ biết thân phận tù đày của mình.
Tên đội trưởng chỉ huy đoàn xe ra lịnh dừng lại nghỉ ngơi để dùng cơm trưa. Đám tù nhân được phép quây quần với nhau trò chuyện và chờ lãnh phần cơm hẩm muối dưa.
Vô Gia Tử, Hải Âu Xứ Kiếm, Phá Thiên Lôi và Hoàng Sa Đảo Chúa rảo bước trên con đường đất của lộ Quốc Oai. Sau khi chia tay với Lãng Thư Sinh bốn người họp thành toán đi ngược lên thượng du để tạm thời trốn lánh sự truy lùng của nhân viên do thám. Dưới sự hướng dẫn của Hoàng Sa Đảo Chúa từ Thạch Bàn sơn họ theo đường bộ và đường thủy băng ngang qua huyện Tam Dương về Yên Lạc, Phúc Thọ, Thạch Thất rồi sau cùng vào địa phận của huyện Mỹ Lương. Đường không xa lắm nhưng họ phải mất mười mấy ngày vì lắm khi họ phải đi quanh co, lộn trở lại đường cũ hầu đánh lạc hướng của nhân viên do thám.
Đang đi đầu Vô Gia Tử hơi khựng lại khi thấy bóng người xa xa.
– Cái gì vậy?
Phá Thiên Lôi lên tiếng hỏi. Vô Gia Tử đáp gọn:
– Người ta…
Hoàng Sa Đảo Chúa hắng giọng:
– Quân lính triều đình…
– Làm sao ngươi biết đó là quân lính của triều đình?
Phá Thiên Lôi vặn. Vị chúa đảo nhếch môi cười:
– Ta thấy ánh kim khí…
Còn cách chừng năm mươi bước Hải Âu Xứ Kiếm gật đầu lên tiếng:
– Y nói đúng… Ta thấy xe cộ và người đông lắm…
Tới gần hơn cả bọn bốn người thấy một toán quân chừng hai chục với năm chiếc xe ngựa và nhóm người mà đa số là phụ nữ. Lẫn lộn trong số đó có chừng năm bảy thanh niên bị cùm hay bị trói.
– Họ là ai?
Phá Thiên Lôi hỏi. Vô Gia Tử cười cười:
– Tù nhân của triều đình…
Phá Thiên Lôi nhăn mặt:
– Đàn bà con gái mà làm gì thành tù nhân của triều đình…
Vô Gia Tử cười hí hí nói:
– Ta nghe đồn rằng sau khi tước đoạt ngôi vua của nhà Lý, Trần Thủ Độ đem các cung nhân hay tôn thất nhà Lý gả cho các tù trưởng, thổ quan ở các vùng thượng du. Có lẽ đây là một trong những người bất hạnh này…
Phá Thiên Lôi cau mặt:
– Trần Thủ Độ là ai mà ác vậy…?
Vô Gia Tử liếc nhanh Hoàng Sa Đảo Chúa và Hải Âu Xứ Kiếm rồi mới trả lời câu hỏi của Phá Thiên Lôi:
– Là thái sư, một ông quan có nhiều quyền hành nhất của nước ta…
Phá Thiên Lôi đanh giọng:
– Ta không cần biết ổng là ai song ta không ưa chuyện làm của ổng…
Hải Âu Xứ Kiếm hắng giọng:
– Ngươi đúng là nói ngang ba làng cải không lại…
Phá Thiên Lôi lườm một cái khiến cho vị chúa đảo Bạch Long Vỉ phải im miệng. Y biết không nên chọc giận cô gái ngang tàng và bướng bỉnh này.
– Để ta hỏi chuyện họ…
Hoàng Sa Đảo Chúa lên tiếng:
– Đừng…
Không biết có nghe lời khuyên của đồng bạn hay không mà Phá Thiên Lôi xăm xăm bước tới chổ đám tù nhân đang đứng.
– Ê con nhỏ kia… Mày đi đâu vậy…?
Tên lính canh hỏi với giọng hách dịch.
– Đứng lại… Mày không nghe lời ta còng tay mày bây giờ…
Tên lính canh bước tới chận đường cô gái lạ mặt. Bốp… Bốp… Hai tiếng ròn tan. Lãnh hai bạt tai nháng lửa tên lính canh xửng vửng lùi lại. Hắn còn đang chới với vì bị cô gái hành hung thời giọng nói đanh thép vang lên:
– Ngươi mà dở giọng hách dịch với ta là ta bẻ cổ ngươi đấy…
Đụng phải cô gái dữ hơn bà chằng tên lính canh xụi lơ. Nhìn cô gái một cách lấm lét hắn im lặng chưa biết đối phó ra sao thời giọng nói trầm trầm vang lên:
– Ngươi là ai mà dám đụng chạm tới quan binh của triều đình?
Tên đội trưởng gằn giọng hỏi. Phá Thiên Lôi cười nhạt:
– Ngươi là kẻ chỉ huy đoàn quân áp tải tù nhân?
Chăm chú nhìn Phá Thiên Lôi giây lát đoạn cao giọng:
– Chính ta…
– Ta hỏi ngươi một câu là các tù nhân này có phải là tôn thất nhà Lý bị gả cho các tù trưởng ở miền thượng du không?
– Đúng… Ta lãnh lệnh triều đình đưa họ lên giao cho các thổ quan của các châu huyện thuộc đạo Đà Giang. Ngươi hỏi để làm gì?
Mắt phượng sáng long lanh cô gái ngang tàng trả lời câu hỏi của vị đại diện triều đình:
– Ta thấy họ đáng thương nên muốn giúp đỡ…
Tên đội trưởng chỉ huy toán quân canh tù đặt tay lên chuôi kiếm. Vành môi hơi nhếch thành nụ cười hắn gằn giọng:
– Ta thấy ngươi nhỏ tuổi lại thêm phận nữ nhi cho nên không muốn nặng tay. Ngươi biết điều nên rút lui bằng không ta sai lính còng đầu ngươi bây giờ…
Hắn lầm. Lầm to khi nghĩ rằng nhân vật đang đứng trước mặt mình là phận nữ nhi lại thêm trẻ tuổi. Thân ảnh chớp chớp kèm theo hai tiếng bịch… bịch… vang lên. Tên đội trưởng té ngồi trên đất. Hắn mở to mắt nhìn cô gái trẻ tuổi đang cầm trong tay thanh trường kiếm của mình.
– Bắt nó cho ta…
Tên đội trưởng hét lớn. Đám lính canh tuốt vũ khí bao lấy lấy cô gái. Cười ròn tan Phá Thiên Lôi rung tay. Âm thanh của sắt thép va chạm cùng với tiếng la hét đau đớn vang lên. Bị đánh xiểng niểng đám lính quăng vũ khí ù té chạy quên cả chủ tướng đang bị bắt. Tuy nhiên chúng chạy không xa vì sự can thiệp của Vô Gia Tử, Hải Âu Xứ Kiếm và Hoàng Sa Đảo Chúa. Không cản được việc làm của Phá Thiên Lôi do đó họ chỉ còn cách hay nhất là bắt giữ đám lính canh tù không cho đi báo quan quyền sở tại.
– Ngươi tính sao?
Hải Âu Xứ Kiếm hỏi Hoàng Sa Đảo Chúa, người lớn tuổi nhất và có nhiều kinh nghiệm giang hồ nhất trong bọn. Trầm ngâm giây lát vị chúa đảo Hoàng Sa hắng giọng:
– Việc cũng đã lỡ rồi vả lại cứu người hoạn nạn cũng là việc nên làm…
Cười ròn tan Phá Thiên Lôi nói với Hoàng Sa Đảo Chúa:
– Cám ơn Hoàng đại huynh…
Nhẹ lắc đầu vị chúa đảo nói đùa:
– Có một cô em gái như cô nương chắc ta phải mang bệnh nhức đầu kinh niên…
Trông thấy đoàn cung nhân đứng co ro và rũ rượi Phá Thiên Lôi thở dài nói nhỏ:
– Ta phải làm sao… Họ bơ vơ lạc lõng…
Cười hí hí Vô Gia Tử lên tiếng nói với vị chúa đảo Hoàng Sa chứ không nhằm ý nói với Phá Thiên Lôi bởi vì y biết cô gái nhỏ tuổi đó thiếu kinh nghiệm giang hồ để giải quyết chuyện khó khăn và nhức đầu này.
– Ta không thể bỏ rơi họ mà cũng không thể cưu mang họ…
– Ngươi có ý kiến gì?
Hoàng Sa Đảo Chúa hỏi gọn trong lúc Hải Âu Xứ Kiếm nhìn bạn chăm chú như chờ nghe ý kiến của một người mà y biết là thông minh và quyền biến.
– Muốn cứu giúp họ trước nhất ta cần phải biết họ là ai. Cho nên các ngươi cứ canh chừng mấy thằng lính canh để ta dò hỏi tù nhân xong sẽ tính cách…
Hoàng Sa Đảo Chúa nói như ra lệnh:
– Được… Ngươi toàn quyền hành động…
Dứt lời y cùng Hải Âu Xứ Kiếm và Phá Thiên Lôi đi tới chỗ đám lính. Bước về phía nhóm đàn bà con gái đang đứng xì xầm bàn tán nho nhỏ Vô Gia Tử vòng tay thi lễ xong cười lên tiếng:
– Thưa chư vị tên của tôi là Vô Gia Tử…
Một người đàn ông luống tuổi hắng giọng:
– Các hạ là vũ sĩ giang hồ?
– Đúng… Tại hạ là vũ sĩ giang hồ… Nếu tôi không lầm thời chư vị là cung nhân của triều Lý…
Một giọng nói chững chạc vang lên cùng với sự xuất hiện của một thanh niên tuổi không quá ba mươi:
– Các hạ lầm rồi… Bọn ta không phải là cung nhân mà chính là tôn thất nhà Lý…
Vô Gia Tử chớp mắt thật nhanh rồi im lặng khi nghe thanh niên nói tiếp:
– Tôi tên là Lý Long Hồ, tất cả những người ở đây đều là anh em họ hàng với tôi…
– Ạ…
Vô Gia Tử gật gù cười thốt:
– Bốn chúng tôi đều là vũ sĩ giang hồ và đang bị nhân viên do thám truy nã…
Lý Long Hồ gật đầu. Vô Gia Tử nhận thấy tuy còn trẻ song Lý Long Hồ quả đúng là họ hàng của vua chúa xuyên qua cung cách đường hoàng và lời ăn tiếng nói rất chững chạc.
– Long Hồ tôi biết điều đó. Ít có người trốn thoát khỏi sự truy lùng của đoàn do thám Thăng Long. May ra…
Thanh niên họ Lý bỏ lững câu nói ở đó. Ngẫm nghĩ giây lát Vô Gia Tử trở lại chỗ ba người bạn đứng. Không biết y nói những gì mà Hoàng Sa Đảo Chúa, Hải Âu Xứ Kiếm, Phá Thiên Lôi và y đi lại nơi Lý Long Hồ đang đứng. Ôm quyền thi lễ Hoàng Sa Đảo Chúa nói gọn:
– Hoàng Sa Đảo Chúa tôi hân hạnh được gặp chư vị. Thú thật là cứu giúp chư vị song chúng tôi không thể cưu mang chư vị được…
Lý Long Hồ gật đầu:
– Tôi biết điều đó cho nên đã nghĩ ra một giải pháp. Theo tôi không có chỗ nào dung thân an toàn hơn hết là những vùng xa xôi hẻo lánh. Tôi nghe nói vùng Lâm Bình, Bố Chính và Minh Linh…
– Từ đây vào tới Lâm Bình đường xa diệu vợi, phải qua sông qua núi lại thêm cướp bóc như rươi…
Hoàng Sa Đảo Chúa lên tiếng và Lý Long Hồ cười nhẹ:
– Tôi biết điều đó. Tôi biết đường vào Lâm Bình. Không dấu chi chư vị tôi từng là tướng chỉ huy binh đội của triều đình…
Vô Gia Tử cười cười lên tiếng:
– Tôi nghĩ Lý tướng quân cần tiền lộ phí và khí giới để phòng thân…
Hải Âu Xứ Kiếm chợt xen vào câu chuyện:
– Lý tướng quân nghĩ mình có thể chiêu dụ được tên đội trưởng và đám lính canh không. Chúng có thể trở thành một phụ tá đắc lực cho tướng quân…
Lý Long Hồ cười gật gù:
– Tôi xin thử…
Vô Gia Tử cười hí hí nói với Hải Âu Xứ Kiếm:
– Họ cần một số tiền lớn để vào Lâm Bình mà bọn ta thời cạn túi rồi. Ta với ngươi vào huyện đường vét một mẻ…
Hải Âu Xứ Kiếm cười ha hả:
– Gì chứ ăn trộm của công thời ta không ngần ngại…
Trong lúc Vô Gia Tử và Hải Âu Xứ Kiếm triển thuật phi hành chạy vào huyện Mỹ Lương, Lý Long Hồ bước tới to nhỏ với tên đội trưởng và toán lính canh. Không biết y nói những gì mà những người này đều gật đầu.
Trở lại chỗ Hoàng Sa Đảo Chúa đứng Lý Long Hồ vui vẻ thốt:
– Họ bằng lòng theo tôi vào nam với điều kiện là tôi hứa gả các cô em bà con cho họ…
Hoàng Sa Đảo Chúa cười cười:
– Tốt lắm… Đợi hai người kia ăn trộm tiền xong là chư vị có thể lên đường…
Phá Thiên Lôi chợt lên tiếng:
– Ta tình nguyện đưa họ qua khỏi đèo Ba Dội xong trở lại gặp các ngươi…
Hoàng Sa Đảo Chúa mừng thầm song y không nói ra. Nhìn Phá Thiên Lôi y cười thốt:
– Ta có hẹn với Lãng Thư Sinh tại miếu Ngô Vương ở Đường Lâm thuộc huyện Phúc Thọ vào ngày hai mươi tám. Bây giờ là hai mươi…
Phá Thiên Lôi gật đầu:
– Ta sẽ đúng hẹn… Ta biết cách tìm ra các ngươi…
Chừng khắc sau Vô Gia Tử và Hải Âu Xứ Kiếm trở lại. Mỗi người đều mang một bọc nặng chĩu. Trao cho Lý Long Hồ thanh trường kiếm Vô Gia Tử cười nói:
– Tại hạ lấy được trong dinh quan huyện…
Đeo thanh kiếm vào bên hông xong Lý Long Hồ thấp giọng:
– Tôi biết vũ sĩ như chư vị ” thi ân bất cầu báo ” do đó tôi chỉ nói một lời là hi vọng sẽ tái ngộ chư vị…
Kính cẩn thi lễ xong Lý Long Hồ ra lịnh cho thân thuộc lên đường. Đoàn xe và người đổi hướng trở lại lối cũ.
Vô Gia Tử lẩm bẩm:
– Đường vào Lâm Bình xa lắm…
Hoàng Sa Đảo Chúa chầm chậm gật đầu:
– Ta biết… Hi vọng họ đi đường bình an…
Chờ đoàn xe của tôn thất nhà Lý khuất bóng ba người mới tìm đường tới thôn Đường Lâm để gặp Lãng Thư Sinh.
15
Giữa đường gặp gỡ
Chiều từ từ xuống. Tiếng chuông công phu của ngôi chùa thôn Đường Lâm vọng lên rời rạc. Trời trong vắt không một gợn mây. Hai người ngập ngừng bước vào miếu Ngô Vương. Đó là một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng khoảng gần ba mươi còn người vợ độ hai mươi ngoài. Y phục của họ bằng vải thô và chân mang giày rơm, song cử chỉ và cốt cách lại khác hẵn dường như họ xuất thân từ nơi giàu có và quyền quí. Mỗi người mang trên vai gói hành lý nhỏ.
– Trời sắp sữa tối rồi chắc chúng ta tạm ngụ trong miếu này qua đêm rồi mai sáng sẽ lên đường sớm…
Người chống thong thả lên tiếng và người vợ cất giọng ôn nhu và lễ độ:
– Thưa phu quân tính như thế rất tiện lợi… Thiếp đâu có than phiền điều gì…
Nói xong người vợ mỉm cười nhìn chồng một cách âu yếm. Đặt hai gói hành lý vào trong góc người chồng dìu vợ ngồi xuống nền nhà lát gạch. Dân làng ở Đường Lâm rất sùng bái và kính phục Ngô Vương Quyền cho nên họ thay phiên nhau săn sóc ngôi miếu thờ vì thế nền gạch sạch trơn và bóng loáng.
– Miếu này là miếu gì thưa phu quân?
Không trả lời câu hỏi của vợ người chồng im lặng nhìn ra ngoài trời. Nắng chiều vàng đọng trên cành cây soan ngoài sân. Khẽ thở dài người chồng âu yếm nhìn vợ:
– Đây là miếu thờ Ngô Vương, vị anh hùng đã đánh bại quân Nam Hán để đem lại nền tự chủ và độc lập cho nước ta sau hơn một ngàn năm nô lệ…
– Thiếp đọc sách nói thôn Đường Lâm có hai vị anh hùng dân tộc là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền. Hóa ra chúng ta đang ở trong miếu thờ Ngô Vương…
Lại thở dài người chồng lên tiếng phụ họa lời của vợ:
– Phu nhân nói đúng… Dân chúng thôn Đường Lâm rất tự hào vì có hai vị anh hùng xuất thân từ nơi chôn nhau cắt rún của họ. Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là một người khoẻ mạnh lại tinh thông võ nghệ nhất là môn vật cổ truyền của dân tộc ta. Người ta đồn ông có thể vật trâu đánh hổ. Vào khoảng đời Đường quan đô hộ sứ Giao Châu Cao Chính Bình là một kẻ tham lam và tàn ác khiến cho dân chúng khổ sở lầm than. Bất bình vì lời ta thán của dân lành vô tội Phùng Hưng chiêu mộ hào kiệt, thu nạp binh lính, chế tạo cùng mua sắm vũ khí rồi đứng lên chống lại nhà Đường. Tuy cuộc quật khởi của ông chỉ đem lại tự do và độc lập cho đất nước trong quãng thời gian ngắn song chứng tỏ chí quật cường của dân ta vì thế sau khi ông mất dân chúng làng Đường Lâm mới lập đền thờ. Còn Ngô Vương thời chắc phu nhân thông thạo hơn ta nhiều…
Người chồng chợt ngưng nói khi nghe có tiếng bước chân vang lên ngoài sân rồi một thanh niên trẻ tuổi ăn mặc như hàng dân giả thong thả bước vào.
Thấy có người đang ở trong miếu thanh niên vòng tay kính cẩn thi lễ:
– Xin nhị vị thứ cho sự đường đột. Kẻ hèn này tưởng…
Kín đáo quan sát thanh niên mới vào xong người chồng điềm đạm cất tiếng:
– Không có chi… Đây là miếu thờ Ngô Vương chứ không phải nhà riêng của chúng tôi. Hai vợ chồng tôi chỉ là kẻ lỡ đường tạm ngụ qua đêm…
Mỉm cười nhìn vợ một cách âu yếm người chồng tiếp:
– Tiện nội họ Ngô… Tuy không phải là hậu duệ của Ngô Vương song tiện nội rất ngưỡng mộ Ngô Vương…
Thiếu phụ cười khẽ và nói với giọng ôn nhu song pha chút bông đùa:
– Thưa tôn ông… Thấy người ta sang bắt quàng làm họ chính là tôi đó…
Thanh niên mới vào bật tiếng cười vui vẻ xong đặt gói hành lý cồng kềnh vào trong góc miếu. Nhìn quanh quất y cười nói:
– Lãng Thư Sinh tôi hân hanh được hội ngộ nhị vị hiền phu phụ…
Thấy hai vợ chồng đều nhìn mình với ánh mắt dò hỏi y từ từ giải thích:
– Chẳng dấu chi nhị vị tôi trước cũng theo đòi đèn sách song trượt vỏ chuối hoài đâm chán nản bỏ đi du lãng giang hồ. Bằng hữu quen biết thường hay gọi đùa là Lãng Thư Sinh…
– Ạ…
Ạ tiếng nhỏ người chồng liếc nhanh vợ rồi lên tiếng:
– Hân hạnh được hội ngộ với tiên sinh…
Ba người im lặng nhìn ra ngoài. Nắng chiều đọng trên cành cây soan cao ngất ngoài sân. Lát sau Lãng Thư Sinh khẽ tằng hắng:
– Nhị vị chắc chưa dùng cơm tối?
Người chồng ngần ngừ không trả lời thời người vợ lên tiếng trước:
– Hai chúng tôi không đói lắm… Mời tiên sinh tự nhiên…
– Tiện sinh có lòng thành mời nhị vị bữa cơm tối. Cũng chẳng phải là cao lương mỹ vị gì…
Người vợ nhìn chồng hỏi ý. Thấy chồng khẽ gật đầu nàng cười nhẹ thốt:
– Đa tạ tiên sinh… Vì gấp rút lên đường nên chúng tôi không kịp chuẩn bị…
Lãng Thư Sinh tháo gói hành lý lấy ra một gói bọc bằng lá chuối. Người vợ nói đùa:
– Tôi ngửi được mùi gà nướng… Thế mà tiên sinh bảo là chẳng cao lương mỹ vị…
Lãng Thư Sinh bật cười vui vẻ vì câu nói đùa của thiếu phụ nhưng lại lắc đầu cười thốt:
– Món gà nướng quê mùa của thôn Đường Lâm sẽ không làm nhị vị hài lòng lắm…
Người chồng lên tiếng ngắt lời kẻ mới quen:
– Hai vợ chồng tôi cũng xuất thân từ chốn quê mùa dân giả…
Lãng Thư Sinh nhìn hai vợ chồng giây lát như để nhận xét và so sánh rồi mỉm cười không thừa nhận song cũng không phủ nhận về câu nói của người chồng. Cuối cùng y lên tiếng:
– Mời nhị vị dùng đũa…
Đưa năm ngón tay lên y cười tiếp:
– Tiện sinh hàm ý là vật này…
Không khách sáo hai vợ chồng ngồi vào.
– Tiên sinh thứ lỗi…
Người vợ vừa dùng tay xé con gà vừa nói câu xã giao trên. Đặt hai cái đùi gà trước mặt khách và chồng nàng cười nhẹ:
– Mời tiên sinh và phu quân…
Chầm chậm nhai miếng thịt gà xong bóc miếng xôi bỏ vào miệng Lãng Thư Sinh tặc lưỡi:
– Ông bà mình nói miếng ăn ngon không cần phải cao lương mỹ vị… Điều đó thật đúng…
Nhìn hai vợ chồng y cười nói tiếp:
– Đói bụng thời ăn cái gì cũng ngon…
Người chồng cười gật gù:
– Tiên sinh nói đúng… Đói bụng thời cơm nguội cá kho cũng ngon huống hồ gì thịt gà nướng…
Hai người đàn ông vừa ăn vừa trò chuyện một cách vui vẻ. Lãng Thư Sinh thầm nhận xét đôi vợ chồng mới quen này tuy ăn mặc lam lũ song lời ăn tiếng nói lễ độ và lịch sự. Cách xưng hô, đối đáp và nhất là ngôn ngữ của họ chỉ có nơi hàng trâm anh thế phiệt hoặc quyền quí cao sang.
Như có ý muốn tìm hiểu về hai người mới quen y điềm đạm lên tiếng:
– Tiện sinh định thăm viếng Tam Đảo. Nhị vị hiền phu phụ sống ở vùng này chắc phải biết rành về Tam Đảo?
Người vợ liếc nhanh chồng. Thấy chồng khẽ gật đầu nàng cười thánh thót:
– Tôi nghe người ta nói núi Tam Đảo nằm ở địa phận hai xã Lan Đình và Sơn Đình huyện Tam Dương lộ Quốc Oai. Sở dĩ có tên Tam Đảo là vì có ba ngọn núi cao chót vót. Ngọn chính giữa là Thạch Bàn, bên tả là Thiên Thị còn bên hữu là Phù Nghĩa. Phía sau vách núi dựng đứng còn đỉnh núi đất đá lẫn lộn nên cây cối rậm rạp xanh tươi với nhiều loại như quế, hồi… Phía trước dưới chân núi có khe Giải Oan tức là thượng nguồn của sông Sơn Tang thuộc huyện Yên Lạc. Sông Sơn Tang từ khe Giải Oan chảy qua Sơn Tang, Hương Canh rồi qua Nam Viêm xong đổ vào sông Nguyệt Đức. Núi Thạch Bàn còn có tên gọi khác là Kim Thiên cao ngất trời và khe thác nhiều không kể xiết. Từ phía tả khe Giải Oan đi lên núi đến hồ sen sắc nước xanh biếc và sen đỏ nở hoa bốn mùa thơm ngát. Hai bên hồ suối từ sườn đá đổ xuống như tấm lụa, bên tả gọi là suối Bạc còn bên hữu gọi là suối Vàng…
Thiếu phụ ngừng nói mỉm cười nhìn chồng xong quay qua nói Lãng Thư Sinh:
– Tôi chỉ biết vậy thôi. Tiên sinh là học trò văn hay chữ tốt chắc biết nhiều hơn tôi…
Lãng Thư Sinh cười lớn:
– Tiện sinh là một cuồng sinh mấy lần phạm trường qui cho nên đâu dám tự cho mình văn hay chữ tốt. Phu nhân mà đi thi nếu không đỗ đệ nhất giáp thời cũng phải đệ nhị hay đệ tam giáp…
Người chồng cười lên tiếng thay cho vợ:
– Đa tạ tiên sinh quá khen… Tiện nội trời sinh thông minh học một biết mười lại là con mọt sách…
Cười lớn Lãng Thư Sinh hỏi:
– Nếu tiện sinh không lầm nhị vị chắc không phải xuất thân từ hàng thứ dân?
Dứt câu y nhìn người chồng chăm chú như chờ nghe câu trả lời.
– Vin vào điều gì mà tiên sinh cho rằng hai chúng tôi không phải là hàng thứ dân nghèo khổ?
Thiếu phụ ứng tiếng trả lời thay cho chồng bằng một câu hỏi.
– Nhị vị không nhận ra sự khác biệt giữa mình và hàng dân giả ư?
Lãng Thư Sinh trả lời câu hỏi của thiếu phụ bằng một câu hỏi khiến cho cả ba người đồng cất tiếng cười vui vẻ. Xuyên qua cuộc chuyện trò họ ngầm hiểu rằng người mình tình cờ gặp gỡ trong miếu Ngô Vương không phải thuộc hàng thứ dân nghèo khổ mà phải có thân thế và lai lịch khác thường chỉ có điều họ không muốn tiết lộ.
Bóng tối đổ xuống thật nhanh xóa nhòa cảnh vật bên ngoài. Đứng lên khơi sáng thêm ngọn đèn dầu Lãng Thư Sinh cười nói với hai vợ chồng:
– Nhị vị cần phải nghỉ ngơi để mai lên đường sớm. Tiện sinh chúc nhị vị ngon giấc…
– Đa tạ tiên sinh…
Người chồng lên tiếng xong ngồi tựa lưng vào vách trong lúc người vợ nằm bên cạnh. Mỗi người im lặng theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình. Tiếng côn trùng rỉ rả.
Quá canh ba đang ngồi tựa lưng vào vách Lãng Thư Sinh chợt mở mắt và bàn tay mặt khẽ đặt lên gói hành lý nằm bên cạnh. Y nghe được tiếng bước chân của người nào đó dẫm lên trên đất. Không phải một người mà là hai người đang bước vào sân trước miếu Ngô Vương.
Qua ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu dọi ra tới cửa y thấy hai người bước vào. Họ mặc thứ y phục đặc biệt mà thấy một lần rồi y không bao giờ quên. Đó là sắc phục của nhân viên thuộc ban truy tầm đoàn do thám Thăng Long.
Nghe có tiếng cựa mình Lãng Thư Sinh liếc qua chỗ hai vợ chồng nằm và thấy cả hai cũng thức giấc. Điều khiến cho y kinh ngạc là thái độ của hai vợ chồng không được bình thường lắm nếu không muốn nói là lo âu và sợ hãi.
Hai nhân viên do thám liếc nhanh ba người lạ ở trong miếu rồi lẳng lặng ngồi vào trong góc trái. Không khí trong miếu lại chìm vào im lìm song có người không ngủ.
Nhờ nhãn lực tinh tường vả lại khoảng cách cũng gần do đó Lãng Thư Sinh thấy thiếu phụ nắm chặt tay chồng trong lúc người đàn ông hai mắt mở thao láo nhìn về phía hai nhân viên do thám. Thái độ đó chứng tỏ ông ta vừa phòng bị vừa lo âu.
Quay nhìn về phía hai nhân viên do thám y thấy chúng xầm xì to nhỏ. Tuy nhiên không có chuyện gì xảy ra và đêm qua trong yên lặng.
Tiếng gà eo óc gáy rồi lát sau bắt đầu rộ lên song trời vẫn còn tối. Hai vợ chồng thức giấc sửa soạn hành lý để lên đường. Mang gói hành lý cồng kềnh vào vai Lãng Thư Sinh nói nhỏ:
– Nhị vị lên đường bình an… Tiện sinh hy vọng sẽ gặp lại nhị vị…
Nằm lấy tay vợ người chồng lên tiếng ngắn và gọn:
– Đa tạ tiên sinh…
Hai người bước đi. Ngang qua chỗ hai nhân viên do thám đang ngồi cả hai cúi gầm mặt xuống như không muốn người ta nhận diện mình. Lãng Thư Sinh thấy hai nhân viên do thám liếc nhau đoạn một người buông gọn hai chữ:
– Đứng lại…
Nghe tiếng quát hai vợ chồng ngưng bước.
– Hai ngươi đứng lại cho ta hỏi…
Người chồng quay đầu lại cười gượng:
– Nhị vị muốn hỏi điều chi?
Hai nhân viên do thám từ từ đứng dậy. Một tên đặt tay vào chuôi đao mang bên hông.
– Hai vợ chồng ngươi đi về đâu?
Hơi ngập ngừng giây lát người chồng hắng giọng:
– Hai chúng tôi đi Bắc Giang…
Lãng Thư Sinh trông thấy tên do thám mang đao cười nhạt.
– Hai ngươi quê quán ở đâu? Đi Bắc Giang làm gì?
Lãng Thư Sinh cau mày khi nghe cung cách điều tra đầy xấc xược của hai nhân viên do thám. Đó là giọng điệu hỏi cung đầy tính chất quan quyền. Tuy không thấy nét mặt của người chồng song nhìn thấy bàn tay mặt của ông ta nắm chặt lại y biết ông ta nổi giận vì câu hỏi xấc xược, cộc cằn của hai tên do thám.
– Quê chúng tôi ở Quốc Oai còn chúng tôi đi Bắc Giang thăm bà con…
– Bà con của ngươi tên gì? Ở đâu?
– Người bà con của chúng tôi tên là Nguyễn Bách Phú ở huyện Đông Ngàn…
Giọng nói trầm trầm của người chồng vang lên trong ngôi miếu thờ rét mướt và lạnh lẻo. Lãng Thư Sinh bỗng nhiên bật lên tiếng cười ngắn. Giọng cười của y như có vẻ diễu cợt vì sự tra hỏi của hai nhân viên do thám. Hai tên này nhìn nhau hỏi ý đoạn một tên hướng về Lãng Thư Sinh hỏi một câu cộc lốc:
– Còn ngươi tên gì? Tại sao ngươi cười?
Lãng Thư Sinh chưa vội trả lời. Tên do thám cười gằn:
– Ngươi cười gì? Bộ ta lạ lắm sao mà ngươi cười?
Lãng Thư Sinh vẫn giữ được thái độ bình tịnh khi nghe hai nhân viên của đoàn do thám Thăng Long chuyển đề tài bằng cách sừng sộ và hạch sách mình.
– Tôi đâu có cười hai đại nhân. Tôi nào dám cười đùa hay trêu chọc nhân viên của đoàn do thám Thăng Long…
Giọng nói của Lãng Thư Sinh cao lên khi nói tới năm chữ cuối cùng như ngầm thông báo cho hai vợ chồng mà mình mới quen trong miếu Ngô Vương.
Thoạt đầu khi hai tên do thám vào miếu y đoán là chúng theo dõi mình. Tuy nhiên tới bây giờ y mới biết mình đoán không đúng. Qua câu chuyện dường như hai tên do thám đang tìm kiếm hoặc truy tầm đôi vợ chồng nào đó có liên hệ tới vấn đề nào đó mà y chưa khám phá ra. Từng bị săn đuổi bởi nhân viên do thám cho nên y biết nếu bị truy tầm hai vợ chồng xa lạ này không thể nào trốn thoát được. Dù chỉ quen biết nhau qua một đêm y cảm thấy ái ngại cho hoàn cảnh khốn khổ của họ.
Nghe Lãng Thư Sinh nói tới năm chữ ” đoàn do thám Thăng Long ” người vợ lộ vẻ lo âu và sợ sệt trong lúc người chồng im lìm không lên tiếng.
– Trời sáng rồi tiện sinh cũng phải lên đường về Phượng Sơn cho kịp lúc trời tối…
Không một ai thấy được trong khi nói câu trên Lãng Thư Sinh đã dùng tay viết lên trên nền gạch đỏ hai chữ ” Thiên Đức “.
Người chồng chợt lên tiếng:
– Hoá ra tiên sinh cũng ở Bắc Giang mà tôi không biết. Phượng Sơn và Thiên Đức cũng là láng giềng với nhau…
Mang gói hành lý cồng kềnh vào vai Lãng Thư Sinh cười nói với hai vợ chồng:
– Tiện sinh hân hạnh được đồng hành với nhị vị một đoạn đường. Mời nhị vị đi trước…
Ngập ngừng giây lát người vợ mới cùng chồng bước ra khỏi cửa. Lãng Thư Sinh thong thả theo sau. Hai nhân viên do thám im lặng nhìn ba người bước ra sân mà không có lời nói hoặc thái độ ngăn cản. Khi ba người vừa quẹo vào con đường làng một tên nói với đồng bọn:
– Ta nghi ngờ chúng lắm…
– Ta cũng thế… Ngươi bám đuôi bọn chúng còn ta tới gặp Anh Tư để trình bày đầu đuôi câu chuyện…
Dứt lời một tên biến mất sau cửa hậu của miếu Ngô Vương.
16
Về Hoa Lâm
Lý Đông Ba, Tiểu Dung và Thanh Anh ngồi trong một quán ăn nhỏ và xập xệ nơi ngã ba. Ba người cắm cúi ăn uống không ai nói với ai lời nào. Ngưng đũa Lý Đông Ba nhìn đăm đăm nhìn con đường thiên lý chạy dài mút mắt.
– Nội nội… Đây là đâu vậy nội nội?
Tiểu Dung lên tiếng. Lý Đông Ba cười trả lời đứa cháu nội thân yêu.
– Đây là chợ Thổ Hà?
Thấy cháu nội còn ngơ ngác ông ta tiếp nhanh.
– Thổ Hà là một làng nhỏ thuộc huyện Yên Viên lộ Bắc Giang. Nó nằm trên tả ngạn sông Nguyệt Đức…
– Sông Nguyệt Đức là sông nào vậy nội nội?
Lý Đông Ba chưa kịp trả lời Thanh Anh cười nói thay.
– Nguyệt Đức là con sông nằm cách huyện Vũ Ninh mươi dặm về phía bắc, là một hợp lưu của hai nguồn nước khác nhau. Một nguồn từ phía nam sông Ngọc Long ở châu Thái Nguyên chảy vào địa phận huyện Hiệp Hòa mà dân sở tại gọi là sông Hà Châu, sông Trà Lâm, sông Gia Cát rồi chảy khoảng năm mươi dặm vào sông Hương La thuộc huyện Yên Phong. Nguồn nước thứ hai bắt từ sông Bạch Hạc chảy qua địa phận các huyện Yên Lãng và Yên Lạc rồi vào địa phận huyện Kim Anh làm sông Phù Lai, sông Hương Da, sông Phù Lỗ lại chảy một đoạn dài thành sông Thiên Phúc rồi hợp với sông Hương La tại ngã ba Hương La sau đó chảy qua các huyện Hiệp Hòa, Yên Phong, Yên Viên và Võ Giàng rồi đến sông Phả Lại huyện Quế Dương rồi vào sông Đại Than huyện Gia Bình hợp với sông Thiên Đức…
– Hiền đệ nói như thế chị làm sao nhớ hết được?
Tiểu Dung nói trong tiếng cười. Dường như nàng rất thích thú khi biết Thanh Anh so về vai vế phải gọi nàng bằng chị mặc dù nàng nhỏ tuổi hơn. Đưa tay chỉ con đường trước mặt Thanh Anh cười nói.
– Đi theo con đường này chừng vài chục dặm ta sẽ tới phủ Thiên Đức…
– Nội nội… Lý hiền đệ nói có đúng không nội nội?
Nhấp ngụm trà bốc khói Lý Đông Ba gật đầu cười.
– Đúng đó con… Ta khen ngợi cho sự hiểu biết của Thanh Anh…
Nhìn Lý Đông Ba bằng vẻ biết ơn Thanh Anh cười nói tiếp.
– Lúc nhỏ ngoài việc khổ luyện vũ thuật cháu còn bỏ thời giờ đọc nhiều sách về địa lý rồi khi cháu lớn lên cha cháu lại dẫn đi khắp nơi trong nước. Cha cháu thường dạy rằng muốn lưu lạc giang hồ cháu phải thông thạo địa thế như núi sông, làng mạc, chùa chiền, phong thổ lẫn khí hậu. Cha cháu và cháu thường hay lên vùng Trùng Khánh, Tràng Định, Lạng Giang, vùng biên giới Đại Lý, Hoá Châu, Hoan Châu, Tam Đảo, Tản Viên để tìm kiếm dược thảo như nhân sâm, hà thủ ô, sừng nai… Ông có nghe người ta nói núi Tản Viên và huyện Bất Bạt có một loại cỏ tên là Vô phong độc dao thảo, đầu như con ve, đuôi như đuôi chim, hai nhánh có thể tự tách ra và chụm lại được, nếu có người tới gần vổ tay ca hát thời lá rung động như múa…
Lý Đông Ba cười nhẹ nhấp ngụm nước trà.
– Ta có nghe nói tới loại cỏ đó nhưng chưa thấy tận mắt. Nước ta núi cao rừng rậm nhiều không kể xiết lại ít người lui tới hay cư ngụ cho nên chuyện lạ xảy ra cũng là thường tình…
Ngừng lại giây lát ông ta cười tiếp.
– Hai con cơm nước xong rồi chúng ta lên đường. Từ đây về Hoa Lâm xa lắm. Ít nhất cũng ba bốn ngày đi bộ…
– Bộ ta đi suốt đêm không ngủ hả ông nội?
Tiểu Dung lên tiếng hỏi và Lý Đông Ba nhẹ gật đầu đáp.
– Ban đêm đường vắng vẻ nhờ đó chúng ta có thể dùng thuật phi hành đi nhanh hơn…
Nói tới đó ông ta chợt dừng lại nhìn chăm chú rồi thấp giọng nói xuống như tiếng thì thầm vừa đủ cho Thanh Anh và Tiểu Dung nghe.
– Nhân viên do thám… Ba tên đang đi tới… Hai con cứ ngồi yên… Có lẽ chúng…
Lý Đông Ba dừng lại khi thấy ba nhân viên do thám thuộc ban tin tức đi gần tới chỗ mình ngồi. Tuy nhiên chúng dừng lại nơi ngã ba dường như chờ đợi đồng bọn. Đôi mày bạc cau lại ông ta ngưng thần như cố lắng tai nghe ba nhân viên của đoàn do thám Thăng Long nói chuyện với nhau.
– Ta đợi toán ba tới rồi đi luôn một thể cho tiện. Từ đây tới thôn Thái Đường cũng không xa lắm…
Lý Đông Ba động dung khi nghe tên do thám nói tới ba chữ ” thôn Thái Đường “. Khẽ ra dấu cho Thanh Anh và Tiểu Dung im lặng ông ta ngưng thần nghe tiếp.
– Thưa Anh Tư… Chắc có việc gì quan trọng lắm nên anh mới rời Lạng Sơn trong lúc mùa đông giá rét…
– Lê Thăng… Ngươi đoán đúng đấy. Chuyện này không những quan trọng mà còn cấp bách nữa. Đây là lệnh của quan thái sư cho nên không những ta mà luôn cả ba vị trưởng ban của ba ban tin tức, truy tầm và ám sát đều được lịnh phải có mặt ở xã Hoa Lâm để thi hành nhiệm vụ. Toán ba tới rồi thôi chúng ta đi kẻo trễ…
Lý Đông Ba trông thấy một toán nhân viên của đoàn do thám Thăng Long chừng mười mấy người đi tới nhập vào toán của ba người đang đứng đợi xong rồi kéo nhau xuôi về hướng nam.
– Có chuyện gì vậy ông nội?
Không vội trả lời câu hỏi của đứa cháu gái Lý Đông Ba nhẹ hỏi Thanh Anh.
– Cháu biết thôn Thái Đường thuộc xã Hoa Lâm của phủ Thiên Đức là gì không?
Thanh Anh đáp không do dự.
– Cha cháu nói đó là hành cung của tổ tiên ta, là nơi dòng họ bà con của ta hàng năm thường tụ hội để tế lễ tổ tiên… Thôn Thái Đường nằm cạnh sông Thiên Đức…
– Sông Thiên Đức ở đâu vậy Lý hiền đệ?
Tiểu Dung lên tiếng hỏi. Thanh Anh chưa kịp trả lời Lý Đông Ba đặt một đồng Thiên Tư Thông Bảo lên bàn xong thì thầm.
– Ba tên do thám hồi nãy nói chuyện với nhau trong đó ta nghe chúng nói tới tên Thái Đường. Ta linh cảm…
Ông ta nói tiếp trong lúc đứng lên.
– Chút nữa ta sẽ nói rõ cho hai con nghe trong lúc đi. Ở đây tai vách mạch rừng không tiện nói nhiều…
Dứt lời Lý Đông Ba bước nhanh ra đường. Đó cũng chính là con đường mà toán nhân viên của đoàn do thám Thăng Long đã đi qua. Trời mùa đông. Gió lạnh căm mặc dù nắng le lói. Nhà cửa lác đác và người đi lại lưa thưa.
Ngó trước ngó sau không thấy ai Lý Đông Ba hắng giọng:
– Hàng năm vào mùa đông tất cả họ hàng của chúng ta khắp nơi trong nước tụ về thôn Thái Đường ở xã Hoa Lâm để gặp gỡ nhau và làm lễ tế tổ tiên…
– Hoa Lâm ở đâu vậy nội nội?
Tiểu Dung hỏi và Thanh Anh hắng giọng:
– Ông cho phép con được trả lời. Xã Hoa Lâm nằm cạnh sông Thiên Đức. Đây là hành cung mà các vua nhà Lý của ta thường hay trú ngụ mỗi khi về thăm quê quán…
– Sông Thiên Đức ở đâu hả Lý hiền đệ?
Tiểu Dung lập lại câu hỏi của mình lần nữa như có ý muốn Thanh Anh phải trả lời. Hiểu ý anh chàng họ Lý cười đáp:
– Sông Thiên Đức ở cách phủ Thiên Đức chừng hai mươi bảy dặm về phía tây. Nó là một nhánh của sông Lô chảy vào địa phận xã Xuân Canh rồi đổ về hướng nam qua các huyện Gia Lâm, Tiên Du và Siêu Loại mà dân địa phương gọi là sông Lạc Thổ hay sông Đông Hồ rồi sau đó chảy vào xã Vũ Dương thuộc huyện Quế Dương tới huyện Gia Bình thành sông Đại Than rồi gặp hai con sông Nguyệt Đức và Nhật Đức…
Lý Đông Ba mĩm cười khi nghe Thanh Anh giảng dạy cháu nội của mình về địa dư nước nhà. Đợi cho Thanh Anh dứt lời và Tiểu Dung không hỏi gì nữa ông ta mới trầm trầm lên tiếng:
– Đây là dịp để cho Trần Thủ Độ ra tay tiêu diệt hết dòng họ của chúng ta…
– Nội nội… Như vậy chúng ta phải làm sao?
Tiểu Dung lên tiếng hỏi. Quay nhìn Thanh Anh đang bước song song với mình Lý Đông Ba nói với giọng buồn rầu pha chút phẫn hận:
– Ta đã già gân chùng cốt mỏi trong khi hai con dù bản lĩnh cao siêu cũng không thể nào đối địch lại đoàn do thám Trần triều…
Thanh Anh thở dài buồn bã. Từng bị săn đuổi y biết rõ sức của một người không thể nào chống cự lại ngàn nhân viên của đoàn do thám Thăng Long. Không những vũ thuật cao siêu cộng thêm lực lượng đông đảo, nhân viên đoàn do thám còn nắm trong tay một lá bùa hộ mệnh là triều đình.
Giọng nói của Lý Đông Ba vang vang trong cơn gió mùa đông lạnh lẻo:
– Để khỏi bị Trần Thủ Độ tận diệt chúng ta nên tìm cách đi vào phương nam trú ẩn. Lúc còn trẻ ta đã lưu lạc tới vùng Lâm Bình…
– Lâm Bình xa không ông nội?
Tiểu Dung hỏi và Lý Đông Ba trả lời không do dự:
– Xa lắm…Từ đây vào tới Lâm Bình đường xa ngàn dặm, phải qua sông qua núi qua đèo mất mấy tháng trời. Đó là chưa kể trộm cướp…
– Thưa ông con biết đường vào Lâm Bình. Cha của con có dẫn con vào Lâm Bình và Nghệ An một lần cách đây ba năm để kiếm sâm, nhung và quế hương. Vừa đi vừa về mất hơn nửa năm trời…
Tiểu Dung tròn mắt nhìn Thanh Anh với vẻ kinh ngạc pha lẫn thích thú:
– Thanh Anh đã vào Nghệ An à. Chị nghe nói trong đó phong cảnh đẹp lắm…
Nàng xưng chị tỉnh bơ dù nàng nhỏ hơn Thanh Anh mấy tuổi. Tuy nhiên Thanh Anh không tỏ vẻ khó chịu về lối xưng hô này. Liếc nhanh Lý Đông Ba đang cắm đầu bước đều trên con đường đất đỏ với thái độ trầm tư mặc tưởng Thanh Anh quay qua cười nói với Tiểu Dung:
– Nghệ An là đất mới đặt ra từ thời nhà Lý ta. Trước kia thời Đinh Lê gọi là Hoan Châu cũng như Thanh Hóa là Hóa Châu. Đất Nghệ An rừng núi mênh mông cho nên sản vật và muông thú nhiều vô số kể. Nghệ An có nhiều núi lắm nhưng tôi thích nhất là hai rặng Hồng Lĩnh và Giăng Màn…
– Giăng Màn… Tên gì nghe kỳ cục vậy… Bộ tính chuyện đi ngủ sao mà giăng màn, giăng mùng…
Tiểu Dung bật cười ròn tan sau câu nói đùa trên. Như lây cái tính vui vẻ và hồn nhiên của người chị bà con nhỏ tuổi hơn mình Thanh Anh cũng cười ha hả nói tiếp:
– Núi Giăng Màn mà có người gọi là núi Khai Trướng nằm ở phía tây hương Đỗ Gia. Đây là rặng núi cao nhất của Nghệ An bắt nguồn từ châu Qui Hợp với hàng chục ngọn núi chạy dài tới Diễn Châu. Thứ nhì là rặng Hồng Lĩnh nằm giữa hai huyện Hà Hoàng và Hàm Hoan. Người ta đồn rặng Hồng Lĩnh có tới chín mươi chín ngọn núi lớn nhỏ cao thấp khác nhau. Tuy không cao bằng Giăng Màn nhưng Hồng Lĩnh lại có hình thế hùng vĩ hơn. Hoan Châu có nhiều sản vật quí từ thổ sản tới lâm sản đặc biệt nhất là quế hương. Chị Dung biết quế hương không?
Tiểu Dung xì tiếng dài nói với giọng nửa bông đùa nửa tức bực:
– Biết chứ… Thanh Anh làm như chị ngu chị khờ lắm sao mà không biết cây quế. Nó có mùi thơm và là vị thuốc trị bệnh. Nhưng quế ở Nghệ An đâu có tốt bằng quế ở Thanh Hóa…
Mĩm cười gật gù Thanh Anh nói tiếp:
– Chị nói đúng. Quế Nghệ An không tốt bằng Thanh Hóa. Cây quế có hai loại là quế đực và quế cái…
Không nhịn được Tiểu Dung ôm bụng cười như nắc nẻ:
– Quế đực và quế cái… ha… ha… ha…Lần đầu tiên chị mới nghe nói…
Lý Đông Ba chợt xen vào câu chuyện của hai cháu:
– Thanh Anh nói đúng đó con. Cây quế có hai loại cái và đực. Cây quế cái có vỏ mỏng hơn còn cây quế đực có vỏ dầy hơn. Hoan Châu còn có sâm mà ta gọi là nam sâm để phân biết với sâm của Tàu. Ngoài ra Châu Hoan còn có trầm hương, sừng tê, ngà voi và gỗ lim rất quí…
– Như vậy có cây quế đực và cây quế cái hả ông nội?
Lý Đông Ba nhẹ gật đầu như trả lời cháu nội xong thong thả tiếp:
– Cây quế thân cao lớn, cành lá rườm rà, hoa nhỏ như hạt gạo mà không thơm, lá lớn trơn dài, nhọn và có ba đường gân. Thanh Anh con biết phân biệt quế tốt hay xấu không?
– Thưa ông con biết… Vỏ quế bóc ra từ cây quế được chia ra nhiều loại tốt xấu khác nhau và tác dụng cũng khác nhau. Thứ nhất là quế hạ bản tức là vỏ quế được bốc ra từ phần dưới hay là gốc của cây quế. Thứ nhì là quế trung châu được bốc ra từ phần giữa thân cây. Thứ ba là quế thượng biểu được lấy từ phần ngọn của cây. Thứ tư là quế chi được lấy ra từ cành cây. Có nhiều cách để phân định quế tốt hay xấu. Cách thứ nhất là cạo bỏ lớp vỏ ngoài xong mài với ít nước; nếu ra chất trắng như sữa bò thời tốt nhất, còn ra như nước trà xanh thời là loại thứ nhì và sau cùng nước đỏ là loại thứ ba. Ta cũng có thể nếm vỏ quế để biết quế tốt hay xấu. Đầu tiên nếm mà vị ngọt cay rồi đắng và sau cùng vị ngọt và ít cay hơn thời đó là quế tốt. Ngoài ra nếu lấy dao gọt bỏ lớp vỏ ngoài đoạn cắt làm đôi mà chỗ cắt trong như sáp, rất mịn và thấy có đường chỉ trắng thẳng băng thời quế rất tốt còn nếu đường chỉ trắng ngoằn ngoèo thời xấu hơn…
Lý Đông Ba mĩm cười khi thấy Tiểu Dung làm thinh không nói lời nào. Giọng nói của Thanh Anh từ từ cất lên:
– Chị Dung biết không. Muốn tìm võ quế không phải dễ đâu. Đôi khi phải mất cả tháng trời lặn lội trong rừng sâu…
– Chị nghe nói cây quế mọc nhiều lắm mà…
Thanh Anh lắc đầu cười:
– Những cây đó là của người ta trồng mình đâu có bóc vỏ được. Còn những cây mọc hoang mà gần nơi dân chúng ở thời thuộc về triều đình cho nên nếu mình bóc vỏ sẽ bị phạt tù…
Tiểu Dung trề môi xì tiếng dài:
– Cái gì cũng của triều đình… Riết rồi dân lành chỉ còn cạp đất mà ăn…
– Chị nói đúng đó. Những nơi nào có quế hàng năm phải tiến cống cho triều đình đúng với số lượng được ấn định nếu không sẽ bị tù tội. Bởi vậy các xã quan phải cho lính canh gác vì sợ bị mất cắp. Tìm được cây quế vô chủ trong rừng hoang đã khó mà tìm cây quế có vỏ khô càng khó hơn nữa. Cha tôi và tôi phải đi vào vùng hoang vu giáp với biên giới nước Lão Qua mới tìm ra một cây rồi chỉ bóc được vài miếng vỏ…
– Tôi tưởng thân cây quế cao lớn phải có nhiều vỏ lắm…
Thanh Anh cười nói:
– Đúng ra thì có nhiều vỏ nhưng thường thường lúc mình tìm gặp thời vỏ đã bong ra rơi xuống đất mục nát không còn dùng được hoặc đôi khi vỏ còn non không dùng được. Cha tôi nói mình phải có duyên mới tìm được miếng vỏ quế tốt cũng như đi tìm sừng tê, ngà voi vậy. Nhiều khi nó ở ngay trước mắt mà mình không thấy. Chuyện tìm cây quế của tôi chắc làm chị chán không muốn nghe…
Tiểu Dung lắc đầu cười nhìn đứa em bà con và giọng nói của nàng cũng êm dịu và thân mật hơn:
– Tôi thích nghe lắm chứ. Thanh Anh đi nhiều nên biết nhiều hơn tôi. Thanh Anh kể nữa đi…
Thanh Anh quay qua nhìn Lý Đông Ba và bắt gặp ông ta cũng đang nhìn mình mỉm cười ý nhị.
– Đi tìm các vật quí trong rừng khó lắm nhưng khó nhất là củ sâm và cây trà. Cha tôi nói hai thứ này biết đi…
Không nhịn được Tiểu Dung bật cười ròn tan. Tiếng cười của nàng vang vang trong đêm tối thâm u. Ngay cả Lý Đông Ba cũng phải mỉm cười khi nghe Thanh Anh nói củ sâm và cây trà biết đi.
– Bộ nó có chân sao mà biết đi?
Tiểu Dung hỏi đùa tuy nhiên Thanh Anh lại nói với giọng nghiêm trang:
– Chuyện kể nghe thời khó tin song có thể là sự thật. Cây trà mọc trong rừng hoang vu không dấu chân người lui tới nên nhiều khi sống lâu tới mấy trăm năm hoặc cả ngàn năm. Vì sống lâu cho nên nó hấp thụ linh khí của trời đất núi sông rồi lâu dần có phù phép khiến cho mình không thấy nó. Một lần tôi và cha tôi tìm gặp một cội cỗ trà già nua không biết bao nhiêu tuổi mà cha tôi chỉ nói là thiên niên. Gặp cội trà ngàn tuổi này ông mừng còn hơn lượm được ngọc ngà châu báu. Ông bảo tôi bỏ hết dược thảo, xương cọp để dành chỗ đựng lá trà. Ông bảo lá cây trà thiên niên còn hiếm và quí hơn sâm nhung hay hà thủ ô. Mang lá trà về nhà xong ông cặm cụi ướp, ủ, sấy trà cả tháng trời mới ngưng tay. Năm sau cũng vào mùa xuân người và tôi trở lại chỗ cũ thời không thấy cội trà thiên niên đó mặc dù cha tôi đã làm dấu cẩn thận vì sợ bị lạc đường không tìm ra nó. Hai chúng tôi lục lọi hết một vùng rộng lớn cũng không tìm ra dấu vết. Cuối cùng cha tôi buồn rầu bảo là mình đã hết duyên để gặp cho nên nó tàng hình không cho mình thấy…
Thanh Anh ngừng lời. Ba người im lặng không nói gì hơn. Lát sau Lý Đông Ba hắng giọng:
– Ta có nghe kể về chuyện cây trà sống lâu ngàn năm này. Nhà ông nội của ta ở châu Thái Nguyên cũng có cây trà sống ba bốn trăm năm. Tới mùa nó nở hoa thơm phức. Ông nội của ta quí nó còn hơn ngọc ngà châu báu và cưng nó hơn con cháu trong nhà…
Quay qua Thanh Anh ông ta cười hỏi:
– Chắc cháu có nghe bà nội cháu kể những chuyện ly kỳ về cây nhân sâm?
Thanh Anh chưa kịp trả lời Tiểu Dung nói nhanh như sợ người khác nói trước mình:
– Nội nội con biết chuyện này… Chuyện kể rằng thuở xa xưa có một tiều phu có một đứa con nhỏ năm bảy tuổi. Hàng ngày ông ta cho đứa con một nắm cơm để ăn trước khi đi đốn củi. Mặc dù chỉ ăn cơm không song đứa bé lại khoẻ mạnh và da thịt hồng hào. Kinh ngạc ông ta mới hỏi con trai ăn cái gì mỗi ngày. Đứa bé nói với cha là cơm của nó bị khỉ trong rừng ra lấy mất. Không hiểu chuyện gì xảy ra ông ta không đi hái củi mà ở nhà rình xem. Ông ta thấy cơm của con mình bị khỉ lấy mất nhưng chốc lát sau lại có một đứa trẻ bụ bẩm, nét mặt hồng hào đến chơi với con của mình. Lấy làm lạ người cha mới đưa cho con sợi chỉ đỏ và dặn khi nào đứa trẻ lạ mặt đi về thời buộc sợi chỉ đỏ vào tay của nó. Người cha đi lần theo sợi chỉ đỏ mới gặp một loài cây lá hình năm cánh và có trái màu đỏ. Đào lên ông ta gặp một cái củ có hình dáng tương tự như người ta. Chính cái củ này đã hiện thành đứa bé đến chơi với con ông và truyền sức khoẻ của nó cho con của ông ta. Có phải vì vậy mà hiền đệ mới nói là củ sâm biết đi…
Lý Đông Ba mỉm cười nhẹ lắc đầu vì biết cháu nội mình mượn chuyện cổ tích để diễu cợt người em bà con. Tuy nhiên Thanh Anh không tỏ vẻ phật lòng mà vẫn tươi cười lên tiếng:
– Chị Dung kể chuyện cổ tích hay lắm. Cha tôi còn nói trong các loại dược thảo thời đứng đầu là linh chi thảo, thứ nhì nhân sâm còn hà thủ ô đứng hàng thứ ba. Hà thủ ô và nhân sâm thời nước ta cũng có, riêng linh chi thảo thời chúng tôi tìm hoài không thấy. Sách xưa bảo rằng phải là người có duyên phận lớn lắm mới tìm gặp nó. Linh chi thảo…
– Hiền đệ tìm loại cỏ này để làm gì?
Tiểu Dung hỏi Thanh Anh.
– Tuy người ta gọi là linh chi thảo song nó không phải là cỏ mà là cây nấm. Chắc chị biết cây nấm rừng?
– Biết chứ sao không biết. Nơi chị ở có thiếu gì nấm. Đen có, vàng có, đỏ có và trắng còn nhiều hơn nữa. Có nhiều thứ ăn bổ còn có thứ độc lắm ăn vào là chết liền…
Thanh Anh cười nói đùa:
– Nhiều khi chị gặp linh chi mà chị không biết. Nó là một loai nấm thường sống nơi rừng rậm, ẩm ướt và thiếu ánh sáng…
– Cây linh chi ra làm sao. Chị muốn hỏi Thanh Anh về hình dáng để sau này có gặp…
Tiểu Dung hỏi câu trên. Thanh Anh mỉm cười trả lời:
– Linh chi có hình dáng khá kỳ lạ so sánh với loại nấm thường. Có thứ giống như cây nấm thường song mũ nấm nhăn nheo xấu xí; có thứ hình dáng giống như trái thận; có thứ giống như sừng hươu nai; có nhiều màu khác nhau như xanh, đỏ, đen, vàng, trắng…
Lý Đông Ba chợt lên tiếng ngắt lời của Thanh Anh:
– Ta nghe có tiếng vó ngựa…
Thanh Anh cũng ngưng thần lắng tai nghe ngóng rối thấp giọng:
– Thưa ông… Con nghe được vó ngựa nhiều lắm…
Lý Đông Ba chầm chậm gật đầu:
– Chắc là nhân viên do thám hay quan binh…
Dứt lời ông ta ngó quanh quất. Họ đang ở trên quãng đường mà hai bên toàn đồng trống. Xa xa về bên phải nổi lên chòm cây đen mờ trong bóng đêm thâm u.
– Tới chòm cây đó…
Lý Đông Ba nói lớn xong băng mình chạy trước. Thanh Anh và Tiểu Dung theo sau. Tới nơi họ mới biết đó là một gốc soan già cao ngất với cành lá um tùm.
– Dung nhi lên trước…
Tiểu Dung nhảy lên cành cây trong lúc Thanh Anh và Lý Đông Ba tung mình lên nhánh cây nhô ra đường. Thu hình trên cao Thanh Anh nhìn về phía tây nơi có xóm nhà đèn lửa mập mờ. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một rõ hơn rồi chốc sau một toán người ngựa hiện ra trong bóng đêm.
Lý Đông Ba thì thầm:
– Nhân viên do thám…
Trầm ngâm giây lát ông ta lẩm bẩm chỉ vừa đủ cho Thanh Anh và Tiểu Dung nghe:
– Chúng đi về hướng nam, hướng Đông Ngàn…
Ngồi trên cây họ hồi họp chờ toán nhân viên do thám đi qua. Chờ cho tới khi không còn nghe tiếng vó ngựa ba người mới nhảy xuống đất. Lý Đông Ba chợt quay qua hỏi Thanh Anh:
– Con biết đường tới Hoa Lâm?
Thanh Anh trả lời không do dự:
– Thưa ông con biết… Con đã tới hai lần nên còn nhớ đường…
– Ta cần tới Hoa Lâm trước hầu báo tin cho bà con họ hàng để dự phòng chuyện nguy hiểm có thể xảy ra. Phần con và con Dung cứ thong thả đi. Nhớ cẩn thận… Ta linh cảm có chuyện bất tường…
Quay sang cháu nội ông ta dặn dò mấy câu rồi triển thuật phi hành chạy theo đoàn người ngựa đã mất dạng trong bóng đêm.
Trang 2